So sánh lãi suất huy động tại quầy dành cho khách hàng cá nhân mới nhất tại 30 ngân hàng thương mại ngày 3/12, các ngân hàng vẫn có sự điều chỉnh biểu lãi suất huy động so với đầu tháng 11/2020.
Thống kê tại biểu lãi suất huy động cá nhân tại quầy, lĩnh lãi cuối kỳ của các ngân hàng thương mại sáng 3/12 (%)
Lãi suất huy động tiếp tục "nhảy số"
Cụ thể, tại nhóm "Big Four" ngân hàng gồm: Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank, lãi suất huy động giảm ở một số kỳ chủ chốt.
Đơn cử như tại Vietcombank, lãi suất huy động điều chỉnh giảm 0,2%/năm ở kỳ hạn 24 tháng. VietinBank điều chỉnh giảm 0,2%/năm ở kỳ hạn 3 tháng và 6 tháng, lãi suất các kỳ hạn này lần lượt neo tại mức 3,4%/năm và 4%/năm.
Lãi suất huy động tại BIDV cũng đồng loạt giảm 0,2 điểm % ở tất cả các kỳ hạn. Theo đó, lãi suất kỳ hạn từ 1 tháng tới 9 tháng chỉ còn dao động trong khoảng 3,1 - 4%/năm, kỳ hạn từ 12 tháng tới 36 tháng hưởng chung mức 5,6%/năm.
Tại Agribank, đối với các kỳ hạn từ 1 tháng đến 11 tháng đồng loạt giảm 0,2 điểm % tại mỗi kỳ hạn. Theo đó, kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng được niêm yết ở mức là 3,1%/năm, kỳ hạn từ 3 tháng đến 5 tháng có cùng lãi suất là 3,4%/năm. Lãi suất ngân hàng Agribank dành cho các kỳ hạn 6 tháng đến 11 tháng được ấn định chung ở mức là 4%/năm.
Ở khối ngân hàng thương mại cổ phần, Techcombank điều chỉnh tăng giảm không đồng nhất ở một số kỳ hạn.
Cụ thể, với khách hàng thông thường, lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng giảm 0,1% xuống còn 4,3%/năm hay 24 tháng giảm 0,1% xuống còn 5,0%/năm, trong khi tăng nhẹ ở kỳ hạn 12 tháng thêm 0,2% lên mức 4,8%/năm.
Với nhóm khách hàng ưu tiên, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng lần lượt là 4,8%/năm và 5,4%.năm.
Lãi suất huy động tiền gửi đối với khách hàng cá nhân của MB giảm ở hầu hết kỳ hạn. Trong đó, lãi suất các kỳ hạn dưới 12 tháng giảm 0,2 điểm %, xuống dao động trong khoảng 3,3% - 5,2%/năm. Lãi suất các kỳ hạn trên 12 tháng giảm 0,1 - 0,2 điểm %, cao nhất chỉ còn 6,4%/năm.
Lãi suất Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) trong tháng 12 cũng có một số thay đổi so với đầu tháng 11. Lãi suất tiền gửi thông thường lĩnh lãi cuối kỳ tại quầy giao động trong phạm vi từ 3,95%/năm đến 7,3%/năm. Lãi suất ngân hàng tại các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên đều giảm từ 0,05 đến 0,2 điểm % so với trước.
Sau điều chỉnh, Techcombank hiện là nhà băng có mức lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng thấp nhất, chỉ 3%/năm.
Trong khi đó, ngân hàng Bản Việt của bà Nguyễn Thanh Phượng dẫn đầu với biểu lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng với 4%/năm. Các ngân hàng còn lại, mức lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng phổ biến đang được niêm yết ở mức 3,1%/năm và 3,3%/năm.
Tương tự, với kỳ hạn 3 tháng, Ngân hàng Bản Việt và VietBank là 2 trong số 30 nhà băng được khảo sát duy trì mức lãi suất huy động bằng mức trần 4%/năm.
Với kỳ hạn 6 tháng, dẫn đầu là NCB với 6,65%/năm. Tiếp theo là ACB và Ngân hàng Bắc Á (Bac A Bank) với mức lãi suất huy động 6,1%/năm. SCB là nhà băng có lãi suất huy động tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng cao nhất thị trường tính đến thời điểm hiện tại với 7,3%/năm.
Lãi suất huy động ngân hàng nào cao nhất tháng 12/2020?
Eximbank lãi suất huy động cao nhất lên tới 8,4%/năm, VPBank đứng "bét bảng" chỉ 5,5%/năm (đơn vị: %)
Theo thống kê của Dân Việt, hiện tại Eximbank đang là nhà băng có mức lãi suất huy động cao nhất 8,4%/năm, không đổi so với đầu tháng 11. Mức lãi suất này được Eximbank áp dụng cho các khoản tiền gửi từ 500 tỷ đồng trở lên gửi tại kỳ hạn 13 tháng và 24 tháng.
Đầu tháng 11/2020, TPBank là nhà băng có mức lãi suất cao nhất lên tới 8,6%/năm với các khoản tiền gửi 500 tỷ trở lên, kỳ hạn 24 tháng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại mức lãi suất cao nhất tại TPBank dành cho khách hàng cá nhân tại quầy chỉ còn 6,6% (áp dụng kỳ hạn gửi 18 và 36 tháng).
Tại Eximbank, lãi suất huy động kỳ hạn 3 tháng, 6 tháng và 12 tháng đang được niêm yết lần lượt là 3,5%/năm; 5,6%/năm và 7,2%/năm. So với khối ngân hàng quốc doanh, mức lãi suất cao nhất tại Eximbank cao gấp 1,45 lần (tương đương khoảng 45%).
Tiếp sau đó là Ngân hàng Phương Đông (OCB) với lãi suất tiền gửi cao nhất được niêm yết ở mức 8,2%/năm, giữ nguyên so với trước. Mức lãi suất này được áp dụng cho các khoản tiền tiết kiệm từ 500 tỷ đồng trở lên gửi tại kỳ hạn 13 tháng.
MSB cũng là một trong số 3 nhà băng có lãi suất huy động cao nhất lên tới 8%. Điều kiện để được áp dụng mức lãi suất này, khách hàng của MSB phải gửi tiết kiệm từ 200 tỷ đồng trở lên với kỳ hạn tiết kiệm 12 tháng và 13 tháng.
Nhóm các ngân hàng có lãi suất cao nhất trên 7% chiếm 1/3 số ngân hàng được khảo sát. Trong đó, LienVietPostBank (7,9%/năm), Ngân hàng Bản Việt của bà Nguyễn Thanh Phượng (7,5%/năm), ACB (7,4%/năm), Ngân hàng Quốc dân và SCB (7,3%/năm), VietBank (7%)…
40% số ngân hàng hiện nay có mức lãi suất cao nhất dưới 7%, có thể kể đến như HDBank và Sacombank (6,95%/năm); MB (6,4%/năm); Seabank (6,5%/năm); Bac A Bank (6,8%/năm)…
Lãi suất huy động cao nhất tại VPBank hiện chỉ ở mức 5,5%/năm, áp dụng cho khoản tiền từ 50 tỷ trở lên gửi tại kỳ hạn 24 tháng và 36 tháng. Đây là mức lãi suất thấp nhất trong các ngân hàng được khảo sát.