Lại hơn 80.000 con tuần lộc chết ở Siberia vì lý do này!

Mỹ Huyền |

Ít nhất 80.000 con tuần lộc đã chết đói và bị chôn vùi trong tuyết vì băng tan ở Siberia. Có lẽ sắp tới ông già Noel sẽ không còn tuần lộc để cưỡi.

Bán đảo Yamal nằm ở tây bắc Siberia, Nga được coi là khu vực chăn tuần lộc có quy mô lớn nhất thế giới vì có nhiệt độ phù hợp và lớp tuyết dày.

Hàng trăm ngàn con tuần lộc được chăn thả khắp bán đảo bởi người Nenets bản địa. Nhóm người này là bộ tộc du mục chăn tuần lộc đích thực cuối cùng ở Bắc Cực.

Lại hơn 80.000 con tuần lộc chết ở Siberia vì lý do này! - Ảnh 1.

Theo một nghiên cứu đăng trên Biology Letters đầu tháng 11, biến đổi khí hậu đang đem đến mối đe dọa nghiêm trọng đối với đàn tuần lộc và cộng đồng sống dựa vào chúng.

Hiện tượng ấm lên toàn cầu đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 80.000 con tuần lộc ở bán đảo Yamal trong thập kỷ qua. Tình hình được dự báo sẽ còn xấu hơn trong vài năm tới.

Tháng 11/2013, 61.000 con tuần lộc tương đương với gần ¼ dân số bản địa đã chết vì đói ở bán đảo này. Các nhà nghiên cứu cho biết đây là sự kiện tuần lộc chết ở một khu vực lớn nhất từng được ghi nhận.

Lại hơn 80.000 con tuần lộc chết ở Siberia vì lý do này! - Ảnh 2.

Một cuộc "diệt chủng" khác xảy ra năm 2006 với 20.000 con tuần lộc cũng chết đói.

Ở cả hai vụ việc này, đều có sự xuất hiện của lớp băng tuyết dày bất thường trong môi trường sống của tuần lộc, khiến chúng không thể với đến chỗ có địa y và thảm thực vật. Không có gì để ăn, tuần lộc chết hàng loạt.

Chân tuần lộc có thể giúp loài này làm vỡ lớp băng mỏng, trong khi các nhà nghiên cứu cho biết lớp bằng năm 2006 và 2013 dày hơn nhiều và rất khó khăn để loài động vật này có thể phá thủng.

Lớp tuyết không thể phá là kết quả của việc băng tan trên biển Barents và biển Kara gần đó.

Do nhiệt độ ấm bất thường, băng tan đẩy mạnh quá trình bốc hơi nước, những đám mây nặng không bay quá xa và gây mưa ngay trên tuyết bên dưới. Hiện tượng này kéo theo sự giảm nhiệt độ đột ngột làm tuyết đóng băng.

Ví dụ, vào tháng 11/2013, nhiệt độ giảm xuống -40oC sau cơn mưa kéo dài 24 giờ. Bruce C. Forbes, nhà nghiên cứu tại trường đại học Lapland Phần Lan, tác giả chính của nghiên cứu nói rằng cơn mưa tạo một khối đá rắn, đóng băng đến tận mặt đất.

Lại hơn 80.000 con tuần lộc chết ở Siberia vì lý do này! - Ảnh 3.

Đến khi băng bắt đầu tan vào mùa xuân năm sau thì những người du mục đã mất gần hết đàn tuần lộc của họ trên lãnh nguyên. Để sinh sống, người dân phải chuyển sang đánh cá hoặc mượn giống để gây dựng lại đàn tuần lộc, quá trình này có thể tốn nhiều năm.

Cuộc sống của người Nenets, một nền văn hóa du mục cổ đại, gắn bó chặt chẽ với đàn tuần lộc. Họ sử dụng da tuần lộc để làm quần áo, thịt làm thực phẩm và xương để chế tác công cụ. Người Nenets du mục di chuyển theo mùa cùng đoàn tuần lộc của họ, đi theo lộ trình đã tồn tại hàng trăm năm.

Mưa được dự báo sẽ xảy ra thường xuyên và nặng hạt hơn ở bán đảo Yamal khi Siberia tiếp tục nóng hơn. Những thay đổi thời tiết bất thường sẽ không chỉ đe dọa quần thể tuần lộc ở đây mà còn cả cộng đồng sống bằng nghề chăn tuần lộc truyền thống.

Nhiều người lo ngại chết đói hàng loạt chỉ là một góc của vấn đề. Theo Trung tâm Dữ liệu Tuyết và Băng Quốc gia (Hoa Kỳ), mức độ đóng băng trên biển Bắc Cực trong tháng 10/2016 thấp hơn mọi tháng 10 từng được ghi nhận.

Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế xếp tuần lộc vào loài dễ bị thương tổn hay loài sắp nguy cấp. Ở Nga, các quần thể tuần lộc đã giảm hơn 20% kể từ năm 1990.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại