Báo cáo vĩ mô tháng 9 vừa được công ty Chứng khoán Rồng Việt công bố cho thấy, tính từ đầu năm đến nay, lãi suất huy động đã giảm 150-250 điểm cơ bản, tùy kỳ hạn và đã giảm sâu hơn mức giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước. Trong tháng 8, lãi suất huy động đã có một nhịp giảm mạnh.
Theo đó, nhóm quốc doanh giảm 30-50 điểm, các ngân hàng tư nhân giảm 50-100 điểm. Hiện tại, lãi suất huy động của hệ thống ở hầu hết các kỳ hạn đã giảm về tương đương mặt bằng lãi suất tại thời điểm tháng 9/2022. Đồng thời, nhịp giảm mạnh của mặt bằng lãi suất trong tháng 8 sẽ kích hoạt tiếp đà giảm lãi suất cho vay, từ đó giúp tăng trưởng tín dụng cải thiện trong các tháng tới.
Cũng trong tháng 8/2023, Ngân hàng Nhà nước có yêu cầu các tổ chức tín dụng phấn đấu giảm lãi suất cho vay đối với các khoản dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới, từ 1,5-2%.
Trước những thông tin này, nhiều người đi vay đang kỳ vọng lãi suất sẽ giảm ngay trong tháng 9. Như chị Lê Thị Hương, ngụ tại quận 6 TP.HCM cho biết, chị có một khoản vay 3 tỷ, đang phải trả lãi trên 10%/năm. Chị hy vọng với đà giảm mạnh của lãi suất huy động và sự hỗ trợ của Nhà nước, trong tháng 9 này lãi suất sẽ xuống sâu.
“Lãi suất cơ sở phía ngân hàng đang công bố là 5,8%, cộng thêm biên độ 4,5% tức mỗi tháng tôi đang phải trả với lãi suất 10,3%/năm. Vì vừa qua lãi suất tiết kiệm đã giảm khá mạnh, mà Nhà nước cũng có yêu cầu giảm thêm lãi suất, nên tôi hy vọng trong kỳ cập nhật lãi suất cuối tháng 9 tới đây, lãi vay sẽ thấp xuống mức 8-9%/năm, giảm bớt phần nào gánh nặng”, chị Hương chia sẻ.
Anh Đặng Thanh Hùng, chủ một hộ kinh doanh thiết bị điện tử, tại quận Tân Bình cho biết, anh đang vay 4 tỷ tại ngân hàng và đang kỳ vọng lãi suất sẽ thấp hơn từ tháng 9 này.
“Gói vay của tôi có chu kỳ điều chỉnh lãi suất là 3 tháng/lần. Sau kỳ cập nhật tháng 6, lãi suất vay đã giảm từ 12% xuống còn 10,5%/năm. Tôi đang mong với kỳ điều chỉnh tháng 9 tới đây, lãi suất gói vay sẽ xuống dưới 10%/năm và đến đầu năm sau thì chỉ còn khoảng 8-9%/năm”, anh Hùng cho biết.
Theo TS. Phùng Thái Minh Trang - Trưởng khoa Tài chính Ngân hàng Đại học Hoa Sen, thông thường vào các tháng 3,6,9,12 các ngân hàng sẽ điều chỉnh lãi suất cho vay theo chu kỳ điều chỉnh 3 hoặc 6 tháng/lần, tùy gói vay và chính sách của các nhà băng. Với việc lãi suất huy động đã giảm sâu như vừa qua, có thể ngay trong kỳ điều chỉnh cuối tháng 9/2023 mặt bằng chi phí lãi vay sẽ được giảm mạnh.
TS. Phùng Thái Minh Trang - Trưởng khoa Tài chính Ngân hàng Đại học Hoa Sen
“Việc lãi vay giảm nhanh sẽ giúp hạ áp lực chi phí tài chính và gia tăng thặng dư trong dòng tiền đáng kể cho người đi vay. Tuy nhiên, các doanh nghiệp và cá nhân được hưởng lợi từ điều này cần lưu ý, đây là giai đoạn tái cơ cấu tình hình tài chính tổng thể, đồng thời thiết lập các mục tiêu tài chính và kỷ luật trong quản lý dòng tiền dài hạn, thay vì buông lỏng kiểm soát”, TS.Phùng Thái Minh Trang nhận định.
Ts.Trang nói thêm, với các cá nhân, nên cân nhắc sử dụng khoản thặng dư do lãi vay giảm xuống để: 1) khôi phục số dư quỹ dự phòng (3-6 tháng chi tiêu) - chỉ tiêu có thể đã bị ảnh hưởng không ít bởi giai đoạn khó khăn như vừa qua; 2) bổ sung hạn mức bảo hiểm, nếu cần thiết; 3) phân bổ vào các khoản đầu tư hoặc tiết kiệm; 4) bổ sung vào các khoản giải trí.
Đối với doanh nghiệp, chuyên gia từ Đại học Hoa Sen khuyến nghị, doanh nghiệp có thể cân nhắc bổ sung phần tiền tiết kiệm thêm được từ việc lãi vay giảm xuống vào vốn lưu động để chuẩn bị cho mùa mùa kinh doanh cao điểm cuối năm; tăng tích lũy dự phòng; hoặc phân bổ vào ngân sách để tái đầu tư.