Loay hoay trong "bão văn hóa"
Trong bài "Why no symphony orchestra in the world makes money - Tại sao không dàn nhạc giao hưởng nào trên thế giới có thể kiếm tiền?" đăng trên trang http://www.abc.net.au hồi tháng 4/2017, tác giả Alex McClintock đã phân tích những lý do khiến nhạc giao hưởng ngày càng khó khăn, ngay cả ở Úc hay Mỹ.
Và nguyên nhân trước hết vẫn là việc vận hành một dàn nhạc giao hưởng quá tốn kém, hầu hết đều trông chờ vào ngân sách nhà nước.
Chưa kể, khán giả ngày một già và ít đi, còn với lớp khán giả trẻ, giao hưởng với họ giờ không chỉ bó hẹp với Beethoven hay Chopin, hoặc Mozart mà đồng nghĩa với những bản nhạc phim của Pixar hay mới nhất như La La Land.
Alex McClintock đang nói đến cái khó chung của âm nhạc hàn lâm thế giới và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ.
Kể cả người trong giới cũng thấy cánh cửa mở cho âm nhạc cổ điển trong cơn bão văn hóa pop, rock, hip hop… vẫn còn hẹp lắm, cho dù thứ âm nhạc hàn lâm này đã chịu "xuống phố", chịu chơi những giai điệu "dễ nghe" hơn để tiến gần hơn đến khán giả.
Nhiều người có thể bỏ 5 triệu cho một cặp vé xem liveshow Chế Linh, nhưng rất ít khán giả dám chi khoản tiền dù chỉ bằng 1/10 số đó để nghe nhạc cổ điển và hầu hết trong số họ đều là những người đã có tuổi chứ khán giả trẻ thì…cũng còn hiếm hoi lắm.
Thế nên, không thiếu những băn khoăn khi Sun Symphony Orchestra – Dàn nhạc giao hưởng Mặt trời được thành lập, dưới sự bảo trợ của Sun Group.
Chính Nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân – Chủ tịch hội nhạc sỹ Việt Nam cũng nói trong Lễ ra mắt Hội đồng điều hành của dàn nhạc, rằng: "Tôi thấy đây là một quyết định quá dũng cảm trong một thời đại mà cơn bão văn hóa đang tạo nên những làn sóng rất mạnh trong tất cả các lĩnh vực".
Chọn thách thức để mang đến những điều tốt đẹp
Vậy lý do thúc đẩy Sun Group đi đến quyết định dũng cảm bảo trợ cho hoạt động của Sun Symphony Orchestra và bảo trợ phi lợi nhuận với cam kết ít nhất trong 10 năm tới?
Câu trả lời được ông Đặng Minh Trường – Phó Chủ tịch, Tổng giám đốc Tập đoàn chia sẻ: "Chúng tôi không có mong muốn gì hơn là chung tay, góp sức cùng với các doanh nghiệp khác để thúc đẩy nền âm nhạc cổ điển Việt Nam phát triển, hỗ trợ cho các tài năng âm nhạc Việt có cơ hội để gắn bó với nghề lâu dài và phát triển và mang âm nhạc hàn lâm đến gần hơn nữa với khán giả".
Mong muốn đó được thể hiện bằng tâm huyết đi đường dài với dàn nhạc, tạo điều kiện để các nghệ sỹ có một mức thu nhập đủ an tâm sống với đam mê và lớn hơn nữa là dự định xây một nhà hát con sò của Việt Nam, để Sun Symphony Orchestra có một "thánh đường âm nhạc" đúng nghĩa, Sun Group đang "lách khe cửa hẹp", đưa nhạc hàn lâm đến với đông đảo khán giả.
Còn với ông Olivier Fabric Ochanine - nhạc trưởng người Pháp đã từng xuất sắc vượt qua gần 120 nhạc trưởng từ 23 nước trên thế giới, để giành giải nhất Cuộc thi nhạc trưởng quốc tế Antal Dorati International Conducting Competition năm 2015 tại Budapest, Hungary, đã từng dẫn dắt dàn nhạc giao hưởng Philippine đi đến những thành công trên thế giới, quyết định đến với Sun Symphony Orchestra giống như một "thách thức" mới mà ông sẵn sàng đón nhận.
"Tôi bị kích thích bởi ý tưởng về một dàn nhạc tư nhân", ông hào hứng chia sẻ về những dự định mà mình sẽ làm với dàn nhạc mới: "Kế hoạch dài hạn của chúng tôi là xây dựng một dàn nhạc giao hưởng tiêu chuẩn với biên chế đủ 100 nhạc công.
Chúng tôi sẽ làm từng bước, thật cẩn thận. Tuy nhiên, mục tiêu chắc chắn là SSO sẽ hình thành một dàn nhạc giao hưởng tiêu chuẩn quốc tế, có khả năng trình diễn mọi thể loại nhạc dành cho giao hưởng, từ Bach, Stravinsky tới Beatles".
Những hé lộ ban đầu của vị nhạc trưởng đồng thời là Giám đốc âm nhạc của Sun Symphony Orchestra cho nghệ sỹ một niềm tin lớn, cho khán giả những kỳ vọng vào những buổi hòa nhạc chất lượng, đa phong cách và quan trọng là dễ gần hơn.
Còn nói như Giám đốc Điều hành của Dàn nhạc – anh Vũ Anh Tuấn thì: "Quyền lợi tối thiểu cho các nhạc công nếu được lựa chọn cho dàn nhạc là những quyền lợi mà ngày xưa chúng tôi thậm chí còn không dám mơ đến.
Điều này là những minh chứng vững chắc cho sự cam kết về tương lai ổn định để các nghệ sỹ có thể yên tâm tập luyện, đầu tư cho nghề một cách tốt nhất". Như thế, với các nghệ sỹ, đâu có còn điều gì phải băn khoăn với hướng đi mới này nữa?