Từ đầu tháng 5 đến nay có hơn 10 ngân hàng thương mại tăng lãi suất huy động.
Theo đó, có 2 ngân hàng có mức lãi suất trên 6%/năm là OCB và OceanBank. Cụ thể, lãi suất huy động cao nhất đang 6,1%/năm, được OceanBank áp dụng cho tiền gửi trực tuyến kỳ hạn 36 tháng. Ngân hàng này cũng có mức lãi suất kỳ hạn 24 tháng cao nhất thị trường với 6%/năm.
Xếp thứ hai là ngân hàng OCB với lãi suất 36 tháng gửi online 6%/năm và 24 tháng là 5,8%/năm.
Sau OCB, có 3 nhà băng cùng niêm yết mức lãi suất kỳ hạn 36 tháng lên tới 5,8% bao gồm: VietBank, Saigonbank và SHB. Tuy nhiên, mức lãi suất kỳ hạn 24 tháng của các nhà băng này lại không giống nhau. VietBank đang niêm yết mức lãi 5,8%/năm; Saigonbank niêm yết mức lãi 5,7%/năm trong khi SHB có mức lãi tiền gửi 24 tháng 5,5%/năm.
Ngân hàng NCB có mức lãi suất đồng nhất từ 18 tháng đến 36 tháng là 5,7%/năm. Trong khi đó, LPBank và TPBank đều có mức lãi tiền gửi từ 24 tháng đến 36 tháng là 5,6%/năm.
Trong khi đó, ngân hàng HDBank đang dẫn đầu ở kỳ hạn 18 tháng với lãi suất lên đến 5,9%/năm. Nhưng kỳ hạn 24-36 tháng tại HDBank chỉ có mức lãi 5,5%/năm, mức lãi suất này cũng được áp dụng tương tự với ngân hàng Kienlongbank.
Tính riêng kỳ hạn 12 tháng, OceanBank tiếp tục có mức lãi suất cao nhất thị trường với 5,4%/năm. Tiếp theo là mức lãi suất 5,2%/năm của VietBank, NCB, và KienLong Bank cao thứ nhì thị trường.
Ở nhóm ngân hàng quốc dân , VietinBank là ngân hàng duy nhất tăng lãi suất huy động trong tháng 5 này, hiện duy trì mức lãi suất 5%/năm, áp dụng cho tiền gửi kỳ hạn 24 - 36 tháng.
Trong khi 3 "ông lớn" còn lại bao gồm Vietcombank, Agribank và BIDV đều đang niêm yết lãi suất huy động dưới 5%/năm ở các kỳ hạn. Thậm chí lãi suất kỳ hạn 1-3 tháng tại Vietcombank và Agribank còn được niêm yết dưới 2%/năm.
Theo các chuyên gia, việc lãi suất tiết kiệm tăng trở lại trong bối cảnh dòng tiền của người dân đang ra khỏi hệ thống ngân hàng, trong khi áp lực tỷ giá lớn là nguyên nhân tăng lãi suất sớm hơn dự kiến.