Theo biểu lãi suất huy động mới nhất của Ngân hàng TMCP Dầu Khí Toàn Cầu (GPBank), ngân hàng này đồng loạt giảm 0,25 điểm % lãi suất huy động các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên đối với hình thức gửi tiền online.
Theo đó, lãi suất huy động các kỳ hạn 6 tháng giảm từ 7,8% xuống còn 7,55%/năm; kỳ hạn 7 – 8 tháng giảm từ 7,85% xuống còn 7,6%/năm; 9 tháng giảm từ 7,9% xuống còn 7,65%/năm; kỳ hạn 12 tháng giảm từ 8% xuống còn 7,75%/năm; 13 – 36 tháng giảm từ từ 8,1% xuống còn 7,85%/năm.
Trước đó, GPBank là ngân hàng có biểu lãi suất huy động tiền gửi cao nhất hệ thống; và là một trong 2 nhà băng hiếm hoi còn áp dụng mức lãi suất từ 8% trở lên cùng với Saigonbank.
Sau đợt điều chỉnh này của GPBank, hiện còn duy nhất Saigonbank niêm yết mức lãi suất 8%. Mức lãi suất này được ngân hàng áp dụng cho kỳ hạn gửi 13 tháng theo hình thức gửi tiền online.
Trước GPBank, nhiều ngân hàng cũng đã giảm mạnh lãi suất kể từ đầu tuần này như SCB, HDBank, VietBank, Oceanbank, NCB.
Khảo sát biểu lãi suất niêm yết trên website của 34 ngân hàng trong nước vào sáng hôm nay (29/6) cho thấy, không còn ngân hàng nào niêm yết lãi suất từ 8% trở lên cho kỳ hạn 12 tháng.
Các ngân hàng tư nhân vừa và nhỏ hầu hết đang niêm yết lãi suất kỳ hạn 12 tháng ở mức 7,5 – 7,8% như ABBank, BacABank, VietBank, OceanBank, Nam A Bank, BVBank, SHB, VietABank, NCB, OCB và Eximbank.
Tại nhóm ngân hàng tư nhân lớn, mức lãi suất áp dụng cho kỳ hạn 1 năm dao động trong khoảng 7 - 7,2%/năm. Nhóm ngân hàng thương mại nhà nước gồm Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank có lãi suất tiền gửi 12 tháng thấp nhất thị trường là 6,3%/năm.
Hồi đầu năm 2023, ngoại trừ nhóm Big4, tất cả ngân hàng tư nhân đều niêm yết mức lãi suất trên 9% cho kỳ hạn 12 tháng; thậm chí một số nhà băng còn áp dụng mức trên dưới 10% cho kỳ hạn này.
Như vậy, lãi suất huy động 12 tháng niêm yết tại các ngân hàng đã giảm khoảng 1,5 – 3 điểm % so với mức đỉnh điểm ghi nhận vào cuối tháng 1/2023.
Lãi suất cao nhất được niêm yết tại website các ngân hàng ngày 29/6. (Quốc Thụy tổng hợp)
Xu hướng giảm mạnh của lãi suất tiền gửi đã ngấm dần sang lãi suất cho vay khi một loạt ngân hàng vừa tung ra gói tín dụng ưu đãi.
Nhằm hỗ trợ, tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, đồng thời từng bước giải quyết vấn đề nhà ở cho người dân theo định hướng của Chính phủ, từ ngày 15/06/2023, BIDV chính thức triển khai gói tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản nhà ở thương mại với quy mô 20.000 tỷ đồng.
Chương trình áp dụng đến hết ngày 31/12/2024 hoặc đến khi hết quy mô của gói tín dụng. Các chủ đầu tư thực hiện các dự án nhà ở thương mại có phương án vay vốn khả thi, đảm bảo tính pháp lý, có khả năng tiêu thụ tốt và phù hợp với nhu cầu thực tế về nhà ở trên thị trường sẽ được hỗ trợ vay vốn với lãi suất từ 8,5%/năm. Đối với các cá nhân, lãi suất cho vay áp dụng từ 7,8%/năm.
MSB cũng vừa ra thông báo, đến 31/12/2023, sẽ tiếp tục giảm lãi suất cho vay thêm 1%/năm so với lãi suất hiện hành dành cho các khách hàng cá nhân đang vay vốn.
Đối tượng được hưởng ưu đãi là tất cả khách hàng cá nhân vay có tài sản bảo đảm đang có dư nợ tại MSB, thỏa mãn các điều kiện của chương trình. Ngoài ra, với khách hàng mới, ngân hàng sẽ có các gói tín dụng có lãi suất ưu đãi riêng để hỗ trợ khách hàng tiếp cận vốn.
LPBank cũng vừa công bố nâng quy mô gói ưu đãi cho vay sản xuất kinh doanh từ 8.000 tỷ lên 10.000 tỷ. Đây là một trong những chính sách của ngân hàng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn ngắn hạn để phục vụ sản xuất kinh doanh.
Gói ưu đãi này hiện có lãi suất chỉ từ 7,5%/năm dành cho khách hàng doanh nghiệp và 8,5%/năm cho khách hàng cá nhân. Đồng thời, mức lãi suất này sẽ không thay đổi trong suốt thời gian vay vốn.
Các loại lãi suất trên thị trường đồng loạt giảm trong những tháng gần đây sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có 4 lần giảm lãi suất điều hành chỉ trong vòng hơn 3 tháng qua.
Với 4 lần giảm kể từ giữa tháng 3, các loại lãi suất chính sách của NHNN đã giảm tổng cộng 1, 5 – 2 điểm % và đã đảo ngược phần lớn mức tăng trong 2 lần điều chỉnh năm 2022 (tăng tổng cộng 2 điểm % mỗi loại lãi suất).
Trong đó, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã giảm về bằng mức thấp kỷ lục duy trì trong giai đoạn từ tháng 10/2020 – tháng 9/2022. Trong khi lãi suất tái chiết khấu và tái cấp vốn chỉ còn cao hơn 0,5 điểm % so với giai đoạn này.
Nói về các quyết định giảm lãi suất điều hành, NHNN cho biết việc tiếp tục giảm lãi suất điều hành khẳng định và xác lập xu hướng giảm lãi suất cho thị trường trong thời gian tới, qua đó định hướng TCTD mạnh dạn và quyết liệt hơn trong việc giảm lãi suất cho vay, đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phục hồi kinh tế.
Theo số liệu của NHNN, lãi suất tiền gửi bình quân của giao dịch phát sinh mới của các ngân hàng thương mại hiện ở mức 5,7%/năm, giảm khoảng 0,7%/năm so với năm 2022.
Lãi suất cho vay bình quân của giao dịch phát sinh mới của các ngân hàng ở mức 8,9%/năm, giảm khoảng 1% so với cuối năm 2022.
"Với tác động của độ trễ chính sách, dự báo mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm trong thời gian tới" - Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết.