Bộ phận phân tích chứng khoán SSI vừa có báo cáo Thị trường tiền tệ trái phiếu tuần từ 21/3/2022 - 25/3/2022.
Theo SSI, trong tuần trước, Ngân hàng Nhà nước đã bơm 715 tỷ đồng vào hệ thống ngân hàng thông qua nghiệp vụ mua kỳ hạn 14 ngày với lãi suất 2,5%/năm, trong khi đó có 1.019 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn.
Tổng lượng tín phiếu đang lưu hành ghi nhận ở mức 1,44 nghìn tỷ đồng. Lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng giảm nhẹ vào đầu tuần và tăng dần về cuối tuần, và kết tuần, kỳ hạn qua đêm ở mức 2,28% (tăng 2 điểm cơ bản so với tuần trước) và kỳ hạn 1 tuần 2,44% (không thay đổi).
Nhìn chung, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng đã tăng mạnh trong giai đoạn đầu năm dưới áp lực thanh khoản trong hệ thống bị thiếu hụt trước Tết Nguyên Đán.
Thanh khoản tại thời điểm hiện tại đã tương đối ổn định và chỉ mang tính thiếu hụt cục bộ ở một số ngân hàng nhỏ, tuy nhiên lãi suất liên ngân hàng vẫn duy trì ở mức cao trong bối cảnh tín dụng cho dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ.
Chúng tôi cho rằng nhiều khả năng mặt bằng lãi suất này đang thiết lập mặt bằng mới, cao hơn nhiều so với bình quân trong năm 2021.
NHNN vừa công bố dữ liệu mới nhất về số liệu tăng trưởng M2, huy động và tín dụng trong hệ thống ngân hàng. Cụ thể, cập nhật đến cuối tháng 1/2022, M2 đạt hơn 13,7 triệu tỷ đồng, tăng 2,59% so với cuối năm 2021 (tương đương 12,7% so với cùng kỳ).
Quy mô huy động vốn tăng nhẹ so với cuối 2021 (+0,32%), trong đó, quy mô tiền gửi của các tổ chức kinh tế giảm 1,21% do yếu tố mùa vụ (Tết Nguyên Đán). Ngược lại, tiền gửi của dân cư ghi nhận tăng 1,95%, cao hơn với mức tăng trung bình 1,25% tháng 1 hàng năm trong giai đoạn trước dịch từ năm 2015 đến 2020.
SSI cho biết, mặc dù số liệu huy động vốn cần phải quan sát thêm, mức tăng trưởng tiền gửi từ khu vực dân cư trong tháng 1 cho thấy dòng vốn có thể đang quay trở lại hệ thống ngân hàng, trong bối cảnh lãi suất huy động cũng đã tăng nhẹ khoảng 25 – 50 điểm cơ bản so với cuối năm 2021.