Thậm chí, không ít người bán hàng ở Mỹ đã nhận về gạch đá còn phải hoàn tiền (refund) cho người mua và cắn răng chịu đựng cho đến khi mọi thứ được làm sáng tỏ bởi cơ quan chức năng.
Năm 2019, một thanh niên 22 tuổi sống ở Tây Ban Nha đã thực hiện phi vụ lừa đảo chưa từng có tiền lệ trong lịch sử châu Âu.
Khi đó, thanh niên tên James Gilbert Kwarteng đã đặt mua iPhone trên Amazon, nhận hàng thật sau đó đánh tráo bằng gạch đá rồi gửi lại cho Amazon với yêu cầu bồi hoàn (refund). James còn thành lập hẳn công ty để bán lại những chiếc iPhone bị đánh tráo nói trên. Phi vụ này giúp cậu kiếm được 330.000 Euro trước khi bị bắt.
Tuy nhiên, kỷ lục lừa đảo trên Amazon hiện thuộc về Danijel Glumac cùng cặp vợ chồng Leah Finan và Erin Finan.
Từ năm 2014 đến 2016, bộ ba này lợi dụng chính sách đổi trả của Amazon khi báo cáo sai về tình trạng hàng hóa hư hỏng để được nhận thêm một cái mới. Cả ba đã kiếm lời được hơn 1,2 triệu USD từ hình thức này trước khi phải nhận mức án lần lượt là 24, 68 và 71 tháng tù giam.
Một người mua hàng nhận phải iPhone chứa đất sét, nhưng thực chất đây là một vụ người mua lừa người bán.
Trên mạng, người bán hàng ở Mỹ còn bảo nhau những cách để không bị người mua bẫy. Nhận được hàng rồi gửi trả lại gạch đá chỉ là trò trẻ con với những người bán có thâm niên… bị lừa (scam).
Ngoài ra còn vô số trò lừa khác như trả lại hộp rỗng, trả lại món đồ đời cũ hơn cái đã mua, trả lại hàng giả, trả lại cái đã qua sử dụng chán chê, trả lại món đồ cố ý làm cho hư hỏng hơn lúc ban đầu, kéo dài thời gian trả lại, đã nhận hoàn tiền và không có ý trả lại hàng, cố ý chọn sai lý do hoàn đơn (ví dụ không kích hoạt được iPhone nhưng trên thực tế là có)…
Thậm chí, ngay cả khi hàng hóa đã giao thành công trước cửa nhà tự dưng biến mất, người mua vẫn có thể yêu cầu hoàn tiền. Điều tương tự xảy ra khi người mua trả lại hàng, tiền vẫn sẽ được hoàn lại. Trong những trường hợp như vậy, người bán chính là người cuối cùng phải chịu thiệt hại chứ không phải đơn vị giao vận.
Trong vô số những kiểu trả lại nêu trên, người mua thậm chí có thể kiện ngược lại người bán cố tình bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng đã qua sử dụng. Mà công lý ở đây lại nằm ở phía người mua nếu người bán không có những bằng chứng cực kỳ thuyết phục để chứng minh bản thân trong sạch.
Nguy hiểm hơn khi người mua biết được cách để cẩn thận lấy hàng ra, sau đó đóng gói và gửi lại một cách nguyên vẹn như ban đầu. Hàng lúc này sẽ yên vị trở về kho bởi hệ thống sẽ chỉ quét mã vạch và đo trọng lượng trước và sau khi hoàn đơn, còn nhân viên kiểm hàng vì áp lực thời gian sẽ không thể phát hiện ra điều gì đó bất thường.
Và khi gói hàng này đến tay người mua tiếp theo, người bán sẽ lãnh đủ hậu quả mà không cách nào để minh oan.
Hàng hóa để trước cửa nhà, nếu chẳng may biến mất thì người bán sẽ thiệt hại đủ đường
Đấy là chưa kể cạnh tranh khốc liệt ở Mỹ khiến người bán thậm chí còn chơi xấu nhau như đặt hàng, găm đơn, mua sản phẩm đối thủ rồi đánh giá xấu, liên tục mua hàng rồi gửi trả lại. Chính vì thế những nơi như eBay hay Amazon được ví như vùng đất ‘dog-eat-dog’, ngụ ý nơi người kinh doanh phải giành giật nhau để sống.
Tất nhiên không chỉ ở Mỹ, các nước phát triển với hệ thống quyền lực bảo vệ người tiêu dùng cũng xảy ra tình trạng tương tự.
Ở Anh, một khảo sát năm 2019 cho thấy cứ 5 người thì có 1 người mua hàng mặc thử rồi trả lại mà không mất đồng phí nào. Hoàn đơn đã khiến những người bán hàng ở Anh tốn khoảng 1,5 tỷ bảng mỗi năm, theo Checkpoint Systems.
Còn tại Việt Nam, những câu chuyện dở khóc dở cười khi mua iPhone nhận gạch đá vẫn xuất hiện mỗi mùa Apple ra mắt series mới. Mặc dù các sàn TMĐT trong nước luôn công bố tỷ lệ hoàn đơn thấp kỷ lục, nhưng điều đó có thể không phản ánh hết những góc khuất diễn ra mỗi mùa siêu sale .