Theo cập nhật của Ngân hàng Nhà nước, hiện mặt bằng lãi suất huy động VND phổ biến ở mức 0,6-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,3-5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,3-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,5-7,3%/năm.
Tăng cả lãi suất không kỳ hạn
Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) vừa cập nhật biểu lãi suất huy động mới áp dụng từ ngày 11/9. Theo đó, ngân hàng tăng mạnh lãi suất không kỳ hạn từ 0,2% lên 0,5%/năm.
Với mức lãi suất này, OCB trở thành ngân hàng có mức lãi suất trung bình cho các khoản tiền để trong tài khoản ATM hoặc các khoản tiền gửi tiết kiệm rút trước hạn.
Thống kê của chúng tôi cho thấy, mức lãi suất không kỳ hạn thấp nhất hiện nay là 0,1%/năm, thuộc về các ngân hàng như BIDV, VietinBank, Vietcombank, VIB. Mức lãi suất không kỳ hạn tốt hơn, dao động từ 0,3 – 0,7%/năm thuộc về các ngân hàng Sacombank, Techcombank, OCB, TPBank, ACB, OCB, NCB…
Lãi suất cao nhất được áp dụng là 1%/năm tập trung chủ yếu ở các ngân hàng nhỏ, còn nhóm ngân hàng lớn thì có LienVietPostBank, VPBank.
Trong khi tăng lãi suất không kỳ hạn thì OCB lại bất ngờ giảm lãi suất kỳ hạn 1 tháng từ mức 5,4% xuống 5,3%/năm và kỳ hạn 6 tháng giảm từ 7%/năm còn 6,8%/năm. Trên biểu lãi suất của ngân hàng này cao nhất đang là kỳ hạn 13 tháng với 7,9%/năm và 12 tháng là 7,8%/năm.
Làn sóng tăng lãi suất của các ngân hàng đã bắt đầu từ tháng 8, với sự khởi đầu của một số ngân hàng nhỏ và vừa, trong đó chủ yếu tăng lãi suất kỳ hạn dài, mức tăng từ 0,1 điểm phần trăm đến 1,5 điểm phần trăm tùy thuộc chính sách từng ngân hàng nhưng xu hướng chung là lãi suất tăng mạnh hơn ở nhóm ngân hàng nhỏ.
Lý do được các nhà băng đưa ra là để cân đối nguồn vốn, nhất là quy định siết chặt hơn nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn kể từ 1/1/2019 của Ngân hàng Nhà nước.
Bên cạnh kỳ hạn dài thì một số ngân hàng cũng điều chỉnh tăng lãi suất kỳ hạn ngắn, với các kỳ hạn dưới 6 tháng được đẩy lên 5,3 – 5,5%/năm.
Các "ông lớn" ngân hàng như BIDV, Vietcombank, VietinBank cũng không đứng ngoài cuộc khi đẩy lãi suất kỳ hạn 1-2 tháng từ 4,1% lên 4,3%/năm, kỳ hạn 3 tháng từ 4,6% lên 4,8%/năm. Riêng Vietcombank còn tăng lãi suất cả kỳ hạn dài từ 6,5% lên 6,6%/năm.
Ngoài ra nhiều ngân hàng có thêm chính sách cộng thêm lãi suất cho người gửi tiền online, phổ biến là 0,1 – 0,3%, một số ngân hàng có chính sách cộng lãi suất ở các điểm giao dịch mới đi vào hoạt động.
Vô địch lãi suất nhất trong hệ thống hiện là Viet Capital Bank với 8,6%/năm, tiếp theo là Nam Á với 8,3%/năm.
Lãi suất rất cao nhưng không dễ "ăn"
Trong biểu lãi suất huy động của các ngân hàng hiện nay lãi suất cao nhất đã lên đến trên dưới 8%/năm – là mặt bằng cao nhất trong vòng hơn một năm qua. Tuy nhiên mức lãi suất cao như vậy cũng không dễ gì được nhận đối với người gửi tiền. Mức lãi suất càng cao thì điều kiện càng khắt khe.
Chẳng hạn tại OCB, ngân hàng công bố lãi suất là 7,9%/năm cho các khoản tiền gửi 13 tháng, tuy nhiên kèm theo đó là điều kiện phải gửi 500 tỷ đồng trở lên và khi hết kỳ hạn thì phải tái tục một kỳ hạn mới tương tự.
Tương tự, lãi suất kỳ hạn 12 tháng muốn hưởng lãi suất 7,8%/năm thì cũng phải gửi vào ngân hàng tối thiểu là 200 tỷ, còn không thì nhận lãi suất là 7,3%/năm.
Tại HDBank, ngân hàng công bố lãi suất cao nhất là 7%/năm cho kỳ hạn 12 tháng trở lên, kỳ hạn 6 tháng đến dưới 1 năm là 6,3-6,4%/năm, nhưng lại cộng thêm mức lãi suất tối đa là 0,7%/năm cho kỳ hạn 6 tháng và 0,3 – 0,4%/năm cho kỳ hạn trên 12 tháng.
Như vậy có nghĩa là người gửi tiền có thể gửi 6 tháng và được hưởng lãi tới 7,1%/năm và cao nhất là 7,4%/năm cho các khoản gửi dài hơn.
Tuy nhiên, điều kiện cho người gửi tiền để hưởng lãi cao như vậy cũng không dễ, đó phải là người duy trì tài khoản tiền gửi thanh toán tối thiểu 1 triệu đồng/tài khoản trong vòng 30 ngày liên tiếp trước ngày gửi tiết kiệm và phải đến các điểm giao dịch mới khai trương.
Còn muốn không phải điều kiện gì về tài khoản và điểm giao dịch thì người gửi tiền cứ phải đủ 75 tuổi trở lên!
Ở Nam A Bank, lãi suất các kỳ hạn 12 tháng cho đến 14 tháng trở lên là 7,2 – 7,3%/năm, tuy nhiên riêng kỳ hạn 13 tháng ngân hàng đẩy lãi suất lên 8,3%/năm, tức cao hơn hẳn 1 điểm phần trăm.
Thế nhưng cũng không dễ gì cứ mang tiền qua gửi là được lãi suất này, ngân hàng Nam Á cho biết chỉ trả lãi 8,3% cho những người có khoản tiền 500 tỷ gửi trở lên.
Hay như Ngân hàng Quốc Dân mời lãi suất gửi tiền cao nhất là 8%/năm cho kỳ hạn 24 tháng tuy nhiên nếu người gửi tiền có nhu cầu rút lãi đầu kỳ để tiêu thì chỉ được lãi suất thực là 6,9%/năm, nếu rút lãi hàng tháng thì lên 7,4%/năm và nếu gửi 24 tháng nhưng nhận lãi 1 năm 1 lần thì cũng chỉ được 7,7%/năm - kém xa so với mức niêm yết.
Ở các ngân hàng cộng lãi suất ít hơn thì điều kiện thấp hơn về hạn mức tiền gửi. Như VPBank đang trả lãi cao nhất là 6,9%/năm cho các khoản tiền từ 24 tháng trở lên, tuy nhiên muốn được mức lãi suất này thì người gửi tiền ít nhất phải đổ vào ngân hàng 5 tỷ.
Tương tự Techcombank cũng ra điều kiện gửi 3 tỷ trở lên thì được hưởng lãi suất 6,9%/năm cho các khoản tiền gửi từ 13 tháng trở đi.
Một vài ngân hàng khác không quy định về số tiền gửi tối thiểu để được hưởng lãi suất cao hoặc quà tặng đi kèm thì lại đưa ra các sản phẩm (là tên của các gói gửi tiền, ví dụ như phát lộc, phát tài...) mà người gửi tiền một khi đã chọn thì tuyệt đối không được rút trước hạn.
Nếu cần đến mức không thể không rút thì chấp nhận lãi suất 0% chứ không phải là lãi suất không kỳ hạn như quy định thông thường, kèm theo đó còn phải hoàn trả phí quà tặng nếu đã trót nhận quà trước đó.
Nên lưu ý kỹ trước khi gửi tiền để có lợi nhất
Theo gợi ý của các chuyên gia, khi có tiền gửi ngân hàng, người dân và doanh nghiệp cần hỏi kỹ các quy định của ngân hàng hoặc tham khảo kỹ các biểu lãi suất của từng ngân hàng để có lựa chọn tốt nhất cho khoản tiền nhàn rỗi/đầu tư của mình.
Sau khi chọn được ngân hàng phù hợp, chọn được nơi có lãi suất tốt thì phải đặc biệt lưu ý trong việc chọn kỳ hạn để tránh rơi vào trường hợp cần tiền mà rút trước hạn lại không được lãi.
Chẳng hạn nếu có kế hoạch dùng tiền trong vòng 3 tháng tới thì tốt nhất lựa chọn kỳ hạn 1 tháng vì lãi suất giữa 1 tháng, 2 tháng và 3 tháng cũng không chênh lệch là bao, thường là bằng nhau, khi đó nếu cần rút sớm thì cũng vẫn đảm bảo được khoản lãi nhất định.
Còn trong vòng 6 -7 tháng tới không dùng tiền, chưa có kế hoạch gì lớn thì nên chọn kỳ hạn 6 tháng vì lãi suất 6 tháng cao hơn rất nhiều so với 4-5 tháng, có ngân hàng trả lãi đến 6,6%/năm trong khi 5 tháng trở về chỉ tối đa là 5,5%.
Còn nếu có khoản tiền trong vòng 1 năm hoặc hơn 1 năm chưa dùng thì nên xem xét chọn kỳ hạn 1 năm vì đây là kỳ hạn luôn cho lãi cao nhất. Các kỳ hạn xa hơn lãi suất có thể cao hơn chút ít nhưng thường không chênh nhiều.
Một điều quan trọng nữa với người gửi tiền là trong thời đại tội phạm công nghệ cao hoành hành như hiện nay, tình trạng kẻ gian lừa đảo chiếm đoạt tài sản được cảnh báo liên tục thì người gửi tiền nhớ đăng ký biến động số dư tài khoản tiết kiệm qua tin nhắn điện thoại, đồng thời thường xuyên kiểm tra tình trạng sổ tiết kiệm trên website của ngân hàng hoặc tới điểm giao dịch gần nhất.
Người gửi tiền cũng không được ký vào các giấy tờ để trống nội dung hoặc chưa đọc kỹ nội dung. Nếu có bất kỳ điều gì bất trắc xảy ra hoặc nghi vấn cần báo ngay cho ngân hàng để được hỗ trợ giải quyết.