Những tượng đất nung đang được phơi ở làng Địa Linh - Thừa Thiên Huế.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, làng Địa Linh – xã Hương Vinh – thị xã Hương Trà là nơi duy nhất ở Thừa Thiên Huế còn giữ được nghề làm tượng ông Táo cho đến thời điểm này.
Trước đây, ở Huế có hai làng Địa Linh và làng Sình làm nghề đúc tượng ông Táo. Tuy nhiên, sau này làng Sình đã chuyển sang làm áo ông Táo, chỉ còn Địa Linh là nơi cuối cùng còn giữ được nghề độc đáo này.
Còn theo những chia sẻ của những người ở trong làng, trước đây làng Địa Linh có nghề làm gạch rất nổi tiếng – từng là nơi cung cấp gạch ngói để xây dựng Hoàng Thành Huế. Nghề làm ông Táo chỉ là nghề phụ phát sinh nhưng sau đó nó trở thành nghề chính của cả làng.
Tuy nhiên, theo thời gian, do nó quá cực khổ, thu nhập thấp lại không được Nhà nước xem trọng giữ gìn, nên hiện tại chỉ còn 5 hộ tại làng nghề này là còn đỏ lửa mỗi dịp Tết.
Vậy nó cực khổ và thu nhập thấp đến mức nào mà những người trẻ sau này không còn muốn theo nghề của ông bà cha mẹ?
Thật ra, công việc của người làm tượng ông Táo không phải chỉ trong mùa vụ Tết mà họ phải làm lụng gần như quanh năm. Về lý thuyết, họ được nghỉ từ tháng 1 đến tháng 4, song thật ra không hẳn là được nghỉ, mà chỉ là việc ít đi thôi khi họ chỉ phải chuẩn bị đất.
Đất sét để làm tượng ông Táo sẽ được chuẩn bị từ tháng 1 đến tháng 4 hàng năm.
Đất để làm tượng thường là thường là đất sét vàng không pha cát, ít lẫn tạp chất, lọc sạch sạn sỏi và phải nhồi nhiều lần cho dẻo, nhuyễn rồi mới cho vào khuôn.
Từ đất sét khô như hình trên, người thợ phải nhào làm sao cho đất dẻo và mịn như thế này.
Bắt đầu từ tháng 5, những người thợ ở làng Địa Linh sẽ chính thức bắt tay vào làm ra thành phẩm cụ thể, sau đó dồn những tượng đó lần lần để bán vào dịp Tết.
Tức là, nếu những tháng bình thường, chỉ có vợ chồng cùng làm túc tắc, nhưng đến tháng Tết – xem như vào mùa cao điểm, cả gia đình con cái cháu chắc đều sẽ được huy động vào cuộc.
Mỗi ngày các gia đình có thể ra tầm 1.000 sản phẩm, nhưng đó là chỉ ở mỗi công đoạn tô vẻ sau cùng, còn nếu tính cả quá trình, thì mỗi gia đình mất khoảng 1 tuần (không tính giai đoạn làm đất).
Nguyên do, dù tượng bé xíu nhưng công đoạn nào cũng ngốn rất nhiều thời gian: từ nhồi đất vào khuôn, rồi kiểm tra độ cân bằng, phơi thô, mang vào lò đốt, trang trí và bỏ vào bao bì thành sản phẩm hoàn tất.
Khuôn đúc tượng bằng gỗ lim.
Đưa đất vào khuôn: Để có những bức tượng ông táo đẹp, sắc nét thì khuôn đúc tượng phải là gỗ lim. Khi cho đất vào khuôn cần phải ép thật chặt, bởi lúc đó tượng thường rất dẻo và chưa cố định về hình dạng.
Người thợ cần kiểm tra lại hoặc chêm thêm đất rồi đặt nhẹ xuống sàn nhà tạo bề mặt phẳng giúp tượng đứng thẳng được.
Tượng sau khi kiểm tra độ cân bằng xem có thể tự đứng được hay không, mới được mang ra phơi như thế này.
Nếu nắng tốt, công đoạn này sẽ hoàn tất trong 1 đến 2 ngày.
Phơi khô tượng: Lấy tượng từ khuôn, đem tượng phơi nắng đến khi khô ráo thì mới cho vào lò nung. Công đoạn này thường được thực hiện từ 1 - 2 ngày thật nắng. Nếu trời mưa, người thợ sẽ phơi bằng cách sắp đặt tượng gần lò nung để tận dụng nhiệt độ cao từ lò nung phát ra.
Công đoạn sắp xếp vào lò nung này không phải ai cũng làm được, cần người có kinh nghiệm và tay nghề cao.
Anh Võ Văn Nhật đang xếp xen kẽ trú (vỏ lúa) với tượng để bảo đảm nhiệt lượng sẽ lan đều khắp nơi.
Sắp xếp vào lò nung: Nhìn công đoạn xếp tượng vào lò nung nhìn thì rất đơn giản, nhưng đó là lúc thể hiện sự khéo léo, kinh nghiệm bàn tay người thợ.
"Tượng phải sắp xếp thẳng theo thứ tự hàng lối, giữa các lối cần có khoảng cách để lửa có thể cháy đều, nếu bị lệch thì phải chêm thêm đất sét ở phía dưới chân để tượng đứng thẳng, vững vàng.
Nếu làm khâu này không tốt, sắp xếp không cẩn thận và bài bản, thì khi nung ở nhiệt độ cao tượng rất dễ vỡ, bị mo là không bán được", anh Võ Văn Hay – người có 30 năm tuổi nghề cho hay.
Trong 5 hộ làm tượng ông Táo còn sót lại ở làng Địa Linh, ngoài anh Võ Văn Hay còn có anh Võ Văn Nhật, cả hai là anh em ruột và đều có thâm niên 30 năm trong nghề.
Một lò đang trong tình trạng nung.
Phía sau bức tượng ông Táo sau khi nung xong.
Nung trong lò: Một mẻ tượng trước khi thành phẩm thường được nung 2 ngày và làm nguội trong 2 ngày. Lò nung thường có nhiều cửa, được bố trí bốn phía giúp thông hơi và đảm bảo nhiệt độ trong lò thích hợp.
Bộ dụng cụ đầy đủ để trang trí tượng.
Đầu tiên là tô màu toàn thân tượng, sau đó mới nhấn những bộ phạn quan trọng như mặt, áo quần và cuối cùng có thể cả rắc kim tuyến.
Thành phẩm giai đoạn thứ hai ở khâu trang trí.
Công việc trang trí tượng thường dành cho người trẻ, chủ yếu là phụ nữ.
Một người đàn ông đang kiểm tra hàng xem nét vẽ đã gọn gàng và tô đã đều màu hay chưa.
Trang trí tượng: Sau khi nung, tượng có màu gạch nhạt đặc trưng của đất sét khi được nung chín. Do nhu cầu thị trường, ngày nay các ông bà Táo được tô màu, rắc bột kim tuyến óng ánh rất sinh động và bắt mắt. Công đoạn làm đẹp này phải đến gần ngày 23 tháng Chạp thì mới bắt đầu làm, để tượng luôn được mới.
Loại tượng tông hồng, áo màu có rắc kim tuyến.
Loại tượng phối màu hồng và đỏ cùng kim tuyến màu sắc.
Đây là loại tượng ông Táo đã được tiết chế nếu so với cái trên.
Tượng tông đỏ.
Còn đây là một phong cách trang trí tượng khác nữa.
Thường thì tượng ông táo xuất xứ từ làng Địa Linh tiêu thụ chủ yếu tại tỉnh Thừa Thiên Huế và một vài tỉnh lân cận.
Giá thị trường của tượng ông táo khoảng 7.000 đồng, nhưng giá gốc mà các gia đình tại làng Địa Linh bán cho đầu nậu chỉ khoảng 3.000 đồng/tượng đến 4.500 đồng/tượng. Mỗi tượng họ lời tầm 1.000 đồng đến 2.000 đồng.
Sau khi hoàn tất, tượng sẽ được cho vào bao bì như thế này để bán cho thương lái.
Vào dịp Tết, nếu xoay vòng tốt, mỗi hộ gia đình có thể làm từ 2 đến 3 mẻ tượng trong 1 tuần. Tức là, nếu một gia đình làm cật lực trong dịp Tết và có hàng tích trữ ở những tháng trước, tiền lời cũng chỉ tầm vài chục triệu.
Làm tượng ông Táo là một nghề khá vất vả, lời ít.
Chúng ta có thể thấy rõ điều đó bên trong nội thất của các hộ gia đình làm tượng ở đây
Vừa vất vả, chân lấm tay bùn lại thu nhập không cao, nên chẳng có gì khó hiểu khi diện tích người làm nghề tượng ông Táo tại làng Địa Linh ngày càng thu hẹp.
Chưa hết, trong 5 hộ đó, chỉ còn vợ chồng lớn tuổi mới biết nghề, còn những người trẻ sau này chỉ tham gia các công đoạn như tô vẽ, kiểm tra, chứ ít biết về làm đất hay chất lò như thế nào cho đúng.
Với tình trạng như hiện tại, nếu không có bất cứ sự hỗ trợ nào từ chính quyền địa phương hay các tổ chức, ban ngành; viễn cảnh nghề làm tượng ông Táo tại Địa Linh và Thừa Thiên Huế biến mất không còn xa. Làng nghề truyền thống kết hợp với du lịch cũng là một phương án mà Huế cần cân nhắc nếu muốn tiếp tục bảo tồn làng nghề này.