Lá thư cha gửi con trai 28 tuổi không có chí tiến thủ: Con ạ, đàn ông không có chí nhạt nhẽo và khô khốc như khoai lang sống, sẽ thật bất hạnh nếu làm chồng người ta!

Hoa Chanh |

Bố không quá kỳ vọng và ép buộc con phải có tuổi 30 thật thăng hoa với nhiều thành tựu. Nhưng 30 tuổi, nhất định con phải biết rõ niềm đam mê nở rộ chín mùi của mình là gì, để những chặng đường về sau không lạc lối, hoang mang.

Chào con trai của bố! 

Khi bố viết những dòng này, đèn điện phòng con vẫn sáng, và con vẫn kì cạch bên chiếc máy tính, tai đeo headphone, miệng bặm chặt, mắt không rời khỏi màn hình. Đáng tiếc, không phải con thức để làm việc, hoặc đọc một cuốn sách, mà con vùi mình vào trò chơi điện tử. Bố biết, con đã cáu kỉnh và tỏ ra khó chịu khi bị mẹ sang tận phòng, giục giã con ngủ sớm để chuẩn bị cho ngày làm việc hôm sau. Con ậm ừ, xong rồi vẫn bỏ ngoài tai. 

Câu chuyện về việc con dành quá nhiều thời gian thư giãn vào điện tử, chỉ là một chuyện rất nhỏ trong hàng tá bề bộn, bất ổn trong lối sống của con - một chàng trai 28 tuổi, chưa lập gia đình, công việc làng nhàng. Điều bố lo ngại nhất, không phải nhìn thấy con đốt thời gian vào những trò vô bổ, mà bố không nhìn thấy ở con trai mình một chút dấu hiệu nào của ý chí cầu tiến, tinh thần nỗ lực phát triển sự nghiệp. 

Những khuyết điểm ấy, sẽ là tử huyệt đối với một người đàn ông. Nếu con không nhanh chóng sửa đổi, bố lo ngại, con sẽ bị cả thế giới này quay lưng và cuộc đời con sẽ chìm đắm trong thất bại và cô độc. 

Con trai, hãy bình tĩnh, nghe bố phân tích. 

Lá thư cha gửi con trai 28 tuổi không có chí tiến thủ: Con ạ, đàn ông không có chí nhạt nhẽo và khô khốc như khoai lang sống, sẽ thật bất hạnh nếu làm chồng người ta! - Ảnh 1.

Người đàn ông 28 tuổi - ở cái tuổi trưởng thành này, sẽ chẳng bao giờ tìm cách đổ lỗi cho người khác!

Tại sao bố nói vậy? Mới đây thôi, trong bữa cơm tối, vừa ăn cơm, con vừa bực bội kể về dự án liên kết với Brunei của công ty con. Con là mắt xích quan trọng trong dự án đó. Lẽ ra công việc hoàn toàn trơn tru, ổn thỏa vận hành theo đúng kế hoạch, nhưng cuối cùng lại đổ bể vào phút chót. Con đổ lỗi cho tắc đường, kẹt xe... khiến con tới trễ 2 phút; con đổ lỗi cho người bạn đồng nghiệp bỏ qua một chi tiết quan trọng trong bản báo cáo... Con biết không, mẹ và bố đã nhìn nhau. Buồn bã.

Con nghĩ mà xem, một người đàn ông trưởng thành, khi mắc sai lầm, luôn tìm cách đổ lỗi cho hoàn cảnh hay đổ lỗi cho người khác. Rõ ràng, đây là kiểu đàn ông không có can đảm và bản lĩnh để đối mặt với khó khăn. Cứ mãi như con nít như thế, nhìn nhận vấn đề kém như thế, cả đời con sẽ phải sống trong tủi nhục.

Nếu là người đàn ông đích thực, người đàn ông sẽ không ngại nhận lỗi sai về mình. Trên cuộc đời này không ai hoàn hảo, cũng chẳng ai dám tự khẳng định rằng mình không sai lầm. Điều quan trọng sau những lần vấp ngã đó, con khắc phục được những khuyết điểm của bản thân. Đó là cách duy nhất giúp con tiến bộ.

Đàn ông 28 tuổi, ai lại ngồi lê đôi mách bao giờ?

Thú thật, bố không thích những cuộc điện thoại của con và một bạn đồng nghiệp nào đó mỗi tối. Bố xin lỗi, vì đã hơi chú ý vào cuộc trò chuyện của các con (vì con ngồi buôn chuyện qua điện thoại ngay tại phòng khách, khi ta và mẹ con đang xem chương trình thời sự). Các con bình luận về một người thứ ba tên Tuấn nào đó với giọng điệu bỉ bai và những câu chuyện mang đậm màu sắc suy diễn, cợt nhả.

Con biết không, người đàn bà có tính đàn ông được gọi là mạnh mẽ. Còn người đàn ông có tính đàn bà, đó gọi là sai trái. Con  thử nghĩ một người đàn ông cứ suốt ngày ngồi buôn chuyện, hết nói xấu người này, đến phỉ báng người khác, liệu con có chấp nhận? Con quên rồi ư, biết đâu đến một ngày nào đó, ở sau lưng con, người khác cũng đưa con lên bàn cân để mổ xẻ, bình luận đầy khiếm nhã như cách con và đồng nghiệp đang ứng xử. Con có thấy dễ chịu không? Đàn ông, chẳng ai ngồi lê đôi mách con ạ!

Lá thư cha gửi con trai 28 tuổi không có chí tiến thủ: Con ạ, đàn ông không có chí nhạt nhẽo và khô khốc như khoai lang sống, sẽ thật bất hạnh nếu làm chồng người ta! - Ảnh 2.

28 tuổi, không phải 8 tuổi, vậy tại sao con hoảng loạn khi gặp khó khăn? 

Làm bố của con suốt 28 năm qua, nhưng chỉ một lần duy nhất bố thấy con chăm chỉ đột xuất. Đó là lần con thức đêm, mất ăn mất ngủ đúng nghĩa để hoàn thành đồ án tốt nghiệp đại học. Con kể về những tấm gương tày liếp ra trường chậm một năm, bị treo bằng tới cả 2 năm chỉ vì không hoàn thành đồ án đúng hạn. Con lo sợ bản thân sẽ đi vào vết xe đổ ấy, nên thật sự con sốt sắng, lăn lê bò toài trên bản vẽ la liệt khắp phòng con.

Con ạ, nhìn con như thế, cảm xúc của bố không biết nên vui vì thấy con chăm chỉ, hay buồn vì thấy đầu óc tổ chức, làm việc của con "rối như canh hẹ" nữa. Khi đồ án của con bị giáo sư hướng dẫn phê bình, con hoảng loạn, gọi điện cầu cứu hết người này tới người khác. Đó mới là trường đại học, sau này ra trường đời, còn nhiều thứ khó khăn hơn thì sao?

Người đàn ông biết cách giữ bình tĩnh đối mặt với khó khăn mới là người bản lĩnh. Còn kiểu người khi gặp thử thách đã trở nên hoảng loạn, cầu cứu bốn phương tám hướng thì không đáng mặt nam nhi. Bố nói vậy nghe thật khó lọt lỗ tai, nhưng nó chẳng sai chút nào đâu con!

28 tuổi, không lo rèn thực lực, chỉ lo nịnh nọt cấp trên - sai quá rồi con ạ! 

Con biết đấy, cả đời bố chưa bao giờ phải luồn cúi một ai, bởi bố tin vào thực lực của mình. Sở dĩ bố nhắc tới chuyện này, vì một mùa Tết nữa lại về, và vẫn như thường lệ từ ngày con đi làm tới giờ, Tết là cái mùa con như người mất trí. 

Bữa ăn nào con cũng hỏi mẹ nên mua quà gì, nên đi lễ Tết sếp như thế nào. Con kể, con thăm dò đồng nghiệp này tặng sếp chai rượu ngoại, thì con cũng không thể kém cạnh, nhất định phải tặng sếp món quà to hơn. Bố tự hỏi, cứ theo suy nghĩ ấy của con, cuộc rượt đuổi ấy khi nào sẽ kết thúc?

Thật ra, bố không bài xích chuyện lễ Tết, thăm hỏi lãnh đạo, nhưng điều quan trọng nhất là tấm lòng, là sự chân thành, tôn kính dành cho người quản lý. Nhưng, con đã biến nó thành cuộc chạy đua với những món quà vượt quá khả năng chi trả của con. Nếu bố nhớ không nhầm, năm nào con cũng vay mẹ mười mấy, hai mươi triệu đồng để mua quà biếu sếp.

Đây là cách làm của những người không có thực lực. Nếu thật sự có bản lĩnh và tài năng, con sẽ không phải xu nịnh hay o bế bất cứ ai. Người đàn ông tự đi lên bằng khả năng của mình mới thật sự là người đáng tin cậy.

Lá thư cha gửi con trai 28 tuổi không có chí tiến thủ: Con ạ, đàn ông không có chí nhạt nhẽo và khô khốc như khoai lang sống, sẽ thật bất hạnh nếu làm chồng người ta! - Ảnh 3.

Con trai!

Năm nay con đã 28 tuổi, chỉ 2 năm nữa thôi con sẽ bước chân vào ngưỡng cửa mới của cuộc đời. Người ta vẫn nói "đàn ông 30", để ám chỉ dấu mốc bản lề đóng - mở một giai đoạn mới trong đời phái mạnh. 

Chạm ngưỡng 30, người ta thường bắt đầu có những thay đổi về mặt suy nghĩ, chín chắn hơn, tự lập hơn và dần tạo dựng được một số thành tựu nhất định cho riêng mình. Nhưng, tất cả những thay đổi đó, cần được chạy đà, tạo dựng từ nhiều năm trước đó. 

Thi thoảng con than thở với bố, rằng cón ắp 30 tuổi mà sự nghiệp chưa ổn định, chưa theo đuổi được đam mê, trong tay chưa có gì, cuộc đời vẫn mãi lông bông nay đây mai đó... Thú thật, bố mừng, vì nhìn thấy con đã biết trăn trở, lo âu. 

Nhưng mỗi đêm, nhìn con vùi mình vào điện tử, loay hoay với công việc con thật sự không dành toàn tâm toàn ý cho nó, bố chỉ biết thở dài. Quả là từ "nói" đến "làm" là một quãng đường xa thật xa. 

Bố không quá kỳ vọng và ép buộc con phải có tuổi 30 thật thăng hoa với nhiều thành tựu. Nhưng 30 tuổi, nhất định con phải biết rõ niềm đam mê nở rộ chín mùi của mình là gì, để những chặng đường về sau không lạc lối, hoang mang. Con thử vạch ra cho mình những gạch đầu dòng như bố, xem con đã đạt được bao nhiêu và định phấn đấu thế nào trong dấu mốc quan trọng sắp tới: 

Lá thư cha gửi con trai 28 tuổi không có chí tiến thủ: Con ạ, đàn ông không có chí nhạt nhẽo và khô khốc như khoai lang sống, sẽ thật bất hạnh nếu làm chồng người ta! - Ảnh 4.

1. Sự nghiệp ổn định

Sự nghiệp là hướng đi dài hơi của con chứ không phải chỉ đơn thuần là những công việc phù du trong thoáng chốc. Nếu vẫn chưa xác định được mục tiêu phát triển của bản thân trước 30 tuổi, con sẽ rất dễ lạc lối suốt cả quãng đường sau này.

Vậy nên, hãy xác định đường đi ổn định cho sự nghiệp bản thân, dù thời thế thế thời thế nào thì con vẫn có thể xoay chuyển để thích nghi tức thời. Dĩ nhiên con sẽ phải đánh đổi và vấp ngã rất nhiều trước khi tìm ra "ánh sáng chân lí" của sự nghiệp, thế nhưng tất cả đều là động lực thúc đẩy con dấn thân vào mọi trải nghiệm để tìm hiểu chính bản thân mình.

Thay vì chơi game giết thời gian, con hãy thử làm những điều con thích suốt thời thơ bé, như viết phần mềm... Bố thấy ý tưởng ấy không tệ. Con nhớ nhé, con làm gì cũng được, miễn là dốc sức và tất nhiên không vi phạm pháp luật.

2. Khoản tiết kiệm cá nhân

Con không cần thu nhập 8 chữ số để có một tài khoản ngân hàng thật oách. Có thể thu nhập của con chỉ ở mức tương đối, nhưng đến 30 tuổi, con vẫn tự tin nói rằng bản thân đã có một khoản tiết kiệm cho riêng mình. Đó mới là điều quan trọng nhất. Hãy bắt đầu phân chia các khoản thu chi dựa trên nguồn thu của mình một cách hợp lí.

Sau khi đã lên kế hoạch cho ngân sách trong tháng, con có thể dành ra một khoản dư dả để gửi tiết kiệm cho tương lai. Dù có bất trắc nào xảy ra, con vẫn hoàn toàn nhẹ nhõm vì đã có một khoản tài chính "chống lưng" cho mình trong giai đoạn khủng hoảng này.

Đây là lời nhắc nhở nghiêm túc bố gửi tới con. Đàn ông 28 - 30, chẳng ai lại suốt ngày ngửa tay xin tiền mẹ mỗi dịp Tết đến bao giờ. Kì cục và kém cỏi lắm!

3. Một gia đình ấm áp

Mấy lần về quê giỗ họ, các cô bác hỏi bố rằng 'Thằng Quý bao giờ lấy vợ", bố mẹ chỉ cười trừ. Kết hôn là chuyện trọng đại của đời người, bố mẹ không muốn giục giã, gây sức ép với con. Mọi thứ hãy cứ để thuận theo trái tim. Con bảo, con cần ổn định kinh tế trước khi lập gia đình. Điều này không sai, nhưng xét về mặt nào đó có vẻ chưa thỏa đáng.

Người ta thường hay nói rằng: "An cư lập nghiệp". Độ tuổi 30 là dấu mốc của sự trưởng thành và bình ổn. Vì thế, một mái nhà chính là minh chứng rõ ràng nhất của sự ổn định trong độ tuổi này. Tuổi 30 là thời điểm thích hợp nhất để con suy nghĩ về chuyện lập gia đình, không quá sớm cũng chẳng quá muộn.

Khi đã xây dựng một mái nhà, con sẽ bắt đầu suy nghĩ chín chắn hơn và lập kế hoạch để đảm bảo cho cuộc sống tương lai của mình. Nhờ như thế, mọi bước đi của con về sau đều sẽ vững vàng và chắc chắn hơn.

Lá thư cha gửi con trai 28 tuổi không có chí tiến thủ: Con ạ, đàn ông không có chí nhạt nhẽo và khô khốc như khoai lang sống, sẽ thật bất hạnh nếu làm chồng người ta! - Ảnh 5.

4. Đam mê của riêng mình

30 tuổi, con cần phải thật sự biết mình muốn gì và thích gì? Đôi khi công việc của con không nhất thiết phải là đam mê từ lâu con ấp ủ. Nhưng không thể vì lý do này mà con từ bỏ đam mê của mình. Ban ngày con là nhân viên văn phòng, tối đến con cũng có thể là một bartender, vũ công, hoặc một coder...Cái này, bố đã nói ở trên rồi đấy con.

Khi sự nghiệp đã bước đầu đi vào thế ổn định và cân bằng ở tuổi 30, đó cũng là lúc con nên chinh phục những đam mê còn bỏ ngỏ của mình. Không bao giờ là quá muộn để tìm kiếm và nuôi dưỡng ước mơ. Nếu 30 tuổi mà con vẫn chưa thể nắm giữ điều mình thích, sẽ rất khó để con có thể đạt được trong tương lai sau này.

5. Các mối quan hệ bền vững

Những mối quan hệ nhất thời hoặc mang tính chất xã giao thường không giúp con mở rộng cầu nối của mình đến với mọi người. Hãy cố gắng tập cách giao tiếp và duy trì những mối quan hệ xã hội ở mức bền vững khi đã 30. 

Chúng ta đang sống trong "thời đại kết nối". Chính thế, bố tự hỏi những người bạn con buôn chuyện lúc tối ấy, liệu có xả thân, sẵn lòng giúp đỡ con khi con gặp khó khăn không, hay chỉ a dua, a còng buôn nước bọt cùng con những câu chuyện vô thưởng vô phạt?

Con hãy nhớ, việc đầu tư mở rộng để xây dựng và phát triển mạng lưới bạn bè đáng tin cậy, sẽ giúp con có được những hậu thuẫn vững chắc, những người bạn thân thiết luôn sẵn sàng giúp đỡ con khi cần và ngược lại, luôn được bạn giúp đỡ khi có cơ hội. 

Mối quan hệ tốt đẹp chính là bước đệm để con đi đến thành công. Con nhớ chú Cẩn, chú Phú bạn của bố chứ? Các bố ít khi nhậu nhẹt, tụ tập rượu chè... nhưng khi công việc kinh doanh của công ty bố gặp khó khăn, chính các chú là những người đầu tiên giúp đỡ bố một cách vô tư và ấm áp nhất.

Con trai của bố!

Tất cả những "thành tựu" trên chỉ đến khi con thật sự hành động và nỗ lực để đạt được. Khủng hoảng ở tuổi 30 không phải là điều dễ dàng để giải quyết. Thế nhưng, con hoàn toàn có thể vạch ra mục tiêu kiên định cho chính mình và theo đuổi những điều con đang mong muốn. 

Gánh nặng tuổi 30 sẽ không còn đáng sợ như con nghĩ, nếu con bắt đầu ngừng so sánh bản thân mình, đặt mình trên thang đo thành công của người khác, và tự thiết lập những cột mốc thành đạt của riêng mình. Chỉ khi ấy, con mới thật sự nắm giữ những điều con mong ước ở năm 30. Và hãy chạy đà, chạy hết tốc lực, chuẩn bị những tiền đề cho đời mình thật tốt ở những năm tiền 30, con trai nhé! 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại