'Làm ơn mắc oán' thúc đẩy sự vô cảm?

Viết Thịnh |

Mới đây, trên một diễn đàn mạng xã hội, thành viên Ngọc Huy đã đăng tải thông tin nhờ sự giúp đỡ của cộng đồng mạng.

Thành viên này cho hay: “Sáng nay khoảng 9 giờ 45 mình có đi xe máy đoạn ngã 3 Mỗ Lao đến Ngã 3 Khuất Duy Tiến, có một chiếc xe ô tô va chạm vào mình và một ông già. Ô tô chạy mất còn mình đưa ông đi viện.

Giờ người nhà nói mình va vào ông già đấy. Anh em ai di chuyển đoạn đường đó cho mình xin clip hành trình cho gia đình người ta xem. Làm ơn mắc oán…”

Câu chuyện của thành viên Ngọc Huy đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng. Các thành viên ngoài việc chia sẻ với tình huống khó xử kiểu làm ơn mắc oán của Ngọc Huy cũng chia sẻ nhiều câu chuyện từ thực tế của mình.

Thành viên Nguyễn Khắc Đức chia sẻ câu chuyện khác: Một cụ giúp một người tai nạn vào viện. Bác sĩ báo công an giữ xe, giữ người do nghi gây tai nạn. Người tai nạn sau khi tỉnh dậy bảo thôi đã giúp thì giúp cho trót, bác đưa em 10 triệu rồi em ký giấy cho bác.

Cũng rơi vào tình huống “làm ơn mắc oán”, thành viên Bụi Đường kể lại câu chuyện của mình: “Đêm mưa gió gặp một chị gái bị ngã xe trên QL21, mình xuống đỡ dậy đưa lên xe rồi đưa vào viện, xe máy của chị gái đó thì gửi ở nhà dân. Chị gái đó nhờ mình gọi điện cho người nhà đến vì điện thoại của chị ấy bị văng mất lúc ngã.

Chồng chị đến, câu hỏi đầu tiên là "vừa rồi ai gọi điện", biết là mình, người chồng xông vào táng luôn, thanh minh mấy câu không xong buộc phải cho người đó ăn đòn vì 2 lý do "tự vệ chính đáng" và "với thằng ngu thì không nên nói nhiều", thực sự lúc đấy không thể nào kìm chế nổi nữa”.

Làm ơn mắc oán thúc đẩy sự vô cảm? - Ảnh 1.

Chiến sĩ CSGT cùng người dân khẩn trương giúp đỡ người phụ nữ mang thai bị thương do va chạm giao thông. Ảnh Soha.

Chuyện “làm ơn mắc oán” còn xảy ra với cả lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT). Tổ trưởng một tổ tuần tra của CSGT từng kể lại với người viết về một tình huống oái oăm mà một tổ công tác của đơn vị mình gặp phải:

“Lúc đó anh em đang tuần tra kiểm soát vào buổi đêm thì chứng kiến một người bị nạn ở bên đường, chúng tôi đã đưa người bị nạn đến bệnh viện cấp cứu kịp thời.

Nhưng khi gặp chúng tôi, người nhà của người bị nạn không hiểu nghe thông tin ở đâu lại cho rằng người thân của họ bị tai nạn do CSGT truy đuổi và sau đó họ hành hung một đồng chí”, vị này cho biết.

Cũng từ sau đó, các tổ công tác trước khi cấp cứu người bị nạn dù gấp gáp nhưng thường phải có sự chứng kiến của các nhân chứng.

Dù chia sẻ nỗi niềm với thành viên bị người nhà nghi ngờ vì gây tai nạn, nhưng cũng có những thành viên cho rằng, dù có nguy cơ bị hàm oan thì việc cứu giúp người bị nạn là việc rất nên làm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại