Làm gì để luật theo kịp... Covid-19?

Di Lâm |

TAND Tối cao, VKSND Tối cao, Bộ Công an cần có thông tư liên tịch về phối hợp giải quyết sai phạm liên quan đến phòng chống dịch Covid-19.

Lực lượng tham gia phòng chống dịch Covid-19 làm nhiệm vụ ở khu Mả Lạng (quận 1, TP HCM) trong thời gian phong tỏa

Lực lượng tham gia phòng chống dịch Covid-19 làm nhiệm vụ ở khu Mả Lạng (quận 1, TP HCM) trong thời gian phong tỏa

Mới đây, đại tá Tô Danh Út (Chỉ huy trưởng, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP HCM) ký hai quyết định xử phạt hành chính ông Ðỗ Minh Chung (thuyền trưởng tàu Hòa Bình 09) cùng ông Nguyễn Hồng Thái (thuyền viên tàu này).

Ðây là hai trường hợp sai phạm nổi cộm trong bối cảnh cả nước căng mình phòng chống dịch Covid-19.

Rốt ráo xử lý hành chính

Hai quyết định xử phạt nêu rõ hành vi vi phạm liên quan đến phòng chống dịch Covid-19 do thuyền trưởng cùng thuyền viên tàu Hòa Bình 09 gây ra. Khi neo đậu tàu ở cảng Cát Lái (TP HCM), ông Thái không chấp hành biện pháp phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu từ cơ quan có thẩm quyền.

Ông Chung không tổ chức cách ly y tế đối với trường hợp phải thực hiện việc cách ly y tế theo luật định. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP khẳng định hai người này lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để vi phạm hành chính. Từ đó, cơ quan chức năng buộc họ chịu mức phạt tiền cao nhất - 10 triệu đồng/người.

Sau vụ việc chùa Viên Giác (quận Tân Bình, TP HCM) làm lễ cầu an tập trung đông người, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong chỉ đạo kiên quyết không châm chước bất cứ trường hợp nào, nếu có dấu hiệu sai phạm phòng chống dịch Covid-19; đặc biệt là trường hợp tụ tập đông người.

Luật gia Phạm Vân Mai Thùy (Hội Luật gia TP HCM) phân tích ngôi chùa trên tổ chức sự kiện có hơn 20 người tham dự trong khi UBND TP HCM yêu cầu tạm dừng mọi nghi lễ tôn giáo và các hoạt động từ 20 người trở lên ở cơ sở tôn giáo, thờ tự từ ngày 9-2. "Như vậy, cơ quan quản lý địa phương hoàn toàn có căn cứ xử phạt hành chính đối với hành vi không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người" - luật gia nhấn mạnh.

Luật cần sâu sát và nhanh hơn nữa

Dù cơ quan chức năng không hề nương tay nhưng quá trình áp dụng, thực thi pháp luật khó tránh khỏi một số tình huống bất cập. Một số ý kiến nêu bật vấn đề này trong bối cảnh phòng chống dịch Covid-19.

Theo luật gia Phạm Vân Mai Thùy, TAND Tối cao nên kịp thời có văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật và tổ chức xét xử tội phạm liên quan đến phòng chống dịch Covid-19.

Nếu người sống trong khu vực đã có quyết định cách ly, phong tỏa, thực hiện một trong những hành vi (trốn khỏi nơi cách ly; không tuân thủ quy định về cách ly; từ chối; trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly; không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối), làm phát sinh chi phí phòng chống dịch bệnh, gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên thì bị xử lý hình sự về tội vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người (theo điều 295 Bộ Luật Hình sự hiện hành).

Dù vậy, nhiều ý kiến thắc mắc về căn cứ xác định "chi phí phát sinh gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên". Cần có hướng dẫn cụ thể hơn vì cơ quan tiến hành tố tụng chưa đề cập cụ thể vấn đề này.

Theo luật sư Trương Xuân Tám (Chủ nhiệm Ðoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), việc điều chỉnh điều luật nhằm ứng phó một cách tốt nhất với dịch Covid-19 là khá chậm. Luật sư dẫn chứng hơn 7 tháng kể từ ngày Việt Nam phát hiện ca bệnh đầu tiên, Nghị định 117/2020/NÐ-CP tăng mức xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định về phòng chống dịch bệnh mới ra đời. Phần lớn văn bản về phòng chống dịch Covid-19 là chỉ thị, thông báo.

Ðó không phải văn bản quy phạm pháp luật nên việc áp dụng vấp không ít ý kiến trái chiều. Dù có chỉ đạo sớm nhưng TAND Tối cao chưa có phương án phối hợp với công an, VKS.

Từ phản ánh thực tiễn, luật sư cho rằng cơ quan chức năng cần thể hiện những quy định về phòng chống dịch bệnh nguy hiểm bằng văn bản quy phạm pháp luật. Bên cạnh đó, cần xem xét tăng mức xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân, tổ chức sai phạm.

Quan trọng hơn, 3 cơ quan tiến hành tố tụng nhanh chóng ban hành thông tư liên tịch về phối hợp giải quyết vụ án liên quan đến phòng chống dịch bệnh. Ðó là cơ sở pháp lý vững chắc trong xử lý sai phạm.

Ðiều 295 Bộ Luật Hình sự quy định ra sao?

Ðiều 295 quy định tội "Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người":

1. Người nào vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau thì bị phạt tiền từ 20-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1-5 năm: Làm chết người; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người mà tỉ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61%-121%; gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đến dưới 500 triệu đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau thì bị phạt tù từ 3-7 năm: Làm chết 2 người; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122%-200%; gây thiệt hại về tài sản từ 500 triệu đồng đến dưới 1,5 tỉ đồng; là người có trách nhiệm về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 6-12 năm: Làm chết 3 người trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên; gây thiệt hại về tài sản 1,5 tỉ đồng trở lên...

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại