Đó là mùa vui, mùa thu hoạch lớn trong năm của người Việt kinh doanh buôn bán tại Nga. Đây cũng là thời điểm anh em làm văn nghệ và báo chí người Việt tại Nga cũng hối hả giục nhau làm báo Tết.
Đa dạng ấn phẩm
Trước đây, Đại sứ quán Việt Nam tại Liên Xô dưới thời Đại sứ Nguyễn Mạnh Cầm ra tạp chí Đất nước để phục vụ nhu cầu văn hóa tinh thần của cộng đồng. Sau năm 1990, Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga tiếp quản tờ Đất nước. Cuối năm 1992, Tạp chí Người bạn đường của Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam tại Liên bang Nga ra mắt số đầu tiên.
Thế rồi các tờ báo và tạp chí tiếng Việt nối tiếp nhau ra đời: Tờ Khoa học & Cộng đồng của Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam tại Liên bang Nga, tạp chí Đồng hương của anh Nguyễn Văn Tài ở Viện Ngôn ngữ Nga, tạp chí Người đồng hương của Hội Người Việt định cư tại Liên bang Nga, tạp chí Tao đàn của Chi hội Nhà văn thuộc Hội Văn học Nghệ thuật, tạp chí Thông tin và Thời đại (phụ trương của tạp chí Đất nước), Huế trong ta của Hội những người yêu Huế, sau cùng là Tạp chí Đoàn kết (2005), cơ quan ngôn luận của Hội Người Việt Nam tại Liên bang Nga.
Hằng năm, ngay từ đầu tháng 10 dương lịch, trong cuộc họp mặt với các cộng tác viên tạp chí, các anh ở Văn phòng Đảng ủy Đại sứ quán qua các nhiệm kỳ: Phạm Ngọc Giao, Phạm Công Khanh, Trần Phương Thạc, Nguyễn Văn Hán, Đặng Hữu Trung, Lê Minh Dần, Đặng Trần Cự, Nguyễn Trung Đông... đã nhắc chúng tôi chuẩn bị bài cho số đặc biệt mừng xuân.
Các nhà văn, nhà thơ, nhà báo như Trần Đăng Khoa, Nguyễn Đình Chiến, Nguyễn Tuấn Phong, Châu Hồng Thủy, Nguyễn Huy Hoàng, họa sĩ Lê Thanh Minh, nhiếp ảnh gia Dương Minh Long... đang học tập, công tác tại Moscow, có công đóng góp tích cực xây dựng Tạp chí Đất nước thời kỳ đầu.
Đất nước là tạp chí tổng hợp, có cả phổ biến nghị quyết chính sách của nhà nước Việt Nam, quy định của chính quyền sở tại, phong tục tập quán Nga liên quan thiết thực đến đời sống của công dân Việt Nam tại Nga, nên các số thường kỳ dành cho văn nghệ không nhiều. Nhưng số xuân thì văn nghệ được ưu tiên số trang rất lớn.
Tạp chí Người bạn đường của Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam tại Nga, chỉ chuyên về văn học nghệ thuật. Người bạn đường tồn tại được là nhờ tài trợ của các nhà doanh nghiệp. Hằng năm, để chuẩn bị cho số Tết, nhà thơ Nguyễn Đình Chiến chuyên đi lo việc gặp các doanh nghiệp Bến Thành, Sông Hồng, KT, Lion, Togi... đặt vấn đề tài trợ bằng cách đăng quảng cáo về công ty của họ, còn tôi lo việc đặt bài các nhà văn trong nước, giục các cộng tác viên tại Nga gửi bài, lo biên tập nội dung. Có năm tôi và nhà thơ Bùi Quang Thanh phải lội trong tuyết lạnh đi chụp ảnh quảng cáo cho một chi nhánh ngân hàng của Nga do người Việt làm giám đốc.
"Tai nạn nghề nghiệp" nhớ đời
Lại nhớ một "tai nạn nghề nghiệp" thời tôi về làm Tạp chí Đoàn kết của Hội Người Việt tại Liên bang Nga với danh nghĩa "Thư ký trọng trách", do anh Lê Ngọc Hường, chủ tịch hội kiêm chủ nhiệm. Anh Hường là người rất kỹ tính. Khi Nguyễn Anh Tú và tôi làm chế bản xong, tôi đọc rất kỹ rồi chuyển cho anh Hường, anh đọc cũng rất kỹ, rồi ký tên vào từng trang. Không ai có thể sửa thêm một chữ sau khi anh ký duyệt.
Tại nhà in của Nga, họ cũng in ra 100 trang in thử, bắt tôi phải ký vào cả 100 trang, rồi mới in chính thức. Thế mà số xuân năm 2007 vẫn còn một lỗi ngay ở trang bìa mà chúng tôi không phát hiện ra. Khi Đoàn kết phát hành ngoài chợ Vòm, nơi có gần chục nghìn người Việt buôn bán, có người gọi điện bảo: "Các ông bán cho chúng tôi số Tết năm ngoái à?".
Giật mình xem lại, lỗi ngay ở trang bìa. Maquette bìa đã thống nhất cố định sẵn. Mỗi số tiếp theo chỉ thay đổi ảnh bìa và đổi số, đổi ngày tháng năm tạp chí ra mắt. Chúng tôi quên không sửa 2006 thành 2007. Thế là thành tạp chí của Tết năm cũ. Anh Hường và tôi cũng đành cười trừ với nhau, vì cả hai cùng ký mà không phát hiện ra lỗi. Nguyên do là vừa duyệt bài vừa tham gia chế bản có khi thâu đêm suốt sáng cho kịp Tết, mỏi mệt không phát hiện ra.
Bìa tạp chí Đoàn kết số 3, Xuân Bính Tuất 2006
Có một lần, suýt nữa chúng tôi đăng nhầm một bài thơ lên tạp chí Đoàn kết. Nguyễn Anh Tú lúc duyệt bài, mắt rơm rớm khi đọc bài thơ của một chị đang bán hàng ở chợ Vòm gửi đến, bảo tôi: "Có bài thơ về Tết hay quá anh ạ".
Rồi Tú đọc cho tôi nghe: "Xa ngàn dặm vẫn bày mâm cỗ tết/ Bánh chưng xanh, nậm rượu nếp quê nhà/ Mâm ngũ quả, khói hương trầm nghi ngút/ Lịch bên tường, đào phớt đỏ sắc hoa/ Lòng man mác, gửi về nơi xóm vắng/ Bóng cha già lau hương án gia tiên/ Mẹ lúi húi canh chừng bên bếp lửa/ Nghe bước chân, thấp thỏm ngó qua thềm…/ Có tất cả, nhưng làm sao có Tết/ Xung quanh con xa lạ nước non người/ Sau cửa sổ, mịt mờ đêm xứ tuyết/ Bếp lửa hồng, dáng mẹ quá xa xôi"(trích).
Tôi bảo: "Hay quá. Một người đi chợ viết được như thế, là quá giỏi. Cho in trong số này ngay". Khi chế bản, tôi ngâm nga bài thơ và ngờ ngợ hình như bài này mình đã đọc đâu đó rồi. Tôi giở tập thơ mà nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng tặng để kiểm tra, thì đúng là bài thơ của anh. Truy tìm tiếp, chúng tôi lại thấy có một vị khác cũng đem bài thơ này của Nguyễn Huy Hoàng đăng số Tết Mậu Tuất 1998 của tờ Văn nghệ trẻ trong nước. May mà mình phát hiện sớm.
Kỷ niệm làm báo chí có nhiều chuyện vui và cũng không ít chuyện buồn. Nhân ngày Tết, tôi chỉ xin ôn lại mấy chuyện vui vui cùng bè bạn. Có thể nói mỗi số tạp chí là một đứa con tinh thần của những người làm báo, mà số xuân là đứa con đẹp nhất. Mỗi khi đến nhà in lấy tạp chí về, chúng tôi cứ mê mẩn hồi lâu ngắm nghía tờ tạp chí trên tay.
Những số tạp chí mà chúng tôi dồn bao tâm huyết và tình yêu của mình, đã đem lại niềm vui cho độc giả, những người con sống xa Tổ quốc, trong tuyết rơi và băng giá đang đau đáu nhớ về cái Tết cổ truyền dân tộc, về những người thân yêu ruột thịt ở quê hương.
Ngày Tết, Người bạn đường chúng tôi không bán, mà đem tặng các trung tâm thương mại đã tài trợ. Các trung tâm thương mại này có thông lệ rất ý nghĩa là tặng quà cho bà con ngày Tết. Túi quà tặng thường có một chai sâm-panh, một chiếc bánh chưng, một cuốn lịch treo tường, một cuốn Tạp chí Người bạn đường hoặc Tạp chí Đất nước, Đoàn kết.
Bìa Tạp chí xuân Người bạn đường 2015 và Đoàn kết 2006