Kỳ vọng Đà Nẵng 2018: Giải bài toán phát triển và bảo tồn Sơn Trà như thế nào? (bài 2)

Đình Thức |

18 dự án du lịch Sơn Trà thì dự án nào cấp phép đúng, dự án nào sai? Chính quyền Đà Nẵng cần giải được bài toán bảo vệ Sơn Trà đi cùng với phát triển du lịch trong năm 2018.

Ai giao đất sai thì phải xử lý

Chưa bao giờ, bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) lại nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận như trong năm 2017. Từ câu chuyện khu du lịch xây dựng trái phép 40 móng biệt thự đến việc tồn tại 18 dự án khiến nhiều người bức xúc.

Câu chuyện về bán đảo Sơn Trà khiến Thủ tướng Chính phủ nhiều lần có văn bản yêu cầu rà soát. Thanh tra Chính phủ đang thanh tra toàn diện việc cấp đất, giao dự án trên bán đảo này. Kết quả dự kiến được công bố vào năm nay.

Liên quan đến vấn đề này, rất nhiều người dân, cán bộ hưu trí ở Đà Nẵng mong muốn chính quyền giải quyết dứt điểm.

Kỳ vọng Đà Nẵng 2018: Giải bài toán phát triển và bảo tồn Sơn Trà như thế nào? (bài 2) - Ảnh 1.

Một góc bán đảo Sơn Trà Đà Nẵng

Ông Hồ Duy Diệm, nguyên Trưởng Ban quy hoạch TP Đà Nẵng nhận định, năm 2017, nhiều người yêu môi trường, yêu TP này đã đồng lòng lên tiếng vì Sơn Trà. Các cơ quan chức năng đang tiến hành xác minh các sai phạm trong việc cấp phép 18 dự án.

"Kết quả thanh tra sẽ công bố vào tháng 3/2018. Tôi và người dân Đà Nẵng mong rằng sẽ chỉ rõ có sai phạm hay không, dự án nào sai phạm, dự án nào giao đất đúng pháp luật. Nếu có sai phạm thì sai phạm đến đâu.

Người nào đã giao đất không rõ ràng, có lợi ích nhóm gì ở đây? Nếu phát hiện vi phạm pháp luật thì dù là ai cũng xử lý nghiêm", ông Diệm nhấn mạnh.

Ngoài ra, ông cũng mong chính quyền Đà Nẵng xem xét lại quy hoạch Sơn Trà vì lợi ích của toàn dân. Theo đó, ông Diệm mong muốn mọi người dân đều được đến Sơn Trà tham quan, du lịch chứ không phải quây lại xây khách sạn, resort phục vụ số ít người.

Kỳ vọng Đà Nẵng 2018: Giải bài toán phát triển và bảo tồn Sơn Trà như thế nào? (bài 2) - Ảnh 2.

Đà Nẵng đang đi tìm giải pháp để cân bằng việc phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường ở Sơn Trà

Đại tá Lê Công Thạnh, nguyên Chỉ huy trưởng Tỉnh đội Quảng Nam Đà Nẵng, bày tỏ bên cạnh vấn đề Vũ "nhôm" thì chính quyền Đà Nẵng cần sớm làm sáng tỏ những sự việc xảy ra vừa qua mà dư luận nêu lên ở bán đảo Sơn Trà. 

Ông khẳng định bán đảo Sơn Trà là xương máu của nhiều thế hệ, là tài sản không chỉ riêng của Đà Nẵng mà là của nhân dân cả nước.

"Cần sớm kết luận chính xác để trả lời thỏa đáng cho nhân dân. Vấn đề này Thanh tra Chính phủ cần làm rõ chứ không thể để Đà Nẵng tự tung tự tác được. Chỗ nào có tiêu cực thì phải trả lời rõ.

Nếu có tiêu cực thì phải làm theo pháp luật, kể cả những cán bộ lãnh đạo các thời kỳ đã về hưu, không cần kiêng nể, mọi công dân đều phải công bằng.

Ai giao đất sai thì phải xử lý. Phải đưa ra kết luận sớm để làm yên lòng, ổn định tình hình người dân Đà Nẵng. Người dân đang lo nếu để lâu tiêu cực sẽ chìm xuồng", ông Hai nhấn mạnh.

Phát triển Sơn Trà theo hướng thông minh

Ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng - người đã gửi tâm thư kêu cứu bảo vệ Sơn Trà lên Thủ tướng Chính phủ, bày tỏ Sơn Trà là điểm du lịch có một không ai mà không nơi nào trên thế giới có được. Do vậy, ông Vinh mong muốn giữ gìn Sơn Trà toàn vẹn thiên nhiên hoang dã như hiện nay.

"Chúng ta chọn phương án nào, bê tông hoá Sơn Trà hay giữ gìn sự hoang dã và tự nhiên. Tôi tin rằng giữ nguyên Sơn Trà sẽ hấp dẫn du khách và tăng doanh thu cho toàn bộ người dân thành phố chứ không chỉ để một nhóm người, nhóm nhà đầu tư hưởng lợi", ông Vinh nói.

Kỳ vọng Đà Nẵng 2018: Giải bài toán phát triển và bảo tồn Sơn Trà như thế nào? (bài 2) - Ảnh 3.

Ông Huỳnh Tấn Vinh trong một cuộc hội thảo kêu gọi bảo vệ nguyên vẹn bán đảo Sơn Trà

Theo ông Vinh, chính quyền cần phát triển Sơn Trà một cách thông minh, lấy Sơn Trà để thu hút du khách đến Đà Nẵng.

Khách du lịch đến Sơn Trà cần được tổ chức những tour tuyến trải nghiệm thiên nhiên hoang dã, vào rừng để trải nghiệm và giảm stress… Do đó, hãy bảo tồn và gìn giữ đi cùng với phát triển thì sẽ có lợi hơn thực hiện việc bê tông hoá Sơn Trà.

"Người nước ngoài đến Đà Nẵng để trải nghiệm chứ không phải tìm những công trình to lớn, hoành tráng… Việt Nam ta có biển, có rừng, có Sơn Trà vô cùng quý giá… thì đó là thứ người ta thích nhất.

Đó là thế mạnh của mình thì tại sao mình lại thay đổi nó bằng những tòa nhà, dự án bê tông cốt thép", ông Vinh nói.  

Đà Nẵng là một thành phố thuộc trung ương từ năm 1997, nằm trong vùng Nam Trung bộ, là trung tâm kinh tế, tài chính, chính trị, văn hoá, du lịch, xã hội, giáo dục, đào tạo, khoa học và công nghệ, y tế chuyên sâu của khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước.

Đây là thành phố quan trọng nhất miền Trung, đồng thời cũng là một trong 5 TP trực thuộc Trung ương (Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng). Phía Bắc giáp tỉnh Thừa Thiên-Huế, phía Tây và Nam giáp tỉnh Quảng Nam, phía đông giáp biển Đông. Trung tâm thành phố cách thủ đô Hà Nội 764km, cách TP HCM 964km.

TP Đà Nẵng ngoài phần đất liền (7 quận, huyện) còn bao gồm huyện Hoàng Sa, với tổng diện tích là 1.285,4 km2. Dân số hơn 1 triệu người.

Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu phát triển Đà Nẵng thành thành phố cấp quốc gia, hiện đại; tầm nhìn đến năm 2050, xây dựng và phát triển Đà Nẵng trở thành thành phố đặc biệt cấp quốc gia, hướng tới đô thị cấp quốc tế và phát triển bền vững.

Bài 3: Một giọt nước chảy ra biển cũng phải sạch

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại