Lâm Hùng đi hát được 3 năm đã nổi tiếng. Cát xê tăng gấp... 500 lần. Đó là một may mắn không phải ai cũng có. Tuy nhiên, đằng sau danh xưng "ông vua nhạc miền Tây" của Lâm Hùng là những tháng ngày cực kỳ chông gai, vất vả, thậm chí vì ham hát mà suýt mất mạng.
Cát-xê tăng 500 lần khi nổi tiếng
Xuất thân trong gia đình bình dân ở miền Tây, Lâm Hùng may mắn thừa hưởng năng khiếu về âm nhạc của cha. Với sự dìu dắt, giúp đỡ của NSƯT Vũ Linh, Lâm Hùng được đi học thanh nhạc, được giới thiệu đi show. Dù thuận lợi như vậy, nhưng khoảng thời gian đầu, anh gặp vô vàn khó khăn.
Khi gia đình bị phá sản, Lâm Hùng lên Sài Gòn lập nghiệp. Hôm đó là mùng 3 Tết của một ngày cách đây mấy chục năm, 3 mẹ con Lâm Hùng đứng trước bàn thờ của ba anh, thắp hương và khóc. Lâm Hùng khấn nguyện với ông bà tổ tiên phù hộ cho anh lên Sài Gòn tìm cơ hội. Nếu 3 năm mà vẫn không làm nên chuyện thì sẽ quay về đi lái tàu.
Ca sĩ Lâm Hùng thời trẻ.
"Lên Sài Gòn, thời gian đầu được ở nhà anh Vũ Linh rất là sướng. Khi ra ngoài, mình phải thuê nhà. Đi hát ban đêm về, chạy chiếc xe hon-da, đi đường đất đỏ, tối về đầu dính đầy đất đỏ. Người cho mình thuê nhà, họ cứ tưởng mình đi giật đồ, sợ lắm. Mỗi lần bác ấy mở cửa ra thấy tôi là lắc đầu.
Được chừng 1 tuần là chủ nhà bảo kiếm chỗ khác thuê đi. 1 tháng mà tôi rời nhà mấy lần. Tôi ham hát tới nỗi, trời chuyển mưa nhưng cỡ nào cũng hát. Hát 20.000, 30.000 đồng cũng hát. 1 đêm hát 9 show.
May mắn là đúng 3 năm sau thì tôi nổi tiếng. Khi người ta kêu show, mình báo giá 900.000 rồi 2 triệu, 10 triệu, người ta cũng chấp nhận trả hết", Lâm Hùng kể trong chương trình Hạnh phúc ở đâu.
Dù thời gian đầu, mẹ của Lâm Hùng cương quyết phản đối con trai theo nghệ thuật. Tới mức con chuẩn bị đi diễn, bà lấy con dao ra chặt chiếc va-li đứt làm hai. Tuy nhiên, lúc này, bà là người vui nhất và ủng hộ con nhiều nhất.
Suýt mất mạng vì ham hát
Mấy chục năm đi hát với biết bao kỷ niệm nhưng có một kỷ niệm mà Lâm Hùng và rất nhiều khán giả miền Tây không bao giờ quên. Đó là vụ chìm xuồng ở bến phà Thuận Giang năm nào.
Thời điểm đó, Lâm Hùng là cái tên ngôi sao ở miền Tây. Anh cực kỳ đắt show và cũng được khán giả vô cùng yêu mến.
Đêm đó, Lâm Hùng hát ở bến đò sông Chét, Đồng Tháp nhưng vẫn nhận show ở Châu Đốc. Vừa hát xong ở Đồng Tháp là anh tức tốc chạy về Châu Đốc. Khi về, phải đi qua bến phà Thuận Giang. Lúc Lâm Hùng tới thì phà vừa đi. Anh bị trễ show. Bầu show liên tục gọi điện hỏi anh sắp tới chưa, khán giả không thấy Lâm Hùng nên đòi đập đồ.
Niềm đam mê ca hát của Lâm Hùng quá lớn. Anh từng suýt chết khi đi hát vì chìm xuồng.
"Lúc đó có cái xuồng câu đang đậu ở đó. Tôi kêu họ chở qua sông. Chủ xuồng nói, xuồng nhỏ lắm, không chở được. Tôi hỏi, xuồng câu 1 đêm được bao nhiêu tiền, chủ xuồng nói được 30.000.
Tôi trả 50.000, thế là họ đồng ý chở. Đi tới giữa sông, chủ xuồng bảo, chú ngồi đằng trước, tát nước đi. Lúc đó, nước đã qua mắt cá chân rồi, xuồng chìm rồi, nước tràn vô luôn.
Lúc đó tôi cởi áo vest ra luôn. Vì nếu mình mặc đồ sẽ bơi không nổi. Tôi cố cúi xuống để rút đôi vớ, mà không được. Sắp chết đuối rồi nhưng tay kia còn đang cầm điện thoại. Tôi gọi cho bầu show bảo "anh ơi, em bị chìm xuồng ở Thuận Giang". Vừa nói xong câu đó là điện thoại dính nước, tắt máy luôn.
Tôi ngước lên nhìn trời lần cuối. Lúc đó, hình ảnh mẹ cha, gia đình đều hiện về hết. Tự nhiên tôi thấy một chiếc phà từ bờ sông bên kia chạy ra nhanh lắm. Gần tới nơi, họ quăng 2 cái phao. Tôi mừng chảy nước mắt. Lên bờ, giày dép không còn, chỉ còn cái áo 'sơ cua' để trong xe, tôi mặc vào rồi chạy luôn tới điểm hát.
Tới nơi, khán giả đã đập đồ tan nát. Sân khấu, âm thanh, ánh sáng, ghế đều bị đập hết. Tôi phải lên sân khấu xin lỗi khán giả rồi trình bày lý do đến trễ, chân còn không mang dép. Giờ về phà Thuận Giang, nói tơi Lâm Hùng là ai cũng nhớ tới chuyến phà đêm hôm đó", Lâm Hùng hồi tưởng.
Bù lại, nghề cũng cho Lâm Hùng một cuộc sống giàu có, đủ đầy.
Nỗi ân hận không nguôi về mẹ
Lâm Hùng được yêu thích qua rất nhiều ca khúc như: Hát chung một dòng sông, Người là niềm đau, Phi trường phút biệt ly… nhưng đến giờ, đi show ở đâu, anh vẫn được khán giả yêu cầu bài hát "Vô tình" của nhạc sĩ Thái Hà.
Lâm Hùng ra khá nhiều sản phẩm âm nhạc, từ vol 1 đến vol 6, nhiều single, và 100 tình khúc để đời remix. Gần đây, mỗi năm, nam ca sĩ vẫn đều đặn phát hành một số MV.
Một thời gian dài, Lâm Hùng hoạt động chủ yếu ở miền Tây. Tới năm 2014, anh mới quay lại Sài Gòn và phải mất 2, 3 năm mới hòa nhịp lại được với thị trường âm nhạc ở Sài thành.
Nhìn lại chặng đường với biết bao thành công và gian nan ấy, Lâm Hùng chỉ hối hận duy nhất một điều là đã không dành thời gian nhiều cho mẹ vì quá ham hát.
"Tôi nhớ có lần, mẹ gọi hoài không được vì mình đang hát. Lúc gọi được, mẹ bảo: trời ơi, nãy giờ mẹ thắp nhang ông bà, vái cho mẹ được con nghe máy. Mẹ gọi mấy lần mà không liên lạc được với con. Nghe câu đó, tôi bị xúc động, cảm giác như mình bất hiếu. Sau đó, tôi về với mẹ nhiều hơn. Từ đó về sau, cứ mỗi lần hát xong là tôi gọi cho mẹ", Lâm Hùng kể.
Và điều khiến Lâm Hùng hối hận lớn hơn nữa là mẹ bị ung thư gan nhưng tới gian đoạn cuối, anh mới biết. Và thời gian từ lúc phát hiện bệnh tới khi bà qua đời, chỉ vỏn vẹn 3 tháng trời. Chính vì vậy, mỗi khi nhắc tới mẹ, Lâm Hùng tràn ngập cảm giác day dứt, nuối tiếc, ân hận.
"Nhiều cái kể ra, tôi thấy mình còn thua những người bình thường. Mẹ bị ung thư gan, tới giai đoạn cuối rồi mà tôi cũng không biết.
Một ngày kia, tôi đi diễn ở Mỹ về, vừa ngủ tới sáng thì dì ở quê gọi lên bảo, mẹ bị ung thư gan thời kỳ cuối, nặng lắm rồi. Tôi chết đứng. 3, 4 tháng sau là mẹ mất, không kịp cho mình chuẩn bị gì và cũng không trả hiếu được gì.
Lúc khổ, mẹ con ăn dưa mắm cà chua thì mạnh khỏe. Tới khi mình nổi tiếng, chưa lo được gì cho mẹ thì mẹ ngã bệnh. Chỉ 3 tháng sau là mẹ mất.
Tuy nhiên, đằng sau thành công là nỗi ân hận rất lớn của nam ca sĩ khi quá ham mê nghề mà không dành nhiều thời gian cho mẹ. Tới tận bây giờ, anh vẫn day dứt về điều đó.
Trước khi đi diễn ở Mỹ, tôi chở mẹ đi diễn cho show của anh Phương Tường. Đi ngang qua tượng Phật, mẹ bảo, tượng Phật này lớn quá. Tôi dừng lại cõng mẹ lên trên đó. Mẹ nói, con cõng mẹ như Mục Liên Thanh Đề. Mai mốt mẹ có chết, mẹ cũng độ cho con. Không ngờ đó là lần cuối cùng mẹ đi với tôi, xong về mẹ mất.
Khi mẹ gần mất, tôi nằm đối diện với mẹ, tôi định hỏi mẹ một câu là: con thương mẹ vậy, mẹ có hài lòng không? Nhưng mình không dám hỏi, sợ xúc phạm nên cứ im lặng nhìn mẹ.
Tới ngày mẹ mất tôi cũng không hỏi được câu đó. Đến bây giờ, mỗi lần nằm chiêm bao, tôi còn thấy mẹ, cứ chuẩn bị hỏi câu đó là tỉnh dậy", Lâm Hùng xúc động trải lòng.