Tuyển thủ U23 Việt Nam và ký ức khốc liệt về “lò xay” tài năng trẻ

Mai Xuân Quyết (Thiết kế: Đỗ Linh) |

Sau bàn thắng vào lưới HAGL, Mai Xuân Quyết liên tục được truyền thông gọi tên. Với tiền đạo trẻ Nam Định, hành trình để có được sự ghi nhận này là cả một quãng đường dài.

MẸ SỢ EM GÃY CHÂN, CÒN MỌI NGƯỜI KHUYÊN Ở NHÀ ĐI HỌC ĐI, ĐÁ BÓNG LÀM GÌ

Quê em ở Thái Bình, gần ngay nhà Tuấn Anh (HAGL), cách nhau chưa đến 1 km.

Phong trào bóng đá ở quê em cũng vui lắm. Ngày xưa mỗi lần tổ chức giải là sân xã lại kín hết, trẻ con bọn em sút vào một bàn là người ta lại chạy thẳng vào thưởng tiền luôn ấy. Khí thế lắm.

Nhưng phải đến bây giờ bóng đá phát triển hơn, nhìn thấy có tương lai nên phụ huynh mới cho con đi vào lò bóng đá nhiều. Chứ nói vui thì ngày trước mọi thứ "tăm tối" lắm. Người ta vẫn khuyên em thôi ở nhà đi học đi, đá bóng làm gì.

Tất nhiên theo được bóng đá cũng một phần là do cơ duyên cả. Như bản thân em bước đầu tiên đến với bóng đá chuyên nghiệp cũng là nhờ từ các giải cấp xã, huyện. Sở TDTT Thái Bình về huyện tuyển quân và em được chọn. Mà lúc đầu em cũng không định đi thi tuyển đâu, nhưng mấy thằng bạn cứ rủ, bảo đi cho biết, thế là mình cũng xuôi theo. Coi như đi chơi một buổi.

Ký ức về lò xay cầu thủ Việt Nam và hành trình khốc liệt đi từ giải cấp xã lên V.League - Ảnh 1.

Trúng tuyển ở huyện thì em lên TP.Thái Bình thi lần hai. Lại đỗ tiếp, thế là em được lên ăn tập để đá giải U13 toàn quốc. Xong xuôi thì các thầy cũng giới thiệu bọn em sang các lò Nam Định, Ninh Bình, Viettel để thi tuyển, vì Thái Bình chỉ đến U13 là hết đội bóng rồi. Nhưng trong đầu em nghĩ chắc là thôi, chả tập tành gì nữa đâu, về thôi chứ nhớ nhà lắm rồi.

Về nhà đi học được 2 tháng rồi thì không biết sao các thầy bên Nam Định lại có số điện thoại của bố mẹ em và gọi để đặt vấn đề. Nhưng thực ra mẹ em không muốn cho đi đá bóng nữa đâu, giữ lại ở nhà. Sợ con cái gãy chân mà. Bố mẹ nào chẳng xót con. Ngày đó em học tốt lắm, bố cũng định hướng là phải đỗ được vào đại học. Nhưng bố em thì bảo đi hay không là quyết định của con, có thế nào thì bố cũng ủng hộ.

Gần nhà lại có hai thằng bạn thân của em cũng được gọi. Ba đứa bọn em thân nhau lắm, chơi cùng nhau rồi cùng lên U13 Thái Bình đi đá giải. Bố mẹ hai đứa kia cũng hỏi em có đi Nam Định không, chứ tụi nó đồng ý "lên đường" rồi đấy. Có bạn có bè cùng đi, bố lại cho quyền tự quyết định nên em cũng liều thử xem sao.

Ký ức về lò xay cầu thủ Việt Nam và hành trình khốc liệt đi từ giải cấp xã lên V.League - Ảnh 2.

LỨA BỌN EM NGÀY XƯA MỚI VÀO LÀ HƠN 40 ĐỨA, GIỜ CÒN ĐÚNG 3 NGƯỜI TRỤ ĐƯỢC LẠI

Trong 1 tháng đầu sau khi sang Nam Định ăn tập, em vẫn chăm chỉ học lắm. Nhưng về sau càng ngày tập luyện càng nhiều, cơ thể, đầu óc cũng mệt mỏi hơn nên không chăm được như trước nữa.

Bọn em từ bé cứ trung bình một ngày chạy 10km. Một tháng kiểm tra thể lực một lần. Có thể chỉ là bài chạy 1,5 km thôi nhưng thời gian các thầy đề ra cũng không dễ chút nào. Rồi càng lớn hơn thì yêu cầu càng khắt khe hơn, test yoyo, rồi chạy 10 vòng sân trong 12 phút (mỗi vòng 400m).

Được cái em chưa có lần nào không hoàn thành được các bài kiểm tra cả, chạy bao giờ cũng thừa thời gian. Có khi còn chạy lên 11 vòng, "khuyến mại" hẳn 1 vòng sân luôn mà vẫn chưa hết 12 phút. Chạy nhiều quá nên các thầy còn đặt biệt danh cho là "Quyết không phổi" (cười).

Nhưng hai cậu bạn người xưa rủ em vào lò thì không theo bóng được đến bây giờ. Tụi nó mới nghỉ cách đây 2 năm và giờ vào tận Bình Dương học để mở salon tóc. Thân nhau lắm nên thỉnh thoảng tụi nó vẫn trêu rằng "may mà bọn tao nghỉ nên giờ mày mới có cơ hội mà tỏa sáng".

Bọn nó theo bóng đá cũng lâu nhưng môi trường này vốn khắc nghiệt như vậy. Lứa của em ngày xưa mới vào là hơn 40 đứa, giờ làm gì còn ai mấy đâu. Chỉ còn em, Đoàn Thanh Trường và Ngô Đức Huy trụ lại. Còn đúng 3 người thôi.

Ký ức về lò xay cầu thủ Việt Nam và hành trình khốc liệt đi từ giải cấp xã lên V.League - Ảnh 3.

Bản thân em từ bé cũng phải luân chuyển ở rất nhiều vị trí để tìm thích nghi với đội. Ngày mới đến em đá hậu vệ biên phải, rồi được đẩy sang biên trái, sau kéo lên đá tiền vệ giữa.

Dần lên bậc U thì em lại được kéo ra đá cánh, nhưng mà là tiền vệ, hết trái rồi lại phải. Đến U17 sang U19 thì em được đá tiền đạo, rồi lên đội một Nam Định chú Dũng (HLV Nguyễn Văn Dũng) lại cho thử đá cánh, từ hậu vệ rồi lại dẫn lên tiền vệ. Nói chung em trải qua rất nhiều vị trí trên sân rồi. Cái đó phần nào cũng tốt cho mình vì bóng đá bây giờ đòi hỏi sự đa năng của cầu thủ.

Từ lúc lên đội một đến giờ, thầy Dũng giúp đỡ em rất nhiều. Sau giờ tập, mình yếu ở điểm nào là thầy lại chỉ bảo để rèn thêm luôn. Thầy Dũng vẫn nói vui rằng em chẳng khác gì thầy tầm tuổi này ngày xưa, giờ phải cố gắng rèn luyện hơn. Ví dụ như bật nhảy đánh đầu, phải luyện sao cho mình bật lên thì phải có điểm dừng trên không để lái quả bóng theo ý muốn.

Ký ức về lò xay cầu thủ Việt Nam và hành trình khốc liệt đi từ giải cấp xã lên V.League - Ảnh 4.

LÀM CẦU THỦ KHÔNG SƯỚNG NHƯ MỌI NGƯỜI NGHĨ ĐÂU

Người ngoài nhìn cầu thủ vừa đá bóng thỏa mãn đam mê vừa kiếm được tiền thì thấy thích, nhưng cứ thử sống cuộc sống của bọn em một vài ngày xem có muốn làm cầu thủ hay không. Thử vào tập luyện 1,2 buổi, hôm sau dậy ê ẩm hết người chắc chẳng ai còn ham được nữa (cười).

Không phải em kể khổ mà là đặc thù công việc của bọn em nó vậy. Mình muốn theo được thì phải chấp nhận khổ luyện. Em được cái may mắn thể lực tốt sẵn từ bé, nên vào lò tập cũng chưa bao giờ thấy khổ quá mà nản cả.

Chỉ trừ lúc nào ốm đau mới thấy mệt mỏi thôi, chứ chuyện rèn thể lực hay tập luyện em chẳng bao giờ kêu ca. Có người ngủ dậy ra nhìn bảng lịch trình thấy ghi sáng nay tập thể lực thì đã chán không buồn ăn sáng, còn em thì thấy bình thường. Tập luyện cũng như kiểu cơm ăn hàng ngày thôi mà, có gì đâu mà phải tránh.

Nhớ lại ngày bé, hồi còn tập ở Thái Bình thì bọn em còn có chút ít chế độ, chứ về sau sang Nam Định thì không. Đội khi ấy còn đang đá giải hạng Nhì, hạng Nhất mà, kinh tế còn khó khăn lắm, bọn em chỉ được nuôi ăn ở thôi.

5 người ở chung 1 phòng, mùa hè nóng không có điều hòa đâu, mỗi đứa một cái quạt mà phả thẳng vào người thôi. Nhưng mà nhiều lúc trời nóng quá, đến gió thổi cũng thấy nóng nên có bật to hết cỡ thì càng quạt càng thấy nóng thôi.

Ký ức về lò xay cầu thủ Việt Nam và hành trình khốc liệt đi từ giải cấp xã lên V.League - Ảnh 5.

Tất nhiên đem chuyện ăn uống ngày bé mà so với bây giờ thì khác lắm, vì hồi xưa bọn em chỉ là được ăn cơm có 4 món, thay đổi tùy theo mùa thôi chứ không được đến mức tính toán chi tiết xem dinh dưỡng ra sao. Còn bây giờ chuyện ăn uống ở đội của bọn em được đảm bảo lắm. Bác sỹ họ lên thực đơn cho hết để đảm bảo đủ dinh dưỡng.

Em hiện tại khoảng 65, 66kg, cao 1m77. Mọi người cũng nói em mỏng cơm, hỏi có tập gym gì cho lên cơ không. Nhưng thực tình với bóng đá thì mình chỉ tập bổ trợ một số bộ phận, nhóm cơ để bổ trợ va chạm thôi, chứ không phải kiểu như dân gym chuyên nghiệp, tập cho to hết người lên (cười).

Căn bản cũng vì bình thường bọn em tập luyện vốn đã mệt sẵn rồi. Một ngày tập bao nhiêu buổi, tốn rất nhiều thời gian. Đặc biệt như những lúc đi tập huấn chẳng hạn, khối lượng vận động lớn lắm, cầu thủ tập về là nằm bệt ra rồi, muốn tập thêm cũng phải tính toán cho hợp lý chứ không phải thích là được.

Nam Định hai mùa vừa qua cũng đều có HLV thể lực riêng. Năm ngoái là người Malaysia, năm nay đội dùng HLV người Đức. Mỗi người đến từ một nền bóng đá khác nhau nên cách làm việc của họ cũng khác, nhưng cơ bản vẫn là cố gắng truyền dậy tất cả những kinh nghiệm họ có được để giúp cầu thủ tốt lên. Phương pháp Malaysia có thể khác phương pháp Đức nhưng em thấy đều ổn cả.

Ký ức về lò xay cầu thủ Việt Nam và hành trình khốc liệt đi từ giải cấp xã lên V.League - Ảnh 6.

CẦU THỦ TRẺ CỨ CHẠY LÀ RA BÀI THÔI, CHỨ ĐỨNG GẨY GẨY QUẢ BÓNG THÌ AI XEM

Em thấy ở V.League đội nào có Tây tốt thì sẽ lợi thế hơn rất nhiều. Có thể nói ngoại binh chiếm đến 50% sức mạnh của đội bóng. Như Nam Định năm nay có Merlo và Son (biệt danh của Rafaelson) đá đều tốt.

Son sinh năm 97 thôi nhưng tập luyện chăm chỉ, ý thức lắm. Còn Merlo thì anh ấy chuyên nghiệp sẵn rồi, đã vào công việc là lúc nào cũng nghiêm túc và hết mình. Ngoại binh họ tập luyện nhiệt lắm, mình làm mất bóng nhiều họ cáu luôn ấy. Trên sân họ là chủ lực ghi bàn mà, nếu đồng đội không hỗ trợ tốt thì khó chịu cũng là đúng thôi.

Nhưng trong đội cũng cần có những cầu thủ kinh nghiệm để đốc thúc anh em. Merlo đã có nhiều năm chinh chiến ở V.League, ở phía dưới chú Đinh Xuân Việt (thủ môn) cũng vậy. Bọn em nhìn vào đội thấy cả tuyến trên và dưới đều dày dặn kinh nghiệm cả nên cũng thấy tự tin hơn. Cầu thủ trẻ vào sân cứ chạy là ra bài thôi, chứ cứ cố mà thể hiện, đứng gẩy gẩy quả bóng thì ai xem.

Ở Nam Định hầu như mọi người đều biết em. Đi đâu cũng được nhận ra. Trước 2019 mọi người cũng chẳng biết em là ai, nhưng vào sân em cứ đá hết mình rồi từ từ khán giả sẽ ghi nhận thôi. Với em khi có cơ hội thế thì mình phải cố mà lắm lấy thôi, tập luyện thật tốt để cạnh tranh suất ra sân.

Thầy Dũng cũng làm công tác tâm lý cho chúng em cả rồi. Thầy bảo: Con không cần để ý bên ngoài có cái gì, cứ vào sân đá hết mình theo bản năng, còn đánh giá ra sao thì do các thầy và mọi người nhận xét thôi.

Ký ức về lò xay cầu thủ Việt Nam và hành trình khốc liệt đi từ giải cấp xã lên V.League - Ảnh 7.

Chuyện tinh thần ảnh hưởng lớn đến việc chơi bóng lắm. Không phải nói đâu xa, chỉ cần nhìn các đội về sân Thiên Trường làm khách gặp khó khăn ra sao là cũng đủ hiểu rồi. Đội nào cầu thủ tinh thần không vững thì khó đá lắm. Nhìn lên khán đài cả hàng vạn người hò reo đã ngợp rồi, gặp đội chủ nhà còn đá rát nữa thì cũng chùn luôn. Ngay mạnh như Hà Nội về đây gặp Nam Định cũng còn khó khăn mà. Có cầu thủ đội bạn còn bảo em rằng về Nam Định nhìn khán đài mà chân tay cứ bủn rủn ra.

Giờ ở V.League chắc chẳng ở đâu khán giả nhiệt bằng Nam Định. Đến như trận đấu tập với Hải Phòng vừa qua không cho CĐV vào mà người ta còn dựng xe máy đứng hàng dài ngó qua tường xem.

Về lối chơi, trong đầu em lúc nào cũng xác định đội bóng của mình quây rát, phong tỏa đối thủ chứ không phải dùng cách đá láo, đá bẩn triệt hạ người ta. Mình có thể thi đấu mạnh mẽ nhưng không được triệt hạ đối phương, vì như thế là đá người chứ không còn là đá bóng nữa.

Như trận gặp HAGL ở cúp Quốc gia vừa rồi, Nam Định chủ động theo kèm sát, không cho đối phương thoải mái cầm bóng. Đội bạn cứ có bóng là tụi em quây liền, chứ không để tiền vệ của họ chủ động điều phối thì mệt lắm.

Ký ức về lò xay cầu thủ Việt Nam và hành trình khốc liệt đi từ giải cấp xã lên V.League - Ảnh 8.

BỌN TRẺ Ở QUÊ MƠ ƯỚC ĐƯỢC THÀNH CẦU THỦ NHƯ TỤI EM

Năm ngoái em ghi được 3 bàn ở V.League, 2 bàn ở cúp Quốc gia. Có điều lúc có được bàn đầu tiên ở V.League thì em lại không phê lắm. Em đánh đầu vào lưới anh Tuấn Mạnh nhưng Nam Định lại thua Khánh Hòa 1-2 ngay trên sân nhà.

Sướng nhất phải là trận gặp Viettel, Nam Định thắng 2-0 còn em vừa vào sân cái đã ghi bàn luôn. Một bàn nữa là ở trận gặp SLNA, còn cúp QG em ghi cúp đúp vào lưới Bình Phước.

Thực sự V.League khắc nghiệt hơn các giải trẻ rất nhiều. Từ áp lực khán giả, lối chơi… Mà đừng nói giải trẻ, từ hạng Nhất lên cũng thấy ngợp ấy chứ.

Như em ngày mới lên V.League, chưa ai biết em cả nhưng thực ra mình vẫn biết ở nhà có bố mẹ, gia đình, họ hàng, bạn bè đang theo dõi mình thi đấu. Cũng áp lực một chút về chuyện phải thể hiện thật tốt, nhưng em không để điều đó làm ảnh hưởng vì mình biết khả năng của mình, cố thể hiện quá rồi lại hỏng hết việc của đội.

Mình đá không tốt thì hôm sau lại về tập luyện lại, cố gắng làm tốt hơn ở lần tới. Được cái bọn em luôn được thầy Dũng, thầy Sỹ động viên rằng mình vẫn là cầu thủ trẻ, sẽ có trận hay trận dở chứ không thể lúc nào cũng tốt được. Còn trẻ, cứ đá hết mình đi.

Ký ức về lò xay cầu thủ Việt Nam và hành trình khốc liệt đi từ giải cấp xã lên V.League - Ảnh 9.

Mỗi lần ghi được bàn em đầu gọi về để chia sẻ với gia đình. Mà nhà em thì lúc nào cũng theo dõi, vào trận thì cả gia đình tụ họp, ông bà, các chú các bác cũng qua xem. Có lúc thì bố em xem cùng các bác ở xã.

Mỗi lần về xã em cũng được mọi người nhận ra, rồi tham gia các giải phong trào ở nhà. Bây giờ ở gần nhà em cũng có mấy đứa nhỏ đang học ở lò Nam Định. Tụi nó vẫn bảo nhìn thấy các anh lớn đá thích lắm, phải cố gắng tập luyện để sau cũng được như thế.

Đầu mùa giải năm nay em mới ký bản hợp đồng chuyên nghiệp đầu tiên với Nam Định, thời hạn hợp đồng là 3 năm, đến khi em 24 tuổi. Xong hợp đồng đào tạo trẻ thì đây cũng là thời điểm mình cống hiến cho CLB, chưa có tiền lót tay đâu nhưng với em trước mắt như thế cũng là bước đệm để mình cố gắng hơn.

Em cũng chưa muốn tính đâu xa xăm rằng sau này mình sẽ được trả lót tay bao nhiêu, cứ nghĩ đến việc làm tốt nhiệm vụ ở trước mắt đã rồi điều gì đến sẽ đến. Tất nhiên mình phải cân bằng giữa tình cảm và lý trí, nhưng giờ em chưa nghĩ gì xa cả. Cố gắng từng ngày một, như người ta vẫn bảo là nói trước bước không qua đó. Cứ bình tĩnh mà phát triển bản thân thôi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại