Lạ kỳ trăn cái không cần giao phối vẫn tự sinh con

Hoàng Dung |

Một con trăn Anaconda trong thủy cung New England (Mỹ) bất ngờ tự sinh con, mà không cần giao phối với trăn đực.

Con trăn cái có tên Anna đã sinh ra khoảng 10 con sơ sinh, nhưng trước đó theo quan sát của nhân viên nó không hề tiếp xúc với trăn đực. Bởi tại thủy cung, người ta không để trăn cái và trăn đực ở chung phòng.

Theo tờ Science Alert, các nhân viên tại thủy cung New England (Mỹ) đã vô cùng bất ngờ, khi một con trăn Anaconda cái 8 tuổi (nặng 13,6 kg, dài khoảng 3 mét) đã sinh con mà không cần giao phối.

Tất cả bạn cùng phòng của con trăn Anaconda vừa sinh con đều là trăn cái. Do vậy, khi họ phát hiện nó tự sinh con, các nhân viên ở đây cũng như nhiều chuyên gia vô cùng sửng sốt và đang tìm hiểu nguyên nhân.

Các nhân viên nghi ngờ rằng, con trăn cái này đã gặp một khả năng sinh sản hiếm thấy (được gọi với cái tên parthenogenesis - có nghĩa là một sinh vật mang giống cái có thể tự thụ thai). Theo các chuyên gia, khả năng parthenogenesis không nhất thiết là một sản phẩm của hoàn cảnh nuôi nhốt.

Quá trình parthenogenesis đã từng được ghi nhận trong tự nhiên và xảy ra trong các loài mà con cái dù không tiếp xúc con đực trong một thời gian dài, nhưng vẫn có khả năng tự sinh con như thằn lằn, cá mập, chim và rắn.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết sẽ vẫn kiểm tra giới tính của những con trăn cùng chuồng với con trăn Anaconda vừa sinh con để xác thực lại... một lần nữa.

Các bác sĩ thú y cho biết cũng đã xét nghiệm DNA của những cá thể con và phát hiện rằng, tất cả các con trăn con đều mang gen của con trăn Anna mẹ. Điều đó minh chứng rằng, dường như tất cả đều là bản sao di truyền của con trăn cái.

Phát ngôn viên thủy cung Tony LaCasse cho biết: "Về mặt di truyền, đó là một quá trình dễ bị tổn thương. Những con non có khả năng tồn tại thấp so với sinh sản hữu tính".

Thực tế, trong 10 con trăn sơ sinh, chỉ có 2 con còn sống, còn lại 8 con đã chết sau 48 giờ sau khi sinh. Hiện 2 cá thể còn lại được các bác sĩ thú y chăm sóc cẩn thận, trước khi được ra mắt trước công chúng.

Năm 2014, tại một sở thú ở Anh các nhà khoa học cũng đã ghi nhận một trường hợp sinh sản tương tự, cũng với loài trăn Anaconda này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại