Tôi đến với La La Land khi chưa từng xem Whiplash, vì thế không có nhiều cảm xúc háo hức và mong đợi. Trước khi vào rạp, tâm trạng tựu chung lại chỉ có vài thắc mắc, tại sao một bộ phim thuộc thể loại musical lại được chấm điểm cao chót vót đến như vậy.
Và quả thật La La Land đã đánh thức được rất nhiều điều mà thẳm sâu trong lòng người ta vô tình để quên đâu mất.
La La Land không hẳn là một câu chuyện tình, nó còn đẹp hơn cả một câu chuyện tình mặc dù cái kết của nó có thể chẳng như nhiều cô gái mộng mơ mong đợi. La La Land rất tình, La La Land rất bay bổng nhưng La La Land lại vô cùng thực tế.
Đầu tiên, xin bắt đầu từ cái tên La La Land.
La La Land là một tên gọi khác của Los Angeles - một thành phố thiên thần, một thành phố đầy sao. Người ta đã khéo léo sử dụng chữ cái đầu của Los và Angeles để tạo nên một cái tên mang đầy ý nghĩa.
La La Land cũng chính là thành phố của những ngôi sao lấp lánh đang đua nhau tỏa sáng trên bầu trời, của những ngôi sao trên màn ảnh sân khấu, và là thành phố của Seb (Ryan Gosling) và Mia (Emma Stone) - hai kẻ đã từng cô đơn trong chính giấc mơ của mình.
Ngày Seb - chàng nhạc công luôn mơ giấc mơ về nhạc Jazz đích thực và Mia - cô gái luôn mang trong mình khao khát được diễn xuất gặp nhau, trời đất như hờn giận với cả hai khi cố tình đưa đẩy họ vào một lần chạm mặt không mấy làm ngọt ngào.
Vì tình yêu, người con gái chưa từng thích Jazz có thể khiêu vũ dưới nền nhạc Jazz một cách rất tình.
Nhưng lạ thay, giữa những tiếng còi xe inh ỏi, giữa những tiếng càu nhàu vì tắc đường, giữa những giận dữ, lại có một mối lương duyên kỳ lạ ra đời và hứa hẹn sẽ nảy mầm thành một câu chuyện tình theo ai đó đến tận cuối con đường.
Sebastian, một anh chàng có vẻ thường xuyên mệt mỏi với đống hóa đơn điện nước lại có một tình yêu cuồng dại với một thứ Jazz truyền thông, một thứ âm nhạc thuộc về ngày cũ, thuộc về quá khứ.
Còn Mia, cô thu ngân của một quán cafe nhỏ bé gần Hollywood đã quen với những cái lắc đầu ở các cuộc thử vai nhưng vẫn chạy theo giấc mơ điện ảnh tưởng chừng phi thực tế.
Có lẽ nhiều người sẽ đặt câu hỏi, tại sao Seb và Mia lại yêu nhau nhanh đến vậy. Nhưng có hề gì, tình yêu vốn dĩ chưa từng bao giờ có lý do. Bạn cũng không thể nào trả lời cho mình được câu hỏi: Vì sao ta đã yêu?
Chỉ biết, Seb nhìn thấy ở Mia hình ảnh cô gái luôn khao khát, luôn nuôi dưỡng giấc mơ được tỏa sáng, sẵn sàng bỏ ngang công việc học tập để đuổi theo những điều kỳ diệu trên sân khấu.
Còn Mia, cô gặp ở Seb hình ảnh chàng trai luôn mang trong mình một niềm tin, một thứ tình yêu đích thực cùng những khát khao được làm những điều tuyệt vời với âm nhạc.
Khi xem đến phân cảnh này, bạn nên nhớ hãy thật sự tĩnh lặng.
Họ vốn dĩ mãi là hai con người kỳ lạ ở thành phố thiên thần, nhưng họ nhìn thấy nhau, và sự đồng điệu đã khiến hai trái tim lạ lẫm cùng rung lên một nhịp.
Tình yêu của Seb và Mia như một điệu nhảy đẹp trên nền nhạc Jazz đầy quyến rũ và những vì sao đầy ánh sáng. Có lẽ, đây là một trong những phân cảnh tuyệt vời nhất của La La Land.
Không cần nhiều ngôn từ để xử lý, đạo diễn 31 tuổi Damien Chazelle đã quyết định dùng hình ảnh để vẽ lên một câu chuyện tình yêu mà chắc chắn vạn cặp đôi đều mơ ước.
Ống kính dường như chỉ dõi theo những bước chân của Seb và Mia cũng đủ diễn tả đủ cuộc tình đầy cung bậc như cách mà họ dõi theo nhau, và cùng nhau bước qua màn đêm của tuổi trẻ, của những cảm xúc và cả những ước mơ.
Yêu, tức là đồng điệu, là sẻ chia, là nắm tay nhau, là bên nhau trong tất cả cuộc hành trình.
Yêu là cùng nhau trải qua 4 mùa xuân hạ thu đông để cảm nhận được cuộc tình chớm nở nơi mùa đông lạnh giá, được sưởi ấm pha lẫn ngọt ngào ở mùa xuân đầy mầm sống, được thăng hoa vào mùa hè vui nhộn và... có một chút xót xa, buồn lặng vào mùa thu.
Chúng ta đã từng bên nhau, hát khúc City of stars và bỏ lại phía sau thành phố ồn ào đầy rẫy những bon chen.
Có lẽ tôi không nên nói gì về đoạn kết của phim, bởi nó chỉ thật sự thấm đẫm cảm xúc của bạn khi bạn được tận mắt chứng kiến và cảm nhận nó.
Chỉ biết rằng, đó là một cái kết vô cùng hoàn hảo, một cái kết vô cùng thực tế, một cái kết đúng chất Hollywood.
Chỉ biết rằng, có những khoảnh khắc, những câu giá như chỉ còn là lời nói. "Nếu ngày ấy em không đi về phía anh" hay "nếu ngày ấy anh chạy ngay về phía em" thì liệu chúng ta ở thời điểm hiện tại có thể bên nhau?
Có lẽ mỗi người sẽ tự tìm cho mình một cảm xúc để đối đãi với đoạn kết, nhưng chắc chắn rằng, khi âm nhạc kết thúc, khi những dòng credit hiện lên, bạn chợt bừng tỉnh và nhận ra rằng hóa ra những kẻ khờ vẫn có thể yêu chân thành đến vậy.
Không hiểu sao ngay từ thước phim đầu tiên của La La Land tôi lại nhìn thấy cái gam màu hơi ngả vàng như trong những thước phim Kodak mà một thời mê muội. Một thứ màu quyền năng, có thể dễ dàng đưa đẩy cảm xúc người ta về quá khứ.
Và từ đó, cảm xúc cứ mông lung đưa đẩy người xem về những ngày đã ở một nơi rất xa, nơi nhạc Jazz vẫn còn tinh khiết, chưa từng bị pha tạp bởi bất kỳ điều gì. Nơi người ta say mê chạy theo nghệ thuật mà không phải lo toan nhiều điều.
Có lẽ tôi đã dành hơi nhiều lời khen về câu chuyện tình trong La La Land mà quên đi nhiều mỹ từ dành cho âm nhạc - sợi dây dẫn dắt cảm xúc một cách hoàn hảo trong bản tình cả dành cho những gã khờ này.
Suốt cả bộ phim, người ta được nghe đi nghe lại những ca khúc gây nghiện như City of Stars... Để đến mức, khi rời rạp những ca từ như: "City of stars, Are you shining just for me, City of stars, There’s so much that I can’t see..." cứ vang đọng trong lòng mỗi người.
Vốn dĩ bài viết này không theo một lẽ thông thường bởi mọi câu chữ đều chảy theo cảm xúc mà quên mất những khái niệm mang tên cấu trúc.
Cũng có thể, câu chữ còn nghèo nàn để nói hết những điều về La La Land. Vậy xin mượn những dòng yêu thương mà The New York Time từng dành cho bộ phim này để kết thúc: "La La Land vừa như một giấc mơ đầy ảo vọng, vừa có cái khắc nghiệt của một câu chuyện ngụ ngôn, vừa có kĩ xảo tuyệt vời lại đồng thời có cả sự chân thực tới cảm động".
La La Land (Những kẻ khờ mộng mơ) khởi chiếu ở Việt Nam từ 16/12.