Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã thẳng thắn đưa ra nhận xét “Tôi là Bộ trưởng, nhưng hầu như chưa có con đường nào tôi đi mà thấy hài lòng”, khi đánh giá về công tác bảo trì đường bộ tại cuộc họp Tổng kết Tổng cục Đường bộ Việt Nam năm 2017.
Đồng thời nêu ra hàng loạt yêu cầu để người dân khỏi bức xúc về chất lượng đường, trong đó có việc cần đổi công nghệ duy tu để chấm dứt tình trạng đường cao hàng mét so với nhà dân, tình trạng “đói, khát” vốn bảo trì đường bộ hiện nay...
QL8A nối QL1 từ thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) lên cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo đã xuống cấp nghiêm trọng.
Vốn bảo trì đường bộ như “tiền vào nhà khó...”
Tại cuộc họp Tổng kết Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) năm 2017 vào chiều 2/1, ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN cho biết, trên hệ thống QL đã xử lý 418 điểm đen, điểm tiền ẩn TNGT (kinh phí 395 tỷ đồng); đã thay thế điều chỉnh 4.200 biển báo; sơn kẻ 2.250 km vạch sơn đường; sửa chữa bổ sung 825km hộ lan tôn sóng...
Trong thời gian chưa xử lý triệt để các điểm đen tiềm ẩn tai nạn giao thông, Tổng cục đã chỉ đạo các đơn vị quản lý đường bộ sử dụng các biện pháp tạm thời để phòng ngừa, giảm tai nạn giao thông như sơn kẻ vạch, gờ giảm tốc, đèn, biển cảnh báo hạn chế tốc độ.
Theo ông Cường, điểm đen TNGT luôn phát sinh trong quá trình khai thác do các yếu tố lưu lượng xe, các hoạt động dân sinh.
Người dân xã Sơn Diệm (Hương Sơn, Hà Tĩnh) và lái xe bức xúc vì tình trạng ổ gà, ổ voi nhiều khiến phương tiện tham gia giao thông vô cùng khó khăn. Tình trạng xe cộ chen lấn nhau, tai nạn giao thông thường xuyên xảy ra. |
“Năm 2017, phát sinh thêm 400 điểm. Hiện tại, theo thống kê đến tháng 11/2017, trên hệ thống Quốc lộ còn 780 điểm đen, gồm 230 điểm đen và 550 điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông”, ông Cường nói.
Năm 2018 sẽ xử lý khoảng 500 điểm (kinh phí khoảng 400 tỷ đồng, tập trung vào các điểm đen và nguy hiểm cấp bách và các điểm có kinh phí nhỏ, thực hiện ngay bằng nguồn Quỹ bảo trì đường bộ).
“Các điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông còn lại kinh phí lớn, trước mắt sẽ xử lý tạm và xử lý dần trong kế hoạch bảo trì hàng năm hoặc các dự án xây dựng cơ bản,” ông Cường cho hay.
Thừa nhận hệ thống QL còn khoảng 7.678 km đã quá thời hạn khai thác nhưng chưa được sửa chữa định kỳ do nguồn vốn còn thiếu; 856 cầu xây dựng trước năm 1975 cần kiểm định, sửa chữa, đánh giá lại năng lực chịu tải; còn khoảng 380 cầu yếu hoặc hẹp (gồm 358 cầu đã xác định và khoảng trên 20 cầu ở các đường mới nâng thành Quốc lộ).
Về công tác bảo trì, Tổng cục đề nghị mức tăng 15-20% vốn bảo trì hàng năm để công tác quản lý, bảo trì ngày càng tốt hơn.
“Ổ gà không vá sẽ biến thành ổ voi”
Khẳng định bảo trì đường bộ là vấn đề rất đáng quan tâm bởi hàng triệu ỷ tài sản của Nhà nước đang giao cho Tổng cục Đường bộ quản lý, tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho rằng, báo cáo của Tổng cục chưa làm rõ vấn đề bảo trì mới đáp ứng được một phần nhưng rất hạn chế vì thiếu nguồn lực, không duy trì được chất lượng.
Công nhân vá đường theo kiểu thủ công.
“Nếu nhìn vào số liệu báo cáo thì duy tu bảo dưỡng đang bình thường, nhưng thực sự rất thiếu vốn, ngoài bảo trì thì 5 năm phải trung tu, 10 năm phải đại tu đường, mỗi năm phải đại tu 2.300km, vốn rất lớn.
Vì không có tiền, nên hệ thống giao thông ngày càng xuống cấp nghiêm trọng. Thiếu tiền nhưng không kêu thì làm sao cấp trên biết được thiếu vốn để bổ sung cho duy tu bảo dưỡng?,” Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đặt câu hỏi.
Dẫn chứng, năm 2017 lập một dự án trung đại tu đường cần 23.000 tỷ đồng nhưng cả Quỹ bảo trì đường bộ mới có 10.000 tỷ đồng, chưa kể, Quỹ này phân chia về cho địa phương 35%, Tổng cục không còn bao nhiêu để bảo trì, sửa chữa QL.
Bộ trưởng cũng đề nghị Bộ GTVT phải có báo cáo cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư một bức tranh toàn cảnh có bao nhiêu km QL trong vòng 5-10 năm tới cần bao nhiêu tiền bảo trì.
Để giải quyết vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu, đường nào xuống cấp phải sửa chữa ngay bởi nếu bỏ ra hàng nghìn tỷ làm một con đường mới, số người được hưởng thụ còn ít thì thay vào đó chỉ bỏ ra vài chục tỷ sửa chữa đường của dân đang bị xuống cấp thì họ sẽ rất mừng.
“Tôi là Bộ trưởng, nhưng hầu như chưa có con đường nào tôi đi mà thấy hài lòng,” Tư lệnh ngành giao thông bày tỏ quan điểm.
Tại cuộc họp, ông Thể chỉ đạo phải rà soát lại chi tiết, phân kỳ năm đầu tư, thời kỳ đầu tư, từ đó lên kế hoạch cụ thể và có kiến nghị để đảm bảo công tác duy tu sửa chữa đường đúng quy trình./.