Trao đổi với phóng viên NLĐO ngày 18-1, bà Huyền Anh cho biết năm 2017, bà ký hợp đồng vay tiêu dùng với Công ty H. (trụ sở: quận Phú Nhuận, TP HCM). Bà vay 63 triệu đồng, thanh toán hằng tháng hơn 4,8 triệu đồng (cả gốc lẫn lãi). Thời hạn vay đến tháng 3-2019. Sau khi trả Công ty H. 40 triệu đồng, bà và gia đình không còn khả năng thanh toán tiếp.
Về bản hợp đồng, bà Huyền Anh cho hay lúc vay tiền, công ty không giao hợp đồng lại cho bà. Đến cuối năm 2019, bà cùng nhiều thành viên trong gia đình bất ngờ nhận nhiều cuộc điện thoại. Người ở đầu dây bên kia nói rằng bà còn nợ Công ty H. 59 triệu đồng.
=Trong đơn trình báo cơ quan chức năng, bà Huyền Anh liệt kê khoảng 20 số điện thoại nhiều lần liên hệ với bà và người thân với lời lẽ hết sức côn đồ.
"Những người gọi điện không chỉ chửi bới, xúc phạm mà còn đe dọa tính mạng tôi và những người khác trong gia đình. Không chỉ vậy, một số tài khoản Facebook vào Facebook cá nhân của tôi và người thân bình luận, đăng tin có nội dung bôi nhọ, xúc phạm danh dự gia đình tôi. Họ muốn gây áp lực, buộc tôi trả nợ. Thời gian qua, tôi và gia đình hết sức lo sợ" - bà Huyền Anh nói.
Trên Facebook của bà Huyền Anh, tài khoản cá nhân tên Hùng Khoa thường xuyên đăng hình ảnh, bình luận thiếu văn hóa. Tài khoản Hùng Khoa còn đăng tải thông tin phía cho bà Huyền Anh vay nợ đã "bán nợ" qua cho người này.
Phân tích tình huống cá nhân cũng như gia đình bà Huyền Anh đang đối mặt, luật sư Đào Thị Bích Liên (Đoàn Luật sư TP HCM) khẳng định quấy rối, đe dọa, xúc phạm uy tín, danh dự bà Huyền Anh và người thân là hành vi vi phạm pháp luật. Những đối tượng thực hiện hành vi như vậy có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Chiếu theo luật định, việc công khai thông tin cá nhân người khác khi họ chưa đồng ý, cụ thể ở đây là khoản vay mà bà Huyền Anh vay Công ty H., cũng là việc làm pháp luật không cho phép.
Tài khoản Hùng Khoa nhiều lần đưa tin "khủng bố"
Theo luật sư Đào Thị Bích Liên, nạn nhân có thể khởi kiện ra tòa án, yêu cầu Công ty H. bồi thường thiệt hại vì làm lộ thông tin khách hàng khiến uy tín, danh dự bị ảnh hưởng. "Người dân có đơn tố cáo gửi cơ quan điều tra.
Trong đơn, người dân cung cấp thông tin về những cá nhân quấy rồi, đe dọa. Trên cơ sở đó, cơ quan điều tra sẽ tiến hành điều tra, xác minh làm rõ sự việc. Nếu đủ căn cứ, cơ quan điều tra sẽ tiến hành khởi tố khởi tố vụ án" – luật sư phân tích.
Từ sự việc trên, luật sư Đào Thị Bích Liên khuyến cáo người có nhu cầu vay tiền cần lựa chọn công ty, tổ chức cung cấp dịch vụ cho vay uy tín. Người vay nên đọc kỹ hoặc yêu cầu nhân viên tư vấn làm rõ nội dung hợp đồng; lưu ý điều khoản về lãi suất, thời hạn và phương thức trả nợ, cách tính tiền phạt. Luật sư nhấn mạnh mọi người cần cẩn trọng khi cung cấp thông tin cá nhân cho bên cung cấp dịch vụ.
Điểm đ, khoản 2, điều 7, Thông tư số 43/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính, được sửa đổi bởi Thông tư 18/2019/TT-NHNN có quy định rõ hơn về hoạt động nhắc nợ, đòi nợ , cụ thể:
Biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ phù hợp với đặc thù của khách hàng, quy định của pháp luật và không bao gồm biện pháp đe dọa đối với khách hàng, trong đó số lần nhắc nợ tối đa 5 lần/ngày, hình thức nhắc nợ, thời gian nhắc nợ do các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho vay tiêu dùng nhưng phải trong khoảng thời gian từ 7 giờ đến 21 giờ; không nhắc nợ, đòi nợ, gửi thông tin về việc thu hồi nợ của khách hàng đối với tổ chức, cá nhân không có nghĩa vụ trả nợ cho công ty tài chính, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; bảo mật thông tin khách hàng theo quy định của pháp luật.