
Nhiều tỉnh thành, địa danh ở nước ta có tên gọi cực kỳ độc lạ, mới nghe thì tưởng thuần Việt nhưng kỳ thực lại có nguồn gốc vô cùng sâu xa và lâu đời.
Điển hình như, có một thành phố biển khá nổi tiếng ở Việt Nam nhưng tên gọi dịch ra lại có liên quan đến cả… ruộng, đố bạn biết là nơi nào?
Đáp án cho câu hỏi này chính là thành phố Phan Thiết - một địa phương nằm ven biển và là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và khoa học kỹ thuật của tỉnh Bình Thuận.
Từng có khá nhiều giả thiết về tên gọi của Phan Thiết và phần lớn đều chấp nhận rằng, đây không phải là một cái tên thuần Việt. Khi chưa có người Việt định cư, người Chăm gọi vùng đất này là "Hamu Lithít". Trong đó, "Hamu" là xóm ruộng bằng, "Lithít" là ở gần biển. Như vậy, tên thành phố này khi dịch ra có nghĩa là "xóm ruộng nằm gần biển".
Khi bắt đầu có người Việt định cư, vẫn chưa ai có ý định đặt ngay cho vùng đất này một tên gọi mới bằng tiếng Việt. Lâu dần, âm cuối "Lithít" lại được gắn liền với âm "Phan" tách ra từ phiên âm của tên hai vùng Phan Rang, Phan Rí mà thành ra Phan Tiết (tên gọi ngày xưa). Sau này, người ta gọi chuẩn với cái tên là Phan Thiết.
Ngày nay, yếu tố "Phan" còn xuất hiện nhiều trong các địa danh ở tỉnh Bình Thuận như: Sông Phan, Phan Rí Cửa, Phan Rí Thành, Phan Lâm, Phan Sơn... Trong đó, Phan Thiết được xem là thành phố du lịch nổi tiếng không chỉ riêng ở Bình Thuận mà còn là cả miền Trung nói chung.
Ngoài ra, địa danh Mũi Né ở Phan Thiết còn nổi tiếng với những đồi cát trải dài, có thể thay đổi màu sắc theo thời tiết và ánh sáng trong ngày
Nguồn: Wikipedia