Nhớ lại buổi họp phụ huynh đầu năm học cho con trai lớp 1 hồi đầu tháng 9, chị Diễm Thúy (31 tuổi, Thanh Trì, Hà Nội) vẫn thở dài.
Trong buổi họp đó, giáo viên chủ nhiệm lớp yêu cầu phụ huynh phải ký vào đơn xin tự nguyện cho con học thêm các môn liên kết ở trường. Trường sẽ liên kết với đơn vị bên ngoài để giảng dạy chương trình iSMART (học tiếng Anh qua môn Toán và Khoa học). Lúc này, phụ huynh vẫn chưa nhận được thời khóa biểu cụ thể.
Tiền học tiếng Anh liên kết được nằm trong mục các khoản thu thỏa thuận. (Ảnh: PHCC)
Theo tờ đăng ký được nhà trường in sẵn, chương trình tiếng Anh liên kết học song ngữ do giáo viên nước ngoài đứng lớp có giá 650.000 đồng/tháng, 400.000 đồng/tháng nếu học giáo viên Việt Nam. Còn lớp BME-KIDs học 2 tiết/tuần có giá 150.000 đồng/tháng.
Sau khi cân nhắc, chị Thúy quyết định đánh dấu vào ô đăng ký lớp song ngữ giáo viên nước ngoài. "Mỗi tháng tôi phải chi thêm 650.000 đồng cho con học môn liên kết ở trường. Nếu không đăng ký thì sợ con khác biệt, thiệt thòi" , chị nói.
Khi giáo viên gửi thời khóa biểu, chị ngỡ ngàng vì dù mang tiếng tự nguyện nhưng nhà trường thản nhiên chèn các chương trình liên kết, tăng cường vào giảng dạy chính khóa. Thời khóa biểu được xếp sẵn, đan xen tự chọn và chính khóa, đẩy phụ huynh vào thế khó - muốn từ chối cũng không được.
Chị Lê Huyền Trang (43 tuổi) có hai con học lớp 2 và lớp 4 tại một trường tiểu học trên địa bàn quận Thanh Xuân, Hà Nội cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Ban đầu, chị và vài phụ huynh trong lớp định không tham gia vì thấy môn liên kết không quan trọng.
Thời khóa biểu chèn môn liên kết vào lịch chính khóa của học sinh tiểu học. (Ảnh: PHCC)
Tuy nhiên, giáo viên thông tin các môn xếp trong giờ học chính khóa nếu bố mẹ không đăng ký, cả lớp học thì con sẽ phải ra ngoài hoặc lên phòng giáo viên ngồi chờ. Cuối cùng, phụ huynh đành phải đặt bút ký vào tờ giấy tự nguyện dù trong lòng vẫn băn khoăn.
Theo chị Trang, các môn học liên kết không kiểm tra, đánh giá, không ghi điểm vào học bạ, thế nên phụ huynh cũng không đặt nặng kỳ vọng con sẽ tiếp thu được nhiều kiến thức.
Nếu nhà trường tách môn liên kết ra khỏi giờ học chính khóa, khi đó ai có nhu cầu mới đăng ký, còn học sinh không tham gia có thể tan trường sớm sẽ hợp lý hơn. Với chị Trang, việc bắt trẻ ra khỏi lớp, bơ vơ ngoài hành lang nhìn bạn học chính là đánh vào đòn tâm lý, phụ huynh thương con đành tặc lưỡi nộp tiền học liên kết.
Cô Lê Thu Hà (27 tuổi), giáo viên tiểu học tại Hà Nội giải thích, việc xếp lịch học do nhà trường và tổ bộ môn bố trí phù hợp với nhân lực, thời gian của đơn vị liên kết đào tạo. Vì vậy, dù giáo viên muốn lịch học tách bạch cũng không được.
"Trước đó, nhà trường cũng lấy ý kiến của phụ huynh học sinh về tổ chức học các môn liên kết. Đa số phụ huynh đều đồng thuận cho con tham gia", cô Hà cho hay.
Liên quan đến vấn đề dạy liên kết, ông Đào Tân Lý - Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các cơ sở giáo dục tổ chức hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa phải thực hiện đầy đủ tiết học bắt buộc, không được cắt xén, giảm bớt chương trình.
Hiệu trưởng nhà trường có trách nhiệm khảo sát, tổng hợp nhu cầu tham gia hoạt động ngoài giờ chính khóa, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa.
Sở yêu cầu các trường không xếp tiết hoạt động ngoài giờ xen vào giờ chính khóa nếu lớp đó không đủ 100% học sinh không tham gia. Việc sắp xếp thời khóa biểu cũng cần khoa học, không được gây quá tải cho học sinh.
Lãnh đạo Bộ GD&ĐT ký công văn yêu cầu các Sở GD&ĐT rà soát, báo cáo tình hình hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa tại các trường học, từ mầm non tới phổ thông, giáo dục thường xuyên. Ngoài ra, các sở đánh giá thuận lợi, khó khăn và đề xuất, gửi về Bộ trước 15/10.
Theo Bộ, các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, liên kết dạy ngoại ngữ, tin học tăng cường... theo nhu cầu người học đã góp phần củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng và giáo dục nhân cách toàn diện cho người học. Tuy nhiên, công tác quản lý giáo dục ngoài giờ chính khóa còn có hạn chế, dẫn đến băn khoăn, lo lắng và tạo ra dư luận không tốt về loại hình này.