“Đẩy Nga khỏi châu Âu là một sai lầm chiến lược”
Các quan chức Pháp đã so sánh chiến lược với Nga của ông Macron với chiến lược của Tổng thống Mỹ Richard Nixon với Trung Quốc năm 1972. Hai chiến lược này giống nhau về cách thức nhưng lại hoàn toàn trái ngược nhau về đối tượng. Nếu như Tổng thống Nixon muốn "làm ấm" quan hệ với Trung Quốc để kiềm chế Liên Xô thì Tổng thống Macron lại muốn "hòa dịu và củng cố quan hệ của EU với Nga " để ngăn cản việc Moscow kết thân với Bắc Kinh. Bằng chiến lược này, nhà lãnh đạo Pháp hy vọng có thể đảm bảo EU có đủ khả năng để kiểm soát tương lai của chính mình.
Động thái đầu tiên của Tổng thống Pháp là mời Tổng thống Nga Putin tới khu nghỉ Hè ở pháo đài Bregancon, Pháp trước khi Hội nghị Thượng đỉnh G7 diễn ra tại Biaritz. Bên cạnh đó, với vai trò là Chủ tịch luân phiên của Hội đồng châu Âu, Paris đã ủng hộ Moscow quay lại là thành viên tổ chức này sau hơn 5 năm Nga bị treo vì cuộc khủng hoảng Ukraine.
Ngoài ra, trong một bài phát biểu ngày 27/8 sau khi tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh G7, Tổng thống Pháp Macron đã phác thảo vai trò của Pháp như một nhân tố "cân bằng quyền lực" giữa Nga và các đối thủ, giữa Mỹ và Iran, giữa các nước giàu và các nước nghèo.
Ông Macron thậm chí tuyên bố rằng: "Đẩy Nga khỏi châu Âu là một sai lầm chiến lược sâu sắc", đồng thời cho rằng "sai lầm và điểm yếu"" này của EU sẽ đẩy Nga "liên minh" với Trung Quốc.
Nhà lãnh đạo Pháp cũng nhận định: "Châu Âu sẽ không bao giờ ổn định, không bao giờ giữ vững an ninh nếu chúng ta không làm hòa và nối lại quan hệ với Nga".
Vì sao Tổng thống Pháp muốn “đảo chiều lịch sử”?
Nhà phân tích Mark Leonard nhận định trên trang Eurasia Review rằng Tổng thống Pháp cho rằng sự chuyển hướng của Nga với Trung Quốc có thể phần nào gây nên sự "xáo trộn" của phương Tây. Và với một quốc gia có thể gây nên các mối đe dọa với châu Âu như vậy, ông Macron tin rằng không giải pháp nào hiệu quả hơn là việc đối mặt trực tiếp với vấn đề. Một quan chức Pháp đã giải thích rõ hơn về việc này: "Những xu hướng đang đúng với Triều Tiên và Iran thì cũng đúng với Nga. Chúng ta không thể gây ảnh hưởng với họ và khiến họ hành động trách nhiệm hơn nếu chúng ta cứ mãi trốn tránh sau bức tường trừng phạt".
Rõ ràng Nga là một nhân tố quan trọng trên toàn cầu. Nhiều cuộc xung đột trên thế giới hiện nay từ Đông Âu cho tới Trung Đông sẽ không thể giải quyết nếu bỏ qua sự tham gia của Nga.
Một lý do nữa cho sáng kiến ngoại giao mới của Pháp với Nga là để lấp đầy khoảng trống lãnh đạo ở EU. Anh - quốc gia có khả năng kiềm chế các hành động của Nga nhất đã tự rút mình khỏi cuộc chơi. Hơn nữa, vấn đề Brexit cũng đang khiến nước này rơi vào cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất kể từ Thế chiến II.
Trong khi đó, mặc dù thật không công bằng và thiếu tính toán khi đánh giá thấp vai trò của Thủ tướng Đức Angela Merkel song bà Merkel không còn có đủ ảnh hưởng hay "năng lượng" để dẫn dắt châu Âu xử lý các vấn đề của bản thân khối này chứ chưa nói tới các vấn đề bên ngoài.
Điều đó khiến cho Tổng thống Macron nhận ra rằng đây là khoảnh khắc của Pháp, theo một cách vừa là tình cờ mà cũng là một sự tính toán.
Bên cạnh đó, một lý do khác giải thích cho những nỗ lực hiện nay của Tổng thống Macron là nằm ở việc lòng tin của ông đối với Tổng thống Mỹ Trump đã bị lung lay. Hồi tháng 2/2018, chính Tổng thống Pháp Macron đã cảnh báo rằng EU không thể phụ thuộc an ninh vào Mỹ nữa, đồng thời kêu gọi cần có một chính sách mới về an ninh châu Âu giữa bối cảnh chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa cực đoan nổi lên mạnh mẽ.
Hơn nữa, khi mà Mỹ leo thang căng thẳng với Trung Quốc , một điều không thể tránh khỏi là Washington sẽ ít chú tâm hơn tới EU và những khu vực xung quanh. Tệ hơn nữa, Pháp lo rằng Tổng thống Trump có thể sẽ theo đuổi một chiến lược "mặc cả lớn" với Nga, để lại EU mắc kẹt giữa Mỹ và Trung Quốc.
Tuy nhiên, mối quan tâm lớn nhất của Tổng thống Pháp khi đề xuất sáng kiến cải thiện quan hệ với Nga là bản thân EU. EU sẽ không bao giờ trở thành một nhân tố toàn cầu trong thế kỷ 21 nếu khối này tiếp tục bị chia rẽ và bị bó buộc bởi các nước khác. Theo quan điểm của Tổng thống Macron, cải thiện quan hệ giữa EU với Nga là bước đầu tiên để đảm bảo chủ quyền của EU. "Nếu bạn không có một ghế trên bàn ăn thì đó là bởi bạn đã nằm trong thực đơn rồi". Điều đó tức là nếu EU không chủ động tìm kiếm vị trí cho mình, khối này sẽ bị chi phối bởi các nhân tố khác trong quan hệ quốc tế hiện nay.
EU đã theo đuổi một hướng tiếp cận với 2 xu hướng khác nhau với Nga, tức là một mặt vẫn duy trì các lệnh trừng phạt và tăng cường khả năng phòng vệ của NATO trong khi mặt khác vẫn tiếp tục đối thoại với Nga. Dù vậy, Pháp cho rằng hiện nay không có bất kỳ kênh đối thoại hiệu quả nào và rõ ràng các lệnh trừng phạt không thể giải quyết những đe dọa mà Nga có thể gây ra.
Vẫn còn những câu hỏi
Tuy nhiên, sáng kiến của ông Macron cũng đặt ra nhiều câu hỏi. Liệu Tổng thống Putin có sẵn sàng giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine? Hay thực tế hơn là liệu EU có đủ khả năng để chia cắt mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc? Hoặc liệu chính quyền Tổng thống Trump có sẵn sàng ủng hộ và để EU thực hiện một kế hoạch như vậy hay không?
Đặc biệt, câu hỏi lớn nhất nằm ở bản thân châu Âu. Liệu các quốc gia khác có đồng ý với kế hoạch của ông Macron không khi mà nhiều nước ở Trung và Đông Âu lo ngại ông Macron sẽ buộc Ukraine phải dàn xếp cuộc khủng hoảng ở miền đông nước này theo các điều khoản của Nga? Một số nhà quan sát nhận định Tổng thống Macron đang hành động một mình mà không có sự tham vấn thực sự với các đối tác và đồng minh châu Âu khác.
Cụ thể, một số đồng minh của Pháp, đáng chú ý nhất là Đức, Hà Lan, Ba Lan và các nước vùng Baltic đều rất thận trọng với sáng kiến của Paris. Một số quốc gia châu Âu hiện nay vẫn muốn EU tăng cường các lệnh trừng phạt với Nga sau vụ sáp nhập Crimea.
Norbert Röttgen, người đứng đầu ủy ban các vấn đề về chính sách đối ngoại của Bundestag (Quốc hội Đức) cáo buộc Pháp đã không hợp tác với Đức và các quốc gia khác trong kế hoạch trên.
"Vấn đề là Pháp chỉ đang "trao quà" cho Tổng thống Putin mặc dù ông ấy không có bất kỳ động thái thay đổi nào. Chẳng có thay đổi nào trong chính sách của Nga cả", ông Röttgen nói./.