Kyrgyzstan: Kịch bản “Cách mạng hoa Tulip” liệu có tái diễn?

Thu Hoài |

Tình hình tại Kyrgyzstan trở nên hỗn loạn sau cuộc bầu cử Quốc hội hôm 4/10, với chiến thắng thuộc về các đảng thân chính quyền.

Sáng sớm 6/10 (giờ Việt Nam), người biểu tình tại Kyrgyzstan đã chiếm trụ sở chính quyền ở thủ đô Biskek và thả tự do cho cựu Tổng thống Almazbek Atambaiev. Tình hình tại Kyrgyzstan trở nên hỗn loạn sau cuộc bầu cử Quốc hội hôm 4/10, với chiến thắng thuộc về các đảng thân chính quyền. Nhiều nhà phân tích lo ngại, kịch bản 2005 và 2010 có thể tái diễn và khiến quốc gia Trung Á này một lần nữa rơi vào thời kỳ chính trị khó khăn.

Làn sóng biểu tình diễn ra theo lời kêu gọi của các đảng đối lập nhằm phản đối kết quả bầu cử Quốc hội hôm 4/10, với chiến thắng thuộc về các đảng thân chính quyền. Kênh RT (Nga) đưa tin, người biểu tình đã đến nhà tù ở thủ đô Biskek và thả tự do cho cựu Tổng thống Almazbek Atambaiev. Trước đó, con trai của ông Atambaiev đã dẫn đầu đám đông tiến vào Nhà Trắng, nơi làm việc của tổng thống và quốc hội Kyrgyzstan. Người biểu tình yêu cầu Tổng thống Sooronbay Jeenbekov từ chức và tổ chức bầu cử.

Cựu Tổng thống Atambaiev, là người tiền nhiệm của ông Sooronbay Jeenbekov bị kết án 11 năm tù giam hồi tháng 6/2019 với cáo buộc tham nhũng. Theo các nguồn tin, người biểu tình đã phóng thích chính trị gia này “mà không cần vũ lực hay sử dụng bất kỳ vũ khí nào”.

Trước đó ngày hôm qua, ít nhất 120 người đã phải nhập viện sau các cuộc đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình ở thủ đô Biskek. Theo Chính quyền Kyrgyzstan, cảnh sát đã phải sử dụng đạn hơi cay để giải tán hàng trăm người biểu tình tập trung ở trung tâm thành phố. Hơn 120 người đã phải nhập viện, trong đó khoảng một nửa là các nhân viên an ninh.

Chuyên gia phân tích chính trị Kyrgyzstan Mars Sariev nhận định: “Những cuộc biểu tình hiện nay tại Kyrgyzstan là theo lời kêu gọi của các đảng không đạt đủ ngưỡng 7% cần thiết để có chân trong Quốc hội. Tuy nhiên theo tôi nguyên nhân sâu xa hơn là tình trạng đói nghèo và tham nhũng mà đất nước đang phải đối mặt. Các đảng phái sẵn sàng chi một số tiền lớn cho chiến dịch tranh cử, trong khi số tiền này lại rất cần thiết để đảm bảo cuộc sống của người dân, nhân là những cộng đồng người thiểu số và dễ bị tổn thương”.

Trưởng phái đoàn quan sát viên của Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu Thomas Boserup ngày 5/10 thừa nhận, dù cuộc bầu cử nhìn chung diễn ra tốt đẹp, song các cáo buộc về việc mua bán phiếu bầu đã gây ra những “lo ngại nghiêm trọng”.

Trong nỗ lực nhằm làm dịu căng thẳng, Tổng thống Sooronbay Jeenbekov, nắm quyền tại Kyrgyzstan từ năm 2017 dự kiến trong ngày hôm nay sẽ gặp gỡ lãnh đạo 16 đảng tham gia bầu cử.

Cùng thời điểm, đảng Birimdik thân Tổng thống và về đầu trong bầu cử với 25% số phiếu ủng hộ cho biết đảng này đồng ý tổ chức bầu cử lại, đồng thời kêu gọi tất cả các đảng vượt ngưỡng 7% có bước đi tương tự. Tuy nhiên bất chấp những lời kêu gọi, người biểu tình đêm qua tiếp tục tập trung tại khu vực quảng trường Ala-Too ở thủ đô Biskek.

Những bất ổn hậu bầu cử liên tục tái diễn đã phần nào gây cản trở cho những nỗ lực chống đói nghèo và các vấn đề xã hội ở quốc gia Trung Á vốn có tầm quan trọng chiến lược này và là nơi đặt các căn cứ quân sự của cả Mỹ và Nga. Quảng trưởng Ala-Too, gần dinh Tổng thống cũng là nơi khởi phát cuộc "Cách mạng hoa Tulip" năm 2005 và sau đó là các cuộc biểu tình năm 2010 dẫn tới sự ra đi của 2 đời Tổng thống Kyrgyzstan./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại