Nội dung chính
- Nghề trồng kiểng giúp nông dân thoát nghèo, có thu nhập tốt.
- Nghề này đòi hỏi nhiều kinh nghiệm để hiểu sinh trưởng của cây.
Theo Báo Tây Ninh, hiện có trên 60 hộ dân ở xã Thành Long, huyện Châu Thành (Tây Ninh) làm nghề trồng cây kiểng, giúp vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế, xã hội trên mảnh đất vùng biên còn nhiều khó khăn.
Trước đó, người dân địa phương này chủ yếu làm nghề nông, buôn bán nhỏ lẻ, thu nhập không khá. Từng đến với nghề trồng kiểng như một thú vui, bây giờ trở thành cả vùng làm nghề.
Trong số người làm nghề kiểng ở địa phương, anh Giáp Văn Triệu (42 tuổi, ấp Thành Tây, xã Thành Long) cho biết đang sở hữu vườn cây kiểng các loại với diện tích gần 0,3 ha. Anh Triệu cho rằng nghề này không khó nhưng cần phải yêu thích và đam mê.
Anh Triệu từng làm thuê đủ thứ việc nhưng không ổn định, cuộc sống chật vật. Sau đó, thấy nhiều người ở địa phương làm nghề trồng kiểng có thu nhập ổn định, sẵn có niềm đam mê nên anh Triệu quyết tâm chuyển đổi nghề.
Giờ đây, trung bình mỗi tháng anh có thể có thu nhập từ 20-25 triệu đồng, gấp 3-4 lần mức thu nhập so với trước đó.
Xã biên giới này là một trong những vùng trồng cây kiểng lớn của tỉnh Tây Ninh với nhiều chủng loại, từ cây kiểng phục vụ công trình như lồng mứt ghép mai chiếu thuỷ cho đến bonsai như me, thị, trâm ổi, lộc vừng, duối… Mỗi vườn kiểng sẽ có những nghệ nhân "thổi hồn" vào từng cây, tạo nên tác phẩm nghệ thuật với đủ hình dạng.
Nghề trồng kiểng phổ biến tại nhiều tỉnh thành phía Nam. Tại TP HCM, ông Lê Thành Tâm (huyện Hóc Môn, TP HCM) đang có diện tích trồng cây kiểng đã lên gần 10.000m2.
Ông Tâm sở hữu hơn 130 loại giống kiểng, nhập từ nhiều nước trên thế giới, chủ yếu là Thái Lan và Đài Loan. Trong đó, nhiều loại cây độc đáo, như thần tài lá lớn, trầu bà lá to, cây môn, kim ngân, osaka, cau tiểu trâm, cây đại gia…
Cây kiểng của ông Tâm cung cấp cho các các resort, khách sạn, khu nghỉ dưỡng, chung cư cao cấp, nhà hàng…
Theo Báo Dân Việt, thu nhập bình quân của gia đình ông Tâm ước tính sau khi trừ chi phí, còn lãi 30 - 40 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, ông Tâm còn tạo việc làm cho 5 lao động tại địa phương, thu nhập bình quân mỗi người 4 triệu đồng/tháng trở lên tùy theo tay nghề.
Nhu cầu sử dụng kiểng của người dân TP HCM tăng 15%/năm
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP HCM, với số dân hơn 10 triệu người, nhu cầu sử dụng hoa, kiểng của người dân thành phố ngày càng tăng, trung bình tăng khoảng 15%/năm.
Hoa và cây kiểng là cây trồng có giá trị kinh tế cao, phù hợp sự phát triển của nền nông nghiệp đô thị của thành phố, đáp ứng nhu cầu thưởng lãm của khách du lịch trong nước và quốc tế.
Tiến sĩ Bùi Minh Trí, Trường Đại học Nông lâm TP HCM nói với Báo Nhân Dân: Phát triển ngành trồng hoa, cây kiểng là rất cần thiết trong bối cảnh nhu cầu thưởng lãm về hoa, cây kiểng ngày càng tăng cao cả về số lượng và chất lượng.
Trồng kiểng là nghề đòi hỏi kinh nghiệm rất nhiều bởi mỗi loại cây trồng có những đặc tính khác nhau. Nhìn chung, người muốn theo nghề cần quan tâm đến các yếu tố sinh trưởng của cây như đất, phân bón, nước, ánh sáng, khả năng chịu nắng gắt…
Nếu trồng trong chậu thì lưu ý thêm kích cỡ chậu tương xứng với chiều cao, bộ rễ của cây và khả năng thoát nước của chậu.