Đã bao giờ bạn chú ý thấy rằng các con vật trong một đàn gia súc đang gặm cỏ đều quay đầu về cùng một hướng? Nhưng điều bất ngờ hơn nữa là, những hình ảnh của Google Earth đã xác nhận hiện tượng các loài gia súc thường có xu hướng đứng dọc theo trục Bắc Nam của Trái đất.
Hành vi này cũng được quan sát thấy ở hươu hoang dã – một hiện tượng lạ lùng mà những người chăn gia súc và thợ săn không hề biết đến suốt hàng nghìn năm qua.
Hình minh họa
Trong các biên bản lưu trữ của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ, các nhà khoa học cho rằng hiện tượng này có thể là hệ quả của từ trường Trái đất tác động lên các loài vật. Hành tinh của chúng ta có thể được coi là một nam châm khổng lồ, trong đó hai cực từ có vị trí khá gần với hai cực địa lý Bắc Nam.
Từ lâu khoa học đã biết đến nhiều loài động vật như chim và cá hồi có khả năng sử dụng từ trường Trái đất như một kiểu GPS tự nhiên để định hướng khi di cư. Một vài nghiên cứu cũng đã cho thấy có những loài động vật có vú – như dơi chẳng hạn – biết dùng từ trường để nhận diện phương hướng.
Tiến sĩ Sabine Begall thuộc Đại học Duisburg-Essen tại Đức, người chuyên nghiên cứu về khả năng cảm nhận từ trường của chuột chũi châu Phi, đã phát biểu với hãng tin BBC: "Chúng tôi đang tự hỏi liệu những loài động vật có vú lớn hơn cũng sở hữu loại giác quan từ trường này hay không."
Hình minh họa
Để trả lời cho câu hỏi đó, Tiến sĩ Bengall và các đồng nghiệp đã khảo sát hình ảnh Google Earth chụp 8.510 cá thể gia súc trên 308 đồng cỏ trên khắp thế giới.
Dù khó phân biệt rõ đầu với đuôi, nhưng họ có thể nhận thấy các con vật thường có xu hướng đứng dọc theo trục Bắc Nam của Trái đất.
Theo Tiến sĩ Bengall, sự "xếp hàng" này tại châu Phi và Nam Mỹ hơi lệch sang hướng Đông Bắc – Tây Nam, và giải thích rằng từ trường tại những khu vực đó vốn luôn yếu hơn những nơi khác.
Hình minh họa
Các nhà nghiên cứu cũng đã quan sát hiện tượng này ở 2.974 cá thể hươu hoang dã tại 277 địa điểm trên khắp Cộng hòa Séc. Kết quả là phần lớn chúng đều hướng đầu về phía Bắc, trong khi một phần ba số hươu quay về phía Nam. Tiến sĩ Bengall phỏng đoán rằng đó có thể là một hành vi để tự vệ trước các loài săn mồi.
Tuy nhiên một nông dân nuôi gia súc người Scotland là Willy Miller lại cho biết với hãng tin BBC rằng mình chưa từng để ý thấy lũ bò cùng quay đầu về một hướng, mặc dù những hành vi xã hội khác như cùng ngồi rạp xuống khi trời mưa và chạy thành vòng tròn trong lúc có bão tuyết là rất dễ bắt gặp.
Giáo sư sinh học John Phillips thuộc Đại học Bách khoa Virginia của Mỹ nhận xét rằng loại giác quan thứ sáu giúp cảm nhận từ trường này có lẽ là "chuyện thường ngày" trong thế giới động vật, và chúng ta cần tìm hiểu thêm nữa về những lợi ích cơ bản mà nó đem lại cho các loài vật.
Thách thức tiếp theo dành cho các nhà khoa học là giải thích chính xác cơ chế tạo ra hành vi lý thú này, và phải chăng lũ gia súc ở Scotland là ngoại lệ đứng ngoài quy luật!