"Liên quan đến nhiều vi phạm trong cuộc bỏ phiếu và trong giai đoạn tiền bầu cử, các thành viên Ủy ban Bầu cử Trung ương quyết định ra tuyên bố rằng kết quả bầu cử là vô hiệu", TASS ngày 6/10 dẫn thông báo của Ủy ban Bầu cử Trung ương Kyrgyzstan.
Quan chức Ủy ban Bầu cử Trung ương Kyrgyzstan Gulnara Dzhurabayeva cũng nói rằng họ đã thảo luận về việc quốc hội tự giải tán. "Chúng tôi đã tự làm mất uy tín của mình với chiến dịch bầu cử này, và vì vậy việc từ chức sớm sẽ là quyết định tốt nhất và đúng đắn nhất", bà nói.
Cuộc bầu cử Quốc hội Kyrgyzstan diễn ra hôm 4/10 với gần 2.000 ứng viên của 16 đảng chính trị tham gia tranh cử. Theo quy định, quốc hội nước này có 120 ghế bầu theo nhiệm kỳ 5 năm, bỏ phiếu theo danh sách đảng. Để có ghế, các đảng phải có ít nhất 7% phiếu bầu toàn quốc.
Theo kết quả kiểm phiếu cuộc bầu cử trên, chỉ 4/16 đảng tranh cử giành đủ số phiếu để có ghế trong quốc hội. Một số nguồn tin tiết lộ có tình trạng mua phiếu bầu trong cuộc bầu cử quốc hội ở Kyrgyzstan. Các đảng phái không giành đủ số phiếu đã tổ chức biểu tình để phản đối kết quả và đòi bầu cử lại.
Từ sáng 5/10, các cuộc biểu tình có dấu hiệu bạo lực hoá. Đám đông quá khích sáng 6/10 thậm chí xông vào trụ sở quốc hội và văn phòng tổng thống ở thủ đô Bishkek rồi phóng hoả, tấn công lực lượng an ninh. Ít nhất một người thiệt mạng và nhiều người khác bị thương trong các vụ ẩu đả.
Trong thông điệp phát đi ngày 6/10, đương kim Tổng thống Kyrgyzstan Sooronbay Jeenbekov khẳng định đã kiểm soát được tình hình và lên án "một số lực lượng chính trị cố gắng chiếm đoạt quyền lực nhà nước một cách bất hợp pháp".
Tổng thống Jeenbekov đã lệnh lực lượng an ninh không được nổ súng vào những người biểu tình. Ông cũng đề nghị Uỷ ban bầu cử Trung ương điều tra các vi phạm liên quan đến cuộc bầu cử quốc hội và mở đường cho khả năng huỷ kết quả bầu cử.
Ông Jeenbekov cùng ngày dự kiến gặp lãnh đạo các đảng tham gia tranh cử để thảo luận về tình hình căng thẳng.
Về cuộc bầu cử ở Kyrgyzstan, cơ quan giám sát bầu cử của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) cho biết trong một báo cáo hôm 5/10 rằng "các quyền và tự do cơ bản được tôn trọng một cách tổng thể", song còn đó một số cáo buộc về việc xuất hiện tình trạng mua phiếu bầu.
Trong diễn biến liên quan, Sputnik nói rằng người biểu tình đã chiếm trụ sở chính quyền trước khi tràn vào tòa nhà ủy ban an ninh quốc gia, nơi giam giữ cựu Tổng thống nước này Almazbek Atambayev và phóng thích ông.