Làm nên "kì tích" đẳng cấp thế giới, Sơn Tùng đã chinh phục khán giả quốc tế như thế nào?

Phương Phương |

Bằng chiến lược và tiềm lực nào mà một chàng trai 25 tuổi có thể đem âm nhạc Việt được hát bằng tiếng Việt vươn tầm đẳng cấp thế giới?

Sản phẩm vượt xa đẳng cấp nhạc Việt

Mới đây, trang tin âm nhạc lớn nhất thế giới Billboard đã có bài viết giới thiệu về MV Hãy trao cho anh của Sơn Tùng M-TP. Bài viết xuất hiện trong mục điểm tin âm nhạc quốc tế của trang tin này.

Nhờ đó, MV âm nhạc mới nhất của nam ca sĩ Việt đã được sánh ngang cùng sản phẩm của các nghệ sĩ đến từ những nền âm nhạc lớn như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc,...

Đồng thời, các trang nước ngoài khác như website của giải thưởng World Music Awards, tờ The Source của Mỹ hay các trang báo Brazil cũng đăng bài viết khen ngợi MV "Hãy trao cho anh". The Source thậm chí còn gọi Sơn Tùng là "hiện tượng châu Á".

Lời khen tặng này không hề quá bởi tính tới thời điểm hiện tại, MV "Hãy trao cho anh" đã đạt được nhiều kỷ lục đáng nể. MV đang giữ vị trí Top 1 thịnh hành tại Việt Nam, Hàn Quốc và Úc, giữ vị trí cao tại các quốc gia khác như Canada, Cộng hòa Séc, Đức, Mỹ, Anh...

Xét trong khu vực châu Á, với cột mốc 26 triệu view sau 24h phát hành, Sơn Tùng M-TP trở thành nghệ sĩ solo sở hữu MV có lượt xem sau 24h đầu đứng thứ 2 và chỉ sau hit Gentllemen của PSY (36 triệu view).

Thành tích này chắc chắn không chỉ nhờ công của lượng fan đông đảo mà nam ca sĩ đang sở hữu. Mà bằng chính thực lực của mình, Sơn Tùng đã chinh phục được khán giả trên khắp thế giới và khiến truyền thống quốc tế phải chú ý.

Nếu các nghệ sĩ Việt khác mới chỉ cố gắng chiều lòng thị hiếu của khán giả trong nước thì Sơn Tùng đã quyết định bước vượt lên khỏi đẳng cấp nhạc Việt.

Dĩ nhiên, lượng khán giả nước ngoài của Sơn Tùng không được gây dựng trong một sớm một chiều. Bằng cách xây dựng hình ảnh và định hướng âm nhạc theo phong cách quốc tế trong suốt thời gian qua, Sơn Tùng đã thu hút được một số lượng người nghe nhất định ở nhiều nước trên thế giới.

Làm nên kì tích đẳng cấp thế giới, Sơn Tùng đã chinh phục khán giả quốc tế như thế nào? - Ảnh 2.

Fanpage tại Brazil của Sơn Tùng có hơn 16.000 người theo dõi trên facebook.

Hẳn nhiều khán giả Việt sẽ phải bất ngờ vì Sơn Tùng từ lâu đã có các trang fanpage ở Brazil, Nhật và Hàn Quốc. Không ít bạn trẻ ở Thái Lan, Mexico hay Mỹ cũng biết đến và hâm mộ chàng ca sĩ trẻ này không kém gì fan Việt.

Và MV "Hãy trao cho anh" với màn hợp tác cùng rapper nổi tiếng thế giới Snoop Dogg đã trở thành ngòi nổ thổi bùng lên hiệu ứng mang tên Sơn Tùng M-TP.

"Thời điểm vàng" để vươn tầm thế giới?

Trước khi "Hãy trao cho anh" ra mắt, nếu có ai nói rằng một MV nhạc Việt, do người Việt sản xuất và được hát bằng tiếng Việt sẽ đạt lượng người nghe "khủng" ở Hàn Quốc và Úc, chắc chắn sẽ chẳng ai tin nổi.

Sơn Tùng và ê-kíp của mình hẳn đã tính toán rất cẩn thận để quyết định thực hiện chiến lược đầy tham vọng vào thời điểm này.

Thành công vang dội của làn sóng K-pop, mà tiêu biểu là thành công của những nhóm nhạc Hàn như BTS hay BlackPink tại Âu Mỹ là bước đệm hoàn hảo để một ca sĩ như Sơn Tùng tấn công vào thị trường nước ngoài.

Làm nên kì tích đẳng cấp thế giới, Sơn Tùng đã chinh phục khán giả quốc tế như thế nào? - Ảnh 3.
Làm nên kì tích đẳng cấp thế giới, Sơn Tùng đã chinh phục khán giả quốc tế như thế nào? - Ảnh 4.

MV "Hãy trao cho anh" được thực hiện bởi một ê-kip đến từ Hàn Quốc, gần gũi với sản phẩm của K-pop nhưng vẫn hòa trộn với phong cách rất Âu Mỹ.

Năm 2012, ca khúc Gangnam Style của Psy đã khiến cả nước Mỹ phải chú ý tới K-pop. Tiết tấu nhanh, sôi động, giai điệu bắt tai đã thổi một làn gió mới vào các bảng xếp hạng âm nhạc tại Mỹ và những thành công nối tiếp sau đó thật khó tưởng tượng.

Thực tế là từ trước đó, K-pop đã từng có những lần tấn công vào thị trường Mỹ. Nhóm nhạc nữ Wonder Girls và Girls Generation đều từng có những chiến dịch hoành tráng tại Mỹ nhưng hiệu ứng không thực sự bùng nổ.

Tại thời điểm đó, cả Wonder Girls và Girls Generation đều thu âm các bản hit của họ bằng tiếng Anh với mong muốn dễ dàng tiếp cận nhóm người nghe nói tiếng Anh. 

Thế nhưng các nhóm nhạc K-pop thành công tại Âu Mỹ hiện nay tiêu biểu như BTS lại chẳng cần phải hát bằng tiếng Anh để khiến giới trẻ nước ngoài "phát cuồng".

BTS biết rằng họ có thể dùng chính tiếng mẹ đẻ để tiếp cận khán giả Âu Mỹ. Bởi âm nhạc chính bản thân nó đã là một ngôn ngữ. Nếu giai điệu của ca khúc khiến người nghe không ngừng lắc lư và thậm chí "gây nghiện" thì việc không hiểu lời hát cũng chẳng hề gì.

BTS đã chọn cách kết nối với khán giả nước ngoài bằng việc pha trộn các thể loại quen thuộc với người nghe Âu Mỹ, đồng thời đẩy mạnh việc hợp tác với các tên tuổi quốc tế như Steve Aoki, Zedd, Ali Tamposi hay Nicki Minaj.

Sơn Tùng cũng sử dụng đúng công thức này. Chính vì vậy, thành công của "Hãy trao cho anh" tuy ngoài mong đợi nhưng không hề bất ngờ.

Làm nên kì tích đẳng cấp thế giới, Sơn Tùng đã chinh phục khán giả quốc tế như thế nào? - Ảnh 5.

Toàn cầu hóa đã trở thành xu hướng mới của văn hóa đại chúng thế giới nói chung và ngành âm nhạc nói riêng. Hiệu ứng "khủng" của các ca khúc không hát bằng tiếng Anh như Despacito chính là minh chứng rõ ràng nhất.

Đại diện của công ty phát thanh Alpha Media, Mỹ từng chia sẻ trên tờ Rolling Stones: "Người ta thường từ chối không phát các ca khúc nếu nó không phải bằng tiếng Anh. Nhưng sự thật là ca khúc được nghe nhiều nhất năm 2017 lại là Despacito. Vậy vì sao chúng ta không thể phát nhiều ca khúc bằng tiếng nước ngoài hơn?".

Nhờ sự cởi mở của thị trường và những nước đi đúng hướng, hơn bao giờ hết, đây chính là thời điểm vàng để Sơn Tùng vươn tầm thế giới.

MV "Hãy trao cho anh" của Sơn Tùng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại