Là người châu Á dạy sư phạm tiếng Anh ở trường Đại học ở Nam Úc, PGS gốc Việt chia sẻ bí quyết thành công

Ánh Dương |

Gặt hái nhiều thành công ở nước Úc, theo PGS. Ngô Tuyết Mai, bí quyết của chị ai cũng có thể áp dụng và mang lại hiệu quả bất ngờ.

Đó là hạnh phúc. Bí quyết hạnh phúc trong giáo dục

Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, chị Ngô Tuyết Mai (SN 1973) hiện là PGS giảng dạy tại Đại học Flinders ở thành phố Adelaide, thủ phủ Nam Australia. Cuối năm 2022, chị Tuyết Mai - người châu Á duy nhất giảng dạy ngành sư phạm tiếng Anh tại ĐH Flinders, giành giải giảng dạy xuất sắc nhất năm của trường này.

Nhân dịp về Việt Nam tham dự Hội thảo Quốc tế "Hạnh phúc trong giáo dục" (ngày 23 - 24/11 tại Hà Nội), PGS Ngô Tuyết Mai vừa có những chia sẻ rất thú vị về hành trình ở Flinders và chủ đề của Hội thảo.

Hội thảo quốc tế Hạnh phúc trong Giáo dục 2024 do Viện Nghiên cứu Giáo dục và Phát triển Nhân lực (EDI) tổ chức, với sự đồng hành của trường TH School và Tập đoàn TH. Đây là một sự kiện đặc biệt hướng đến việc thúc đẩy hạnh phúc trong giáo dục. Hội thảo có quy mô lớn, diễn ra trong 2 ngày, quy tụ gần 10 chuyên gia quốc tế uy tín, gồm các phiên được thiết kế riêng cho các nhà quản lý giáo dục, phụ huynh và giáo viên, nhằm tạo cơ hội trao đổi và học hỏi cách thức xây dựng môi trường giáo dục tích cực.

PGS Ngô Tuyết Mai là một trong những chuyên gia có những chia sẻ thú vị tại Hội thảo quốc tế Hạnh phúc trong Giáo dục 2024. Nữ PGS này sẽ có 3 bài diễn thuyết quan trọng tại hội thảo, bao gồm: "Mỗi ngày đến trường là một ngày vui"; "Hành trình chuyển đổi để trở thành cha mẹ hạnh phúc" và "Thúc đẩy sự hạnh phúc và sức khỏe cảm xúc xã hội trong trường học và lớp học".

Chủ đề "Hạnh phúc trong giáo dục" thu hút sự quan tâm sâu sắc, bởi hạnh phúc là nền tảng giúp học sinh phát triển trí tuệ, nuôi dưỡng tâm hồn và đạt được sự xuất sắc. Thông qua hội thảo, Viện Nghiên cứu Giáo dục và Phát triển Nhân lực mong muốn góp phần lan tỏa những giá trị tích cực trong giáo dục, hướng tới một thế hệ học sinh phát triển toàn diện và hạnh phúc.  

"Tôi từng gặp rất nhiều khó khăn"

Từng là trưởng khoa của một trường ĐH lớn ở Việt Nam – Đại học Hà Nội, nhưng chị đã lựa chọn bắt đầu lại sự nghiệp từ đầu ở đất nước Úc xa xôi. Trong quá trình này, chắc hẳn chị gặp phải không ít khó khăn?

Tôi thích từ "cơ hội học tập" hơn là khó khăn. Bởi khi mình thấy khó khăn thì sẽ thấy ngại, nản và không thấy hạnh phúc. Để hạnh phúc thì mình nên coi tất cả những thách thức đó là cơ hội học tập.

Với tôi, thách thức đầu tiên là văn hóa. Tôi từng học tập và làm việc tại Việt Nam cho tới ngoài 40 tuổi mới định cư ở Úc. Điều đó có nghĩa là văn hóa Việt đã ăn khá sâu vào trong cách suy nghĩ, cách làm việc, cách nói chuyện… của tôi. Đến khi làm việc ở Khoa xã hội nhân văn của ĐH Flinders, tôi là người Việt duy nhất, cũng là người châu Á duy nhất ở đây..

Thách thức thứ hai là dễ bị tự ti. Bởi vì xuất phát điểm của tôi được coi là thấp hơn so với các giảng viên ở Flinders. Khi mới được tuyển vào trường, họ yêu cầu tôi thử việc trong 2 năm, trong khi trước đó tôi từng là trưởng khoa tại một ĐH lớn của Việt Nam. Đây thực sự là một thách thức cá nhân rất lớn với tôi. Lúc đó, có rất nhiều người hỏi vì sao tôi lại chấp nhận đánh đổi để đến với một môi trường mới như vậy. Bởi nếu ở lại Việt Nam, với vị trí và kinh nghiệm, tôi có thể tiến xa hơn trong công việc. Thế nhưng, trong cái khó khăn đó tôi lại rút ra được bài học và cơ hội học tập mới là "làm thế nào để bạn vẫn tư duy tích cực?". Tôi luôn tâm niệm rằng cuộc đời là những trải nghiệm, một cuốn sách, một hành trình, thay vì cuộc đua. Giai đoạn tôi ở Việt Nam là một chương sách trong cuốn sách cuộc đời. Và bây giờ tôi muốn mình bước sang một chương mới. Vâng, đó là chương hành trình Ngô Tuyết Mai ở Úc.

Thách thức thứ ba với tôi là gia đình. Bởi khi quyết định sang Úc, tôi và cả gia đình nhỏ cùng đi. Làm thế nào để cho gia đình cũng lạc quan như mình lại là một thách thức không nhỏ.

Rồi lúc đó còn có câu hỏi "Tương lai ra sao"? Tôi cũng không nghĩ được là Covid-19 xảy ra. Từ Úc về Việt Nam chỉ có 9 tiếng di chuyển. Do đó, tôi nghĩ việc trở về thăm nhà rất dễ dàng. Nhưng khi Covid-19 xảy ra, tôi không thể về Việt Nam trong 3 năm. Trong quãng thời gian đó, có người thân của tôi bị ốm và mất, nhưng tôi không về được. Đây là thách thức cực kỳ lớn với tôi.

Sau những chông gai đó, tôi nghĩ rằng để hạnh phúc bạn cũng cần phải có những nỗi buồn. Còn nếu lúc nào bạn cũng hạnh phúc thì khó có thể biết được là bạn đang thực sự hạnh phúc.

Là người châu Á dạy sư phạm tiếng Anh ở trường Đại học ở Nam Úc, PGS gốc Việt chia sẻ bí quyết thành công - Ảnh 1.

PGS. TS Ngô Tuyết Mai chia sẻ về sự hạnh phúc trong giáo dục cần có sự tham gia của cả lãnh đạo cấp cao, trường học, giáo viên, phụ huynh và học sinh.

Sau rất nhiều thử thách, sự đánh đổi và cả những nỗi buồn, hiện tại, chị có hạnh phúc không?

Tôi rất hạnh phúc. Bởi vì tôi được sống ở hai thế giới và tôi vẫn được tiếp tục đóng góp cho Việt Nam, bằng cách kết nối với cộng đồng giáo viên Việt Nam để giúp họ có được những kỹ năng, kiến thức của phương Tây mang tính ứng dụng mà họ không phải vất vả như tôi. Họ có thể học một cách dễ dàng thông qua hình thức trực tuyến qua zoom.

Tôi hạnh phúc vì tôi có tới 2 quê hương, được sống và làm việc ở hai nơi. Điều đó có nghĩa là hạnh phúc nhân đôi.

Với niềm hạnh phúc nhân đôi đó, chị mang gì tới (dự định trao đổi gì) tại Hội thảo quốc tế Hạnh phúc trong Giáo dục?

Tại hội thảo này, tôi sẽ có bài trình bày về tầm quan trọng của hạnh phúc trong giáo dục. Ngoài ra, tôi có 2 bài chuyên đề trao đổi nhỏ trò chuyện với giáo viên, phụ huynh và các nhà lãnh đạo của trường TH School và cơ quan quản lý giáo dục.

Trong bài trình bày tại phiên khai mạc của Hội thảo, chia sẻ về tầm quan trọng của hạnh phúc trong giáo dục, tôi sẽ bắt đầu với câu khẩu hiệu quen thuộc "Mỗi ngày đến trường là một ngày vui". Đây là câu khẩu hiệu rất quen thuộc ở Việt Nam. Nhưng thực tế, có bao nhiêu giáo viên trước khi bước vào lớp học nhớ đến câu đó? Có bao nhiêu giáo viên tư duy và hành động theo phương châm rằng ngày hôm nay sẽ là ngày mà mình đem thêm một niềm vui nào đó vào "ngân hàng hạnh phúc" của học sinh?

Cha mẹ, phụ huynh cũng là người thầy đầu tiên và thường xuyên của con cái. Nhưng có bao giờ khi gặp con, cha mẹ tự hỏi là mình sẽ làm gì để đem niềm vui gửi vào ngân hàng hạnh phúc của con? Thay vào đó, chúng ta bắt gặp những lời mắng, trách móc nhiều hơn, như "sao không học đi", "sao chơi Internet nhiều thế", "sao con không học tập bạn kia đi"… Việc so sánh và trách móc theo cách đó có thực sự mang lại hiệu quả giáo dục gì và con bạn có được bồi đắp, nuôi dưỡng trở thành những cá nhân vui vẻ hạnh phúc không?

Ngoài ra, tại Hội thảo, tôi cũng sẽ chia sẻ một thông điệp dựa trên nghiên cứu khoa học. Đó là, để một trường học trở thành nơi hạnh phúc thì bạn phải đào tạo được tất cả những người liên quan, đặc biệt là thầy cô  cách để trở nên hạnh phúc. Bởi nếu thầy cô không hạnh phúc thì thầy cô cũng không thể nào làm được cho học sinh hạnh phúc. Và như tôi vừa đề cập bên trên, người thầy cô quan trọng nhất của học sinh lại là phụ huynh. Đây là những người có vai trò rất quan trọng để giúp cho học sinh trở nên hạnh phúc hơn.

Ở Việt Nam, mọi người thường nói với nhau là "làm giáo viên là làm dâu trăm họ". Nghề này rất áp lực và vất vả. Trong những năm qua, tôi đã chia sẻ nhiều về "làm thế nào để trở thành giáo viên hạnh phúc?", "làm thế nào để giúp giáo viên giảm tải, giảm áp lực" và cũng đã giúp đỡ được phần nào cho hàng trăm giáo viên ở nhiều tỉnh thành Việt Nam.

Thầy cô hạnh phúc vẫn chưa đủ để khiến học sinh hạnh phúc

Chị đánh giá thế nào về ý nghĩa của Hội thảo quốc tế Hạnh phúc trong Giáo dục? Bởi một hội thảo với quy mô lớn, diễn giả uy tín và có cách tiếp cận toàn diện như thế này không thường xuyên được tổ chức ở Việt Nam.

Tôi nghĩ ý nghĩa lớn nhất của hội thảo này là giúp những người quan trọng và có liên quan tới giáo dục thay đổi. Hội thảo quốc tế "Hạnh phúc trong Giáo dục" có sự tham gia của lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, lãnh đạo của các trường học, các chuyên gia, các giáo viên, phụ huynh. Tôi thấy đây là hội thảo rất ý nghĩa và rất rộng, với tất cả những người liên quan tới hạnh phúc trong giáo dục. Việc này khiến cho tất cả những người tham dự hội thảo này đều thấy mình ở trong đó và cùng thay đổi.

Là người châu Á dạy sư phạm tiếng Anh ở trường Đại học ở Nam Úc, PGS gốc Việt chia sẻ bí quyết thành công - Ảnh 2.

PGS. TS Ngô Tuyết Mai quan niệm khó khăn chính là cơ hội để học tập và cơ hội để hạnh phúc

Thầy cô hạnh phúc vẫn chưa đủ. Theo tôi, người lãnh đạo trong các trường học, phụ huynh cũng hạnh phúc thì học sinh mới hạnh phúc.

Theo tôi, Hội thảo quốc tế Hạnh phúc trong Giáo dục còn là một sáng kiến sẽ góp phần làm nên sự thay đổi và sự lan tỏa ra ngoài Việt Nam. Bởi vì để thay đổi thì chúng ta trước tiên cần phải có tầm nhìn hướng tới một cái mới hơn.

Tên của hội thảo đã thể hiện tầm nhìn của giáo dục là hạnh phúc chứ không phải là điểm số hay thành tích thi cử đơn thuần. Hơn nữa, hội thảo còn mời rất nhiều chuyên gia đến từ các nơi trên thế giới, nên đây là sẽ là dịp chúng ta có cơ hội để lắng nghe, học hỏi  những kiến thức, ý tưởng mới, kỹ năng… để giúp cho sự thay đổi diễn ra nhanh hơn và hiệu quả hơn.

Đặc biệt, đây sẽ là cơ hội để các nhà lãnh đạo trường học, những người tham dự gồm phụ huynh, giáo viên…, nhận ra rằng thực ra chúng ta có rất nhiều nguồn lực trong tay và phải biết là chạm vào nguồn lực nào  khi chúng ta cần.

Tựu trung lại, giá trị rất lớn của hội thảo giúp chúng ta có tầm nhìn, kỹ năng, sáng kiến và nguồn lực.

Từng học tập ở cả Việt Nam và nước ngoài, cũng như trực tiếp giảng dạy, chị đánh giá như thế nào về môi trường học tập của các trường học tại Việt Nam?

Thứ nhất, giáo dục ở Việt Nam tuy đã được cải thiện nhiều mặt, nhưng có một đặc điểm là vẫn đang "đặt nặng" điểm số. Từ trường học, thầy cô cho đến cha mẹ, tất cả đều thường lấy điểm số làm thước đo thành công. 

Ví dụ, bản thân tôi khi ở Việt Nam cũng bị ảnh hưởng bởi điều này. Khi đón con tan học, gặp con, tôi – một người trong ngành giáo dục, hiểu về tầm quan trọng của niềm vui học tập, chỉ hỏi hôm nay con có vui không, nhưng khi con bảo hôm nay con chỉ được 6 điểm thì tôi cũng không vui. Lúc đó tôi quên luôn câu "Mỗi ngày đến trường là một ngày vui" và trong đầu chỉ nghĩ sao hôm nay con được 6 điểm. Thực tế, có cha mẹ thì khi đón con tan học đã hỏi luôn: "Hôm nay con được mấy điểm?" Khi con nói 9 điểm thì lại hỏi rằng tại sao không phải là 10, lớp con có bao nhiêu bạn được 10 điểm? Theo bạn, đứa trẻ có thể vui vẻ và hạnh phúc không, bởi được tận 9 điểm rồi, không tệ nhé, mà cha mẹ vẫn chưa hài lòng và lại mong điểm 10.

Trong khi đó, theo quan sát của tôi, ở phương Tây, các phụ huynh lại thường không bắt đầu bằng câu hỏi "hôm nay con được bao nhiêu điểm" mà đặt nặng vào mối quan hệ và cảm xúc. Khi đón con, một phụ huynh ở Úc thường hay hỏi: "Hôm nay con chơi được thêm với bao nhiêu người bạn? Hôm nay con biết được thêm bạn mới không?", "Hôm nay con học được gì mới khiến con vui không?". Điều này có ảnh hưởng rất lớn tới những người liên quan tới giáo dục tại Úc. Chính vì cha mẹ quan tâm tới mối quan hệ và cảm xúc của con cái nên giờ ra chơi ở Úc thường rất dài để các con có nhiều thời gian để giao lưu.

Thứ hai, theo các nghiên cứu trên thế giới về tính sáng tạo, học sinh Việt Nam nói chung đang được đánh giá ở cấp độ thấp. Ví dụ dễ thấy, ở nhiều nền giáo dục phương Tây, cách dạy và học là thầy cô đặt câu hỏi và học sinh tự thảo luận, tìm hiểu để đưa ra câu trả lời. Thầy cô có cách khơi gợi và kích thích người học tự đặt câu hỏi, khuyến khích sự sáng tạo, tìm tòi. Nhưng ở Việt Nam, chúng ta thường thấy cách dạy và học thụ động hơn.

"Bản thân những đứa trẻ giống như một cái cây"

Chị sẽ đưa ra lời khuyên gì cho các trường học, thầy cô giáo và các em học sinh để gia tăng trải nghiệm giảng dạy và học tập hạnh phúc?

Theo tôi, công thức của sự thay đổi giảng dạy và học tập hạnh phúc hơn trong giáo dục là cần phải có tầm nhìn, kỹ năng, sáng kiến, tài nguyên và tất nhiên phải có sự phân tích bối cảnh thực tế, xác định ưu tiên, đưa ra chiến lược và kế hoạch hành động. Để có hạnh phúc trong giáo dục, cần phải có sự tham gia của tất cả các bên, từ lãnh đạo cấp cao, lãnh đạo trong các trường học, giáo viên, phụ huynh, học sinh và cả cộng đồng.

Theo tôi, trước tiên mỗi nhà giáo dục nên coi "Mỗi ngày đến trường là một ngày vui" thực sự là tầm nhìn hướng dẫn kế hoạch hành động cụ thể. Tất cả các bên liên quan đều cần phải đặt câu hỏi là mình sẽ làm gì để cho người học mỗi ngày đến trường thực sự là một ngày vui. Chúng ta sẽ cần làm gì để học sinh cảm thấy rằng mỗi tiết học, bài học là một tiết học, bài học  vui. Cha mẹ hãy tự đặt câu hỏi rằng "Mỗi ngày trôi qua, chúng ta gửi  gì vào ngân hàng ký ức của con cái chúng ta?".

Khi chúng ta quá đặt nặng vào điểm số có thể gây ra những hệ quả cực kỳ đau khổ và cực đoan. Bản thân những đứa trẻ giống như những cái cây. Có những cái cây chúng ta để ra nắng thì nó nở hoa. Nhưng có cây chỉ vì một tý nắng là có thể héo úa. Vì thế, không thể nói là con nhà người ta bị mắng mãi nó vẫn học giỏi, còn con nhà mình mắng một tý đã sụt sùi khóc. Không, các bậc phụ huynh phải hiểu là mỗi đứa trẻ đều rất khác biệt. Khi chúng ta hiểu  được sự khác biệt đó thì cũng cần phải thay đổi cách tiếp cận.

Ngoài ra, thầy cô và phụ huynh cần tìm ra tố chất (elements) - loại trí thông minh của con và phát huy lên. Có học sinh có năng khiếu về toán, nhưng có em lại giỏi về nhảy, đàn piano, vẽ… Cha mẹ không thể so sánh một đứa trẻ giỏi nhảy, đàn… với một đứa giỏi toán được. Cây ra quả thị nhưng chúng ta lại bắt nở hoa ly thì không được. Trong cuộc sống, có thể vô tình cha mẹ và các thầy cô làm thui chột đi tài năng riêng có, thế mạnh vốn có của con trẻ, chẳng hạn "con bé này chỉ được cái múa đẹp thôi, còn học toán dốt lắm". Vậy nên, đùng áp đặt hay so sánh con bạn với bất kỳ ai. Mỗi đứa trẻ đều có một  tố chất và tài năng riêng và công viêc , vai trò của những người làm giáo dục là   tìm ra và khuyến khích tố chất, tài năng đó  phát triển.

Là người châu Á dạy sư phạm tiếng Anh ở trường Đại học ở Nam Úc, PGS gốc Việt chia sẻ bí quyết thành công - Ảnh 3.

PGS.TS Ngô Tuyết Mai có những chia sẻ hữu ích, thú vị tại Hội thảo quốc tế "Hạnh phúc trong Giáo dục" do Viện Nghiên cứu Giáo dục và Phát triển Nhân lực (EDI) tổ chức tại Hà Nội

Năm 2010, chị nhận học bổng lãnh đạo của chính phủ Úc (ALA) để học tiến sĩ chuyên ngành Quản trị Đại học. Sau khi trở về, chị được bổ nhiệm vào vị trí Giám đốc Trung tâm Giáo dục quốc tế tại Trường Đại học Hà Nội. Sau đó, chị Tuyết Mai trở lại Úc làm nghiên cứu sinh sau Tiến sĩ theo chương trình học bổng Endeavor của Úc và được mời làm giảng viên cao cấp tại ĐH Flinders, thành phố Adelaide.

Các lĩnh vực nghiên cứu mà PGS.TS Ngô Tuyết Mai quan tâm bao gồm phúc lợi xã hội của giáo viên, phương pháp giảng dạy dựa trên hạnh phúc và hạnh phúc trong giáo dục. PGS.TS Ngô Tuyết Mai đã nhận Giải thưởng Giảng dạy Xuất sắc từ Trường Đại học Nhân văn, Nghệ thuật và Khoa học Xã hội, Đại học Flinders vào tháng 7/2021 và Giải thưởng Giảng dạy Xuất sắc của Hiệu trưởng vào tháng 12/2022.

Gần đây, vào tháng 4/2024, PGS.TS Ngô Tuyết Mai đã được công nhận là Thành viên Cao cấp của Tổ chức Advance Higher Education. Đây là một sự ghi nhận chuyên môn quốc tế đối với những thành tựu của chị theo Khung Tiêu chuẩn Vương quốc Anh về giảng dạy và hỗ trợ học tập trong giáo dục đại học.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại