“Lá thư” mà Đức Giáo hoàng đã tặng cho ông Trump chính là thông tri về bảo vệ môi trường dài 192 trang được Vatican ban hành vào năm 2015, chỉ vài tháng trước khi gần 200 quốc gia ký kết Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Hiệp định Paris được xem là một phần quan trọng trong di sản của Tổng thống Obama, đặc biệt là về các vấn đề môi trường như xây dựng vườn quốc gia ở Hawaii và Kế hoạch năng lượng sạch.
Mỹ là một trong những quốc gia có lượng khí thải carbon cao nhất thế giới cùng với Trung Quốc và Ấn Độ. Vì vậy, Mỹ đóng vai trò quan trọng đối với sự thành công của hiệp định này.
Thông tri mang tiêu đề “Laudato Si” của Giáo Hoàng đề cập đến tình trạng đáng báo động của môi trường sống trên hành tinh. Trong đó, Giáo hoàng viết biến đổi khí hậu là một "vấn đề toàn cầu có ảnh hưởng sâu sắc tới môi trường, xã hội, kinh tế, chính trị và phân phối hàng hoá".
Trong thông tri, Giáo hoàng cũng đề cập đến những tác động của các tập đoàn đa quốc gia đối với khí hậu. "Các tập đoàn lớn thường chỉ gây vốn tại quê nhà và đặt nhà máy sản xuất ở những nước kém phát triển, gây ra tình hình ô nhiễm môi trường trầm trọng ở những nước này. Chúng ta lưu ý rằng những tập đoàn hoạt động theo cách này thường là các tập đoàn đa quốc gia. Họ sẽ không đặt nhà máy sản xuất ở những nước phát triển hay các nước giàu có thuộc thế giới thứ nhất" – văn bản này viết.
Trước đó ông Trump đã nhiều lần gọi tình trạng nóng lên toàn cầu là "trò lừa bịp" của Trung Quốc. Sau đó Trump dường như đã thay đổi quan điểm sau cuộc gặp trực tiếp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Ông Trump đã chọn cựu Chủ tịch kiêm tổng giám đốc Exxon Mobil – ông Rex Tillerson – làm Ngoại trưởng Mỹ và ông Scott Pruitt, người phản đối chính sách chống biến đổi khí hậu, đứng đầu Cơ quan bảo vệ môi trường (EPA).
Trong ngân sách liên bang được đề xuất, ông Trump sẽ cắt giảm ngân sách của Bộ Ngoại giao và EPA.
Tổng thống Mỹ cũng gây nhiều tranh cãi trong nhóm G7 vì không đưa ra quyết định liệu Mỹ có tiếp tục ở lại Hiệp định Paris hay không. Năm nay G7 đã đưa ra một tuyên bố kiên quyết về biến đổi khí hậu, cho rằng chính quyền ông Trump không rõ ràng về thông điệp này là một điều đáng ngại. NATO đã cũng tuyên bố biến đổi khí hậu là mối đe dọa an ninh toàn cầu, đặc biệt ở Trung Đông nơi hạn hán và nạn đói ngày càng gia tăng.
Bộ trưởng Ngoại giao Vatican cũng đề cập đến vấn đề biến đổi khí hậu trong cuộc gặp và khuyến khích ông Trump ở lại Hiệp định Paris. Nhà Trắng cho biết sẽ đưa ra quyết định ở lại hay hủy bỏ sau cuộc họp G7 vào cuối tháng này ở Sicily, Italy.