Trong vòng hơn 1 tháng, lãi suất tiết kiệm cao nhất trên thị trường từ 7,5%/năm lên 8%, rồi sau đó 9% và thậm chí có thời điểm vượt mốc 10%/năm. Cuộc đua lãi suất huy động đang diễn ra và được nhiều chuyên gia dự báo sẽ còn tiếp diễn trong giai đoạn cuối năm do đây là thời điểm nhu cầu tiền mặt trong nền kinh tế tăng cao.
Ngay đầu tháng 11 này, nhiều ngân hàng cũng đã công bố biểu lãi suất huy động mới. Chẳng hạn như Techcombank và VPBank thay đổi biểu lãi suất từ ngày 5/11. Trong đó, lãi suất cao nhất tại VPBank đã tăng lên 9%/năm (áp dụng cho khách hàng gửi online kỳ hạn 36 tháng, số tiền từ 10 tỷ trở lên). Lãi suất cao nhất của Techcombank ở mức 8,7%/năm (dành cho khách hàng VIP mở mới số tiết kiệm kỳ hạn từ 12 tháng trở lên).
Đáng chú ý, cả VPBank và Techcombank đều đã tăng lãi suất không kỳ hạn lên mức tối đa 1%/năm. Trước đó, lãi suất loại tiền gửi này của VPBank chỉ 0,5%/năm, còn Techcombank thì 0,03%/năm.
Thống kê tại hơn 30 ngân hàng thương mại nội địa, đã có hơn một nửa số nhà băng niêm yết lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng kịch trần 6%/năm và với kỳ hạn 3-5 tháng thì hầu hết (trừ nhóm Big 4) đã là tối đa 6%/năm. Đối với kỳ hạn 6 tháng, lãi suất niêm yết cao nhất trên thị trường là 8,6%/năm, trong khi kỳ hạn 12 tháng là 8,9%/năm, 36 tháng là 9,3%/năm.
Nhưng trên thực tế, người gửi tiền có thể nhận được lãi suất cao hơn, không khó nhận được lời mời gửi tiền từ nhân viên ngân hàng với lãi suất vượt ngoài khung lãi suất đang niêm yết, đối với kỳ hạn từ 6 tháng lên tới hơn 9%/năm và thậm chí là 10%/năm nếu tính đến các ưu đãi cộng lãi suất, tặng tiền mặt.
Với mức lãi suất hiện nay, người gửi tiền nhận lãi gần 30% sau 3 năm, hơn 45% sau 5 năm là không khó, không chỉ có thể chọn gửi ở ngân hàng nhỏ mà còn ở các ngân hàng tư nhân lớn. Từ đó, kênh gửi tiết kiệm sau 2 năm "hẻo lánh" vì Covid đã được người dân quan tâm mạnh mẽ thời gian gần đây. Báo cáo Xu hướng tìm kiếm nổi bật Quý 3/2022 của Cốc Cốc cho biết, lượng tìm kiếm về "lãi suất ngân hàng" đã tăng tới 47 lần so với quý trước cho thấy nhu cầu gửi tiền của người dân ngày một lớn hơn.
Anh Đức (Thái Nguyên) chia sẻ, sau khi đầu tư mua một mảnh đất ở quê được 1 năm và có lãi hơn 40%, anh đã bán mảnh đất từ giữa năm nay và thu về 1,7 tỷ đồng. Do là dân văn phòng không kinh doanh riêng, anh Đức đã dùng 200 triệu đồng để thử đầu tư chứng khoán nhưng không gặp may do thị trường liên tục đi xuống. Anh lại không mặn mà với gửi tiết kiệm vì cho rằng tiền đứng im một chỗ là "tiền chết", lãi suất không được bao nhiêu. Tuy nhiên đến đầu tháng 10, lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng tăng mạnh đã khiến những người có tiền nhàn rỗi như anh Đức chú ý hơn.
"Có rất nhiều nhân viên ngân hàng chào mời mở sổ tiết kiệm với lãi suất hơn 9%/năm. Nếu tôi gửi 2 tỷ đồng thì sau 3 năm có lãi khoảng 550 triệu, lại không phải làm gì thì thực sự là một món lời không nhỏ. Nhất là hiện tại mình chưa có ý định đầu tư vào đâu, và thị trường bất động sản, chứng khoán thì còn nhiều khó khăn như vậy", anh Đức nói.
Trong khi anh Đức gửi kỳ hạn dài để có lãi suất cao nhất, chị N.Ánh (Tp.HCM) thì kỳ vọng lãi suất còn tăng nên hiện tại chỉ gửi kỳ hạn ngắn 6 tháng, lãi suất khoảng 8,6%/năm. Sau một thời gian nữa khi lãi suất tăng lên, chị N.Ánh sẽ mở mới số tiết kiệm khác để có lời hơn, thậm chí là rút tiền ở ngân hàng này để gửi ngân hàng khác với nhiều ưu đãi hơn.
Trên thực tế, nhìn thấy lãi suất liên tục tăng, rất nhiều khách hàng có xu hướng gửi kỳ hạn ngắn, cho phép rút trước hạn để chờ đợi diễn biến tiếp theo. Và một làn sóng ngầm về dịch chuyển tiền gửi giữa các ngân hàng cũng đang diễn ra cho thấy cuộc cạnh tranh thu hút người gửi tiền ngày một khốc liệt. Một lãnh đạo ngân hàng cổ phần nhỏ chia sẻ, dù thanh khoản vẫn rất tốt nhưng nhìn những ngân hàng khác tăng lãi suất cũng buộc phải tăng theo để giữ chân khách hàng, đảm bảo nguồn huy động trong dài hạn.