Lái xe giữa thời tiết nắng nóng cần lưu ý điều gì?

Huyền Như |

Thời tiết nắng nóng khiến cho việc sử dụng ô tô làm phương tiện đi lại tiềm tàng những rủi ro. Người điều khiển cần nắm rõ những lưu ý dưới đây để di chuyển một cách an toàn trong mùa hè này.

Nắng nóng khiến cho nhu cầu di chuyển bằng ô tô của người dân tăng cao. Dù thuận tiện đi lại giữa thời tiết hè oi bức nhưng di chuyển bằng ô tô khi nhiệt độ quá cao cũng tiềm tàng những nguy hiểm. Người lái xe nên trang bị kiến thức cũng như chuẩn bị cho phương tiện của mình để di chuyển an toàn trong thời tiết nắng nóng như hiện nay.

Đầu tiên, khi di chuyển trong thời tiết quá nóng, hãy luôn để ý đến đèn cảnh báo nhiệt độ nước làm mát. Nếu đang đi và đèn cảnh báo này sáng lên, nghĩa là xe động cơ xe đang nóng lên quá mức, hãy tấp xe vào lề đường và dừng lại, tránh xa những phương tiện khác đang di chuyển và đỗ xe trong bóng râm (nếu có).

Lái xe giữa thời tiết nắng nóng cần lưu ý điều gì? - Ảnh 1.

Một số lưu ý về an toàn

Yếu tố quan trọng nhất đó là sức khỏe của người điều khiển. Do thời tiết nắng nóng, tình trạng cơ thể bị mất nước là không thể tránh khỏi, từ đó có thể xuất hiện những triệu chứng như đau đầu, mệt mỏi và chóng mặt, rất nguy hiểm khi đang tham gia giao thông. Bởi vậy cần lưu ý một vài mẹo di chuyển trong thời tiết nắng nóng dưới đây:

- Tránh những cung đường đông đúc nơi hay xảy ra tình trạng tắc đường, hạn chế di chuyển trong những trục đường này nhất có thể.

- Luôn mang theo nước để trên xe, đặc biệt là nước mát.

- Trang bị đồ ăn nhẹ trên xe để phòng trường hợp đói, hạ đường huyết làm trầm trọng hơn tình trạng đột quỵ do nhiệt.

- Sử dụng điều hòa hoặc hạ cửa sổ để giữ cho xe thoáng mát.

- Trang bị kem chống nắng và mũ chống nắng đề phòng những trường hợp xe bị hỏng và phải chờ cứu hộ dưới nắng.

Trong trường hợp nếu ô tô quá nóng hoặc gặp trục trặc:

- Kích hoạt đèn báo nguy hiểm. Tấp vào lề đường, ở trong xe và mở cửa ra vào, cửa sổ nếu không có bóng râm, theo dõi nhiệt độ trong xe.

- Trong trường hợp bị hỏng xe giữa đường và không thể di chuyển được, hãy ra khỏi xe và cố gắng tìm bóng râm bên đường trong lúc chờ hỗ trợ.

- Tuyệt đối không mở nắp bộ tản nhiệt cho đến khi động cơ nguội hoàn toàn vì hơi nước và chất lỏng có thể thoát ra.

- Gọi cứu hộ trong trường hợp bị mắc kẹt ở những khu vực hẻo lánh và không thể khởi động lại xe.

Những bộ phận cần được kiểm tra trước khi di chuyển giữa thời tiết nắng nóng:

Kiểm tra một vài bộ phận quan trọng sau đây trước khi di chuyển giữa thời tiết nắng nóng là rất cần thiết để tránh những rủi ro không đáng có, đảm bảo rằng phương tiện đã sẵn sàng di chuyển trong điều kiện thời tiết nhiệt độ cao.

Ắc quy

Kiểm tra và bảo dưỡng ắc quy ô tô là điều mà bất kì người lái xe nào cũng cần làm thường xuyên. Thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh cũng đều ảnh hưởng xấu đến pin. Nếu phương tiện sử dụng pin ắc quy không cần bảo dưỡng, hãy kiểm tra kĩ để phát hiện các vết nứt hay rò rỉ, đồng thời tất cả các pin phải được kiểm tra ăn mòn khỏi các cực và kết nối.

Lốp xe

Hãy đảm bảo lốp xe được bơm căng đúng cách. Lốp xe được bơm quá căng là một mối nguy hiểm tiềm tàng trong thời tiết nóng bởi chúng chịu ma sát lớn hơn so với lốp xe được bơm căng ở mức độ vừa phải, ma sát cao thì nhiệt sinh ra cũng sẽ nhiều hơn. Nếu lốp xe quá nóng, nó có thể bị nổ hoặc bốc cháy và lốp quá căng cũng gây ra vấn đề tương tự bởi không khí bên trong lốp nở ra khi trời nóng và dễ bị nổ.

Hệ thống làm mát

Điều này cần đặc biệt chú ý khi thời tiết quá nóng. Kiểm tra bộ tản nhiệt và đảm bảo chất làm mát thường xuyên được thay thế và đổ thêm nếu bị cạn.

Các loại dầu

Mỗi chiếc ô tô đều sử dụng rất nhiều loại dầu để vận hành. Dầu động cơ, dầu hộp số, dầu phanh, dầu trợ lực lái và dầu gạt nước kính chắn gió đều có thể có nguy cơ bị khô trong thời tiết nắng nóng. Giữ cho chúng luôn đầy đủ và kiểm tra kỹ từng bộ phận trước bất kỳ chuyến hành trình dài nào.

Hiện tượng nghẽn hơi

Khóa hơi hay nghẽn hơi là một sự cố động cơ nguy hiểm có thể xảy ra khi thời tiết quá nóng, nếu nhiệt độ trong động cơ và đường dẫn nhiên liệu đủ cao để làm nhiên liệu bị bốc hơi. Khi xăng bị bốc hơi và không thể đi đến buồng đốt, xe có thể bị chết máy và mất điện hoàn toàn. Khi khóa hơi xảy ra, lựa chọn duy nhất là để cho các đường dẫn nhiên liệu và động cơ nguội trước khi cố gắng khởi động lại xe. Tấp vào lề đường ngay khi nghi ngờ bị khóa hơi, sau khi tắt động cơ, có thể đổ nước lạnh vào bên ngoài bình xăng, bộ chế hòa khí và đường dẫn nhiên liệu để ngưng tụ nhiên liệu.

Mặt đường

Thời tiết quá nóng có thể khiến mặt đường bị cong hoặc vênh, khiến xe di chuyển gặp nguy hiểm. Hiện tượng này xảy ra khi các vết nứt nhỏ trên mặt đường khiến hơi ẩm thấm vào, sau đó nở ra theo nhiệt, thường xảy ra với những con đường phụ hơn là trên các tuyến cao tốc đông đúc. Bởi vậy cần giảm tốc độ và để ý mặt đường bị vênh vì chúng có thể khiến mất kiểm soát xe.

Không để trẻ em một mình trong xe

Nhiều người không hề biết rằng nhiệt độ bên trong một chiếc ô tô khi đứng yên có thể tăng đến 20 độ C chỉ trong 10 phút vào ngày nắng nóng. Trẻ em, người cao tuổi, người mắc các bệnh mãn tính đều rất dễ bị mất nước và say nắng. Ngay cả những người khỏe mạnh cũng có nguy cơ bị ốm khi tiếp xúc với nhiệt độ cao trong thời gian dài. Theo thống kê của Hội đồng An toàn Vương quốc Anh, đã có 48 trẻ em tử vong do bị bỏ lại trong xe ô tô vào thời tiết nóng từ tháng 1 đến tháng 9 năm 2018. Mọi trường hợp tử vong này đều có thể phòng ngừa được bởi nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ trẻ em đi vào ô tô không có người trông coi hoặc bị bỏ quên ở hàng ghế sau.

Những lời khuyên được trích từ tờ hướng dẫn an toàn cho trẻ em trên toàn thế giới để ngăn ngừa đột quỵ do nhiệt:

- Không bao giờ để trẻ một mình trong xe, dù chỉ một phút.

- Luôn khóa ô tô khi không sử dụng để trẻ em không thể vào được.

- Đặt đồ vật gì đó cần thiết trên băng ghế sau như ví hoặc giày để luôn nhớ kiểm tra và đảm bảo không quên trẻ em đang ngủ trong xe.

- Gọi hỗ trợ ngay khi thấy trẻ em một mình trong xe.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại