Phản ánh đến Báo Người Lao Động, một số khách hàng cá nhân vay mua nhà cho biết vẫn đang phải trả lãi suất lên tới 14,9%/năm. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp (DN) không chỉ chịu lãi suất cho vay còn cao mà vẫn khó tiếp cận vốn.
Mòn mỏi chờ lãi suất giảm
Anh Ngọc Minh (ngụ TP HCM) đang có khoản vay mua nhà ở một ngân hàng (NH) thương mại cổ phần. Thay vì được điều chỉnh giảm theo xu hướng chung, ngày 26-6, anh vẫn nhận được thông báo từ NH này về khoản vay mua nhà sẽ tiếp tục chịu lãi suất 14,9%/năm. "Tôi quyết định tất toán trước hạn khoản vay, chịu phí phạt vì thấy mức lãi suất này cao vô lý" - anh Minh nói.
Một số NH thương mại tiếp tục thông báo giảm lãi suất cho vay để kích thích nhu cầu vay vốn trên thị trường. Ảnh: TẤN THẠNH
Tâm lý ngại vay vốn NH và quyết định tất toán trước hạn hoặc không vay thêm đang diễn ra với cả khách hàng cá nhân lẫn DN. Ông Nguyễn Khoa Luân, Giám đốc Công ty Ảnh Việt Hop on - Hop off Việt Nam (chủ đầu tư xe buýt 2 tầng phục vụ khách du lịch), cho biết kể từ khi tất toán khoản vay đầu tư kinh doanh tại một NH thương mại với mức lãi suất 14%/năm vài tháng trước, đến giờ ông chưa quyết định vay tiếp. "Với mức sinh lời từ hoạt động kinh doanh của công ty, vay vốn NH lãi suất 13%-14%/năm để đầu tư gần như không còn lãi" - ông Luân tính toán.
Tình hình chung hiện nay là phần lớn DN vẫn đang phải cắn răng "gánh" lãi suất cao và xoay xở tìm thêm nguồn tài chính ổn định để đầu tư, nâng cấp công nghệ sản xuất theo hướng công nghệ cao, cải thiện năng lực cạnh tranh. Ông Lư Nguyễn Xuân Vũ, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Xuân Nguyên, phản ánh từ đầu năm đến nay, chi phí vốn của DN không giảm đồng nào dù các NH liên tục công bố giảm lãi suất.
"DN tôi có khoản vay hơn 10 tỉ đồng tại một NH thương mại và vẫn đang phải trả lãi suất 10,5%/năm, là mức cao nhất từ trước tới nay. Trong giai đoạn này, sức mua thị trường xuống thấp, DN rất chật vật nên lãi suất cho vay đứng im khiến DN chỉ dám vay để bù đắp, bổ sung nguồn vốn lưu động; không dám vay để đầu tư máy móc, thiết bị, phát triển kinh doanh như dự định" - ông Vũ nói. Cũng theo ông Vũ, NH Nhà nước, NH thương mại có rất nhiều chương trình cho vay ưu đãi nhưng hầu như rất ít DN tiếp cận được.
Khó giải bài toán lệch pha cung - cầu vốn
Số liệu của NH Nhà nước cho thấy tín dụng trong 5 tháng đầu năm của toàn hệ thống NH chỉ trên 3% thay vì mức khoảng 8%-9% năm cùng kỳ năm ngoái, cho thấy thanh khoản ở các NH đang dồi dào nhưng vốn tín dụng không lưu thông.
Điều này lý giải vì sao có xu hướng các NH ồ ạt giảm lãi suất huy động và cho vay những ngày qua. Đến ngày 29-6, đã có thêm một loạt NH thương mại như KienlongBank, LPBank, BIDV, MSB... thông báo giảm lãi suất cho vay từ 0,5 - 1 điểm % đối với khách hàng hiện hữu, đồng thời tung các gói tín dụng hàng chục ngàn tỉ đồng với lãi suất thấp.
Đại diện KienlongBank cho biết đã tiếp tục chủ động điều chỉnh giảm lãi suất cho vay lên đến 0,5 điểm %/năm cho khách hàng cá nhân và DN trên toàn quốc, áp dụng đến hết ngày 22-9. Đây là lần thứ 4 liên tiếp trong quý II NH này giảm lãi suất với biên độ lớn.
Các khách hàng đủ điều kiện theo quy định của KienlongBank sẽ được giảm ngay lãi suất cho vay quy định trên hợp đồng tín dụng hiện hữu mà không cần phải thực hiện bất kỳ thủ tục đăng ký cũng như xét duyệt rườm rà. KienlongBank cũng tung gói tín dụng quy mô 5.000 tỉ đồng, lãi suất ưu đãi lên đến 2 điểm % để DN có nguồn vốn lưu động phục vụ sản xuất, kinh doanh, phục vụ sản xuất nông nghiệp nông thôn...
TS Nguyễn Hữu Huân, Trường ĐH Kinh tế TP HCM, phân tích: Đang tồn tại thực tế là vẫn có những DN thiếu vốn và nhiều NH thương mại dư thừa vốn do cung cầu không gặp nhau. Bởi DN thiếu vốn là những DN đang gặp khó khăn và họ không có đủ điều kiện tiếp cận vốn tín dụng để vay thêm hoặc vay mới do không còn tài sản thế chấp, tài chính không tốt. Ngược lại, với những DN tài chính lành mạnh - đối tượng các NH muốn tiếp cận để cho vay thì lại cho rằng "vay để làm gì" trong bối cảnh thị trường vẫn còn khó.
"Giải quyết bài toán này không đơn giản, phụ thuộc khá lớn vào tình hình kinh tế chung. Khi kinh tế khởi sắc, đơn hàng trở lại, sức cầu tiêu dùng tăng... sẽ giúp hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN tốt lên và từ đó cũng dễ tiếp cận nguồn vốn tín dụng NH hơn" - TS Nguyễn Hữu Huân phân tích.
Ở góc độ DN, ông Lý Minh Sơn, Chủ tịch Hội DN huyện Bình Chánh, cho biết có đến 66% DN trên địa bàn huyện đang "khát vốn". Mặc dù một số NH thương mại đã công bố giảm lãi suất nhưng thực tế, DN không tiếp cận được mức lãi suất đã giảm.
Kể cả nếu được giảm thì lãi suất hiện tại vẫn còn cao so với các năm trước và so với tình hình chung là nhiều DN thiếu đơn hàng, lỗ. "Cần có những chính sách sát với thực tiễn và có góc nhìn sâu hơn để hỗ trợ DN, nhất là các DN nhỏ và vừa. Cụ thể, cần điều chỉnh lãi suất theo từng nhóm DN lớn, vừa, nhỏ và tạo thuận lợi cho DN tiếp cận nguồn vốn" - ông Sơn đề xuất.
Trong lĩnh vực bất động sản, ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng Giám đốc FiinRatings, cho rằng để khơi thông dòng vốn cho các DN bất động sản, việc hỗ trợ về mặt pháp lý và đẩy nhanh quy trình cấp phép dự án là yếu tố quan trọng nhất giúp DN có thể vay vốn trở lại.
Triển vọng tăng trưởng tín dụng thời gian tới đối với một số lĩnh vực sẽ là bất động sản dân cư, bất động sản khu công nghiệp, năng lượng, ngân hàng và dịch vụ chứng khoán. Nhìn chung, thị trường vẫn giữ quan điểm tương đối thận trọng đối với chất lượng tín dụng của DN hoạt động trong lĩnh vực bất động sản.