Làm công nhân trong nhà máy iPhone tại Trung Quốc sẽ thế nào?

Tùng Linh |

Để được làm việc tại một nhà máy lắp ráp iPhone ở Trung Quốc không quá khó, công việc cũng cực kỳ đơn giản.

Không ít lần báo chí đã nói về sức ép bên trong những nhà máy sản xuất phần cứng của Apple tại Trung Quốc, từ việc làm thêm giờ bắt buộc đến mức thu nhập thấp. Mới đây Dejian Zeng, một sinh viên tại Đại học New York đã kể lại câu chuyện kéo dài 6 tuần của mình trong nhà máy Pegatron, lắp ráp iPhone với Business Insider.

Trung bình, mỗi công nhân được nhận mức lương 3100 tệ (tương đương 450 USD). Con số này đã gồm cả tiền làm thêm giờ, ngoài ra công nhân cũng được cung cấp chỗ ngủ trong thời gian làm việc tại nhà máy.

Apple trước đây đã từng thực hiện 16 cuộc kiểm tra nhà máy này. Kết quả cho thấy thời gian làm việc trung bình của công nhân là 43 giờ mỗi tuần. Mức lương công nhân tại đây cũng tăng hơn 50% trong 5 năm qua và cao hơn mức lương công nhân bình quân tại Thượng Hải. Tuy nhiên đây là những gì được công bố.

Thực tế lại hoàn toàn khác. Trong 12 giờ có mặt tại nhà máy, các công nhân chỉ được trả lương cho 10,5 giờ, 1,5 giờ còn lại không được trả gì. Nghỉ ngày nào sẽ không được tính lương ngày đó.

Làm công nhân trong nhà máy iPhone tại Trung Quốc sẽ thế nào? - Ảnh 1.

Một trong những lối vào xưởng lắp ráp

Mặc dù công việc của Zeng nghe có vẻ đơn giản,chỉ là vặn ốc cho cho mặt sau của chiếc máy nhưng để làm tốt lại không hề đơn giản. 2 ngày đầu anh phải tập trung rất nhiều để có thể lắp kịp với tốc độ của dây truyền. Mọi việc công nhân cần làm làm lắp sao cho thật nhanh. Đến khi đã quen, mọi thứ sẽ dễ dàng hơn.

Tại đây, các công nhân không giao tiếp với nhau nhiều, kể cả trong giờ ăn trưa. Quản lý cũng yêu cầu các công nhân luôn giữ trật tự.

Làm công nhân trong nhà máy iPhone tại Trung Quốc sẽ thế nào? - Ảnh 2.

Ký túc xá và nhà tắm của công nhân

Phòng ký túc mà anh ở có 8 người, cách nhà máy 10 phút đi xe. Anh thường ngủ dậy vào lúc 6 giờ đến 6 giờ 30 sáng do làm ca đêm.

Ca làm việc của Dejian Zeng bắt đầu từ 7 giờ 30 tối và kéo dài khoảng 12 tiếng. Thời gian này bao gồm cả giờ nghỉ giữa ca, giờ ăn. Sau mỗi 2 tiếng làm việc, công nhân sẽ có 10 phút nghỉ.

Trong 10 phút này, rất nhiều người chọn cách đi ngủ, số khác chọn cách đi vệ sinh. Vì nhà máy tại đây có kích thước khổng lồ nên công nhân chỉ đủ thời gian làm 1 việc, kể cả uống nước.

Các thiết bị điện tử bị kiểm soát rất chặt và hoàn toàn không có chiếc điện thoại nào được mang vào khu vực làm việc.

Mọi người có 50 phút nghỉ ăn ca. Nếu ăn xong sớm, công nhân có thể đi ngủ. Nhưng ngủ không phải là nằm ngủ mà là ngồi ngủ. Trong nhà máy có rất nhiều ghế băng dài, nếu nằm tại đây sẽ có những người ghi lại và lập biên bản. Nhiều biên bản quá sẽ bị trừ lương. Việc mang điện thoại vào khu vực nhà máy cũng là vi phạm nội quy và cũng sẽ có biên bản.

Trong căng tin tập thể, mỗi suất ăn có giá từ 5 đến 8 tệ, tùy vào những món mà công nhân chọn. Trong khuôn viên nhà máy cũng có những nhà hàng khác với mức giá khoảng 20 tệ nhưng tất cả đều có một điểm chung là chỉ giúp công nhân no bụng, không có lựa chọn nào khác.

Làm công nhân trong nhà máy iPhone tại Trung Quốc sẽ thế nào? - Ảnh 3.

Đây là khu vực các công nhân được đào tạo về an toàn lao động và nội quy làm việc

Ca làm của Zeng kết thúc lúc 7 giờ 30 sáng. Sau thời gian này các công nhân có thể quay về nghỉ ở ký túc hoặc tìm hàng Internet nào ở xung quanh để giải trí. Trong ký túc công nhân cũng có Wi-Fi nhưng muốn dùng được, mọi người phải tải một ứng dụng về điện thoại.

Ứng dụng này sẽ bắt người dùng bấm hay xem quảng cáo để kiếm những đồng xu ảo. Dùng những xu ảo này sẽ dùng để mua thời gian truy cập Internet. Để truy cập trong 24 tiếng sẽ cần 20 xu và để tải ứng dụng hay nội dung sẽ là 20 đến 30 xu. 100 xu nếu đổi ra tiền mặt sẽ có giá 5 tệ.

Tuy nhiên việc làm công nhân rất mệt mỏi nên thời gian tốt nhất là sử dụng để ngủ vì hơn 6 giờ chiều, mọi thứ sẽ lại tiếp tục.

Mặc dù làm việc trong nhà máy lắp ráp iPhone nhưng không phải ai cũng đủ tiền mua chiếc điện thoại mà họ làm ra. Tất nhiên nếu họ tiết kiệm tiền lương 2 tháng thì có thể sẽ đủ nhưng đa số họ chọn những mẫu máy rẻ hơn như Oppo.

Làm việc tại nhà máy này đồng nghĩa với làm việc trong một môi trường bảo mật tuyệt đối. Việc lắp ráp iPhone 7 được thực hiện từ tháng 6 năm ngoái. Khi đó máy mới chỉ được lắp ráp thử nghiệm, cả ngày mỗi công nhân chỉ lắp đúng 5 chiếc máy. Sau khi lắp xong họ chỉ được ngồi chờ, không nói chuyện, không rời vị trí cho đến khi được nghỉ giải lao.

Mỗi khi có nhân viên của Apple tới dây chuyền, các quản lý sẽ hô to “khách hàng tới” (tại đây Apple được gọi là khách hàng). Các nhân viên của Apple xuất hiện để đảm bảo mọi vấn đề trong khâu lắp ráp đều được kiểm soát.

Khi được hỏi về tương lai của công nhân các nhà máy này, Zeng cho biết: “Công nhân không phải là công việc có thể thăng tiến. Nhiều người sau khi làm việc cho các nhà máy sẽ chuyển sang làm bảo vệ, người giao hàng hay giúp việc, những công việc có trình độ tương tự công nhân.

Tuy nhiên nghề công nhân nhà máy chắc chắn sẽ giúp mọi người không trở thành người vô gia cư vì không cần trình độ hay kiến thức gì, cũng có thể làm công nhân. Thậm chí khi phỏng vấn, những người tuyển dụng còn không hỏi câu gì sau đó công nhân còn được trả tiền và cung cấp chỗ ngủ.”

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại