"Lạc đà là loài chim lớn nhất thế giới": Cũng có sự liên quan nhẹ

Vyka |

Cùng đi tìm lời giải thực hư cho câu chuyện liệu lạc đà có phải là loài chim lớn nhất thế giới hay không.

Mới đây, một người dùng Facebook đã chia sẻ trên trang cá nhân về sai sót thông tin nghiêm trọng được đề cập trong một quyển sách dành cho trẻ em. Cụ thể, trong quyển sách, tác giả đã đặt ra câu hỏi: "Loài chim lớn nhất trên thế giới là loài nào?"


Ảnh lấy từ Facebook.

Ảnh lấy từ Facebook.

Và câu trả lời được đưa ra - đó là loài lạc đà . Cuốn sách còn đề cập thêm thông tin rằng:

"Loài chim lớn nhất trên thế giới là lạc đà. Lạc đà không chỉ có hình dáng to lớn, mà tốc độ chạy cũng rất nhanh.

Nó đã là chim, vậy vì sao lại chạy nhanh mà không phải là bay? Đó là vì lạc đà không biết bay do thân thể nó quá nặng, cánh cũng bị thoái hóa rồi"...

Thông tin này khiến không ít người ngạc nhiên bởi họ cho rằng, chỉ cần hỏi một em học sinh tiểu học cũng biết lạc đà không phải là loài chim mà chúng là loài động vật có vú.


Lạc đà là em - và em không biết bay!

Lạc đà là em - và em không biết bay!

Vậy đâu mới là loài chim lớn nhất trên thế giới? Câu trả lời là ĐÀ ĐIỂU châu Phi.

Với chiều cao lên đến 2,7m nặng hơn 150kg cùng đôi chân dài "miên man", cơ thể to lớn và đôi mắt có kích thước bằng nắm đấm của một đứa trẻ, đà điểu châu Phi chính là loài chim lớn nhất trên thế giới.

Nhưng bạn có hay, đôi khi những chú đà điểu châu Phi lại được gọi bằng tên là "chim lạc đà" (camel bird) bởi danh pháp khoa học của đà điểu châu Phi.

Struthio camelus - bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp có nghĩa là "con chim lạc đà". Bên cạnh đó, đà điểu châu Phi và lạc đà cũng có khá nhiều sự tương đồng.

Cả lạc đà và đà điểu không phải là gia cầm. Chúng không chỉ giống nhau chiếc cổ dài, đôi mắt nổi bật, lông mi dài mà đều có thể chịu đựng trên nền nhiệt độ cao ở sa mạc và vùng khô cằn thiếu nước uống. Và đặc biệt hơn là chúng đều không thể bay!

Lạc đà và đà điểu đều có thể sống từ 40 - 45 năm và được chia thành 2 loài riêng biệt.

Lạc đà là tên gọi để chỉ một trong hai loài động vật guốc chẵn lớn trong chi Camelus - Lạc đà một bướu và Lạc đà hai bướu. Còn đà điểu cũng phân thành 2 loài: đà điểu chung và đà điểu châu Phi.


Đà điểu châu Phi (tên khoa học: Struthio camelus) bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp có nghĩa là chim lạc đà.

Đà điểu châu Phi (tên khoa học: Struthio camelus) bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp có nghĩa là "chim lạc đà".

Lạc đà không thể bay bởi chúng không có cánh. Nhưng đà điểu châu Phi cũng không thể "tung cánh lên trời" bởi lẽ chúng thuộc về một nhánh của chim tên là ratites - những loại chim chỉ biết chạy mà không thể bay.

Nhiều người hẳn thắc mắc - tại sao một chú chim lại không thể bay? Nếu chim coi bay là cách thiết yếu để tồn tại trước sự săn đuổi của kẻ săn mồi thì đà điểu lại không cần đến khả năng đó.

Bởi lẽ, tốc độ chạy của đà điểu có thể lên tới 70km/h trên quãng đường xa. Tốc độ chạy của đà điểu còn gây choáng váng hơn nếu như bạn nhớ rằng, trọng lượng cơ thể của đà điểu là trên 100kg, có cá thể nặng tới 155kg.

Mặc dù không thể bay nhưng cánh của đà điểu lại không hề vô dụng. Chúng dùng cánh để cân bằng và sử dụng như bánh lái giúp thay đổi hướng ở tốc độ cao.

Các cá thể đà điểu đực còn tận dụng sải cánh rộng của mình để thu hút con cái trong mùa sinh sản.

Dẫu đà điểu và lạc đà có khá nhiều điểm tương đồng và sẽ không quá sai nếu ai đó nói rằng, lạc đà cũng có sự "liên quan nhẹ" đến việc chúng là loài chim lớn nhất thế giới.

Nhưng theo nhiều tài liệu khoa học thì đà điểu mới chính là loài chim lớn nhất trên thế giới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại