Em thấy cầu thủ nổi lên và đi xuống có khi nhanh như một nốt nhạc. Mà nói thật không biết người khác thế nào, chứ em thấy mình vẫn còn là một cầu thủ trẻ, không muốn truyền thông nhắc đến mình quá nhiều đâu vì đôi khi nó tạo cho bản thân cảm giác căng cứng tâm lý.
Có người được truyền thông đẩy lên cao quá, không để đôi chân vững trên mặt đất, em thấy như thế nguy hiểm lắm. CĐV Nam Định họ cũng sợ em như người này người kia, lên tuyển về rồi không làm chủ được bản thân.
Các thầy cũng không muốn bọn em tiếp xúc truyền thông quá nhiều, chỉ nên ở mức vừa phải thôi để còn tập trung tập luyện thi đấu nữa. Trên sân cũng đừng nghĩ mình là ai mà phải thể hiện này kia. Hãy cứ là chính mình và mọi người sẽ có đánh giá đúng nhất về bọn em. Chứ càng để ý dư luận quá lại càng không đá được.
Em không muốn sau này nhìn lại sự nghiệp, mình phải thốt ra một câu: Giá như…
ĐỘI TUYỂN LÀ MỘT THẾ GIỚI RẤT KHÁC
Em bắt đầu được lên U22 Việt Nam tập trung từ quãng đầu của chu kỳ hội quân ngắn ngày mỗi tháng (tháng 6/2019) và trụ lại được đến đợt gút danh sách cuối cùng cho SEA Games 30 (cuối tháng 11) thì phải về.
Lên đội tuyển là một thế giới rất khác hơn so với CLB. Ở trên đó mọi thứ từ những bài tập nhỏ đều được đòi hỏi ở mức độ cao hơn. Buổi tập bình thường thôi cũng tạo cảm giác làm mình mất sức nhiều hơn.
Như thi đấu trên đội tuyển thì cường độ cao lắm. Đá trên sân không có thời gian đứng thở hay nghỉ đâu. Quây, ốp, dập liên tục luôn. Nhiều người mới lên có thể bị ngợp, đá được 10, 20 phút mà cảm giác không thở được nữa. Các thầy yêu cầu cao nên mọi thứ cũng khắc nghiệt.
Bản thân em cũng được cái may là mình có lợi thế thể lực sẵn rồi nên không lo chuyện đuối sức lắm. Mình cứ bình thường mà đá thôi. Test yoyo trên tuyển 2 lần em đều xếp thứ 2 cả, chỉ sau mỗi Bùi Hoàng Việt Anh. Một lần cậu ấy được 27 thì em 25, lần khác Việt Anh 35 thì em 32. Cũng không chênh nhau mấy.
Thường bọn em tập 2 buổi/ngày, nhưng cũng có khi lên đến 3 buổi. Sáng tập xong về ăn cơm nghỉ ngơi đến chiều tập tiếp. Tối cơm nước xong các thầy lại đưa lên tầng thượng tập các bài về cơ bụng và các cơ bổ trợ khác. Tập xong HLV cho uống sinh tố và bắt đi ngủ sớm. Cả đội cứ theo guồng quay như thế.
Trên tuyển bọn em ăn theo kiểu buffet, mình muốn ăn gì thì lấy. Cũng bởi bác sỹ đã lên thực đơn cho đội sao cho tốt nhất rồi, thức ăn thay đổi mỗi ngày chứ không cố định. Thứ cố định duy nhất với bọn em chính là việc 1 ngày phải uống 3 hộp sữa, sáng - trưa - tối. Ở CLB thì khác hơn, uống sữa hay không là tùy mỗi người tự mua, còn ăn thì cũng theo bàn.
Bọn em cũng không bị quản lý điện thoại đâu, mà chủ yếu là mình phải tự ý thức thôi. Bản thân em cũng chẳng chơi game, thỉnh thoảng lên mạng nói chuyện với bạn bè, hay xem mấy video hài để giải trí thôi.
VÀ NHỮNG ĐẶC THÙ RIÊNG Ở ĐỘI TUYỂN
Trên tuyển các anh em đều chơi với nhau cả. Em thân với mấy bạn bên HAGL (Phan Thanh Hậu, Dụng Quang Nho), rồi Văn Toản, các anh Tấn Sinh, Thái Quý. Mấy anh em nói chuyện hợp nhau, vui phết.
Thực ra ở đội tuyển thì vẫn có những vấn đề đặc thù riêng. Bọn em mới lên tập trung, đá với những cầu thủ "ăn cơm tuyển" nhiều rồi thì cũng cần thời gian để phối hợp được với họ. Kiểu chưa biết rõ nhau lắm nên người ta thường ưu tiên chuyền bóng, phối hợp với những người quen, hiểu rõ cách đá hơn.
Chuyện đó em thấy cũng bình thường vì đây là môi trường có tính cạnh tranh khốc liệt mà. Đợt tháng 6/2019 bắt đầu tập trung thì có khoảng hơn 30 người, đến lúc chốt danh sách đi SEA Games thì chỉ có 18 người được chọn. Việc có thêm 2 suất cho cầu thủ trên 23 tuổi càng khiến sự cạnh tranh trở nên khốc liệt hơn.
Em cũng trụ được đến đợt tập trung cuối cùng. Mà mỗi lần loại ai, ban huấn luyện Hàn Quốc đều gọi riêng từng cầu thủ xuống gặp và nói chuyện để đả thông tư tưởng. Người làm việc đó là trợ lý Kim Han-yoon.
Thầy Park thì không khi nào nhận xét ai cả mà chỉ cho toàn đội tập và âm thầm quan sát, đánh giá riêng thôi. Trừ khi có lúc nào thấy "ngứa mắt" quá thì thầy mới vào tận nơi để thị phạm, hô lên bảo học trò: "tập trung, tập trung".
Em thì không bị nhắc bao giờ, nhưng kỷ niệm với thầy Park thì có một trò rất vui đó là đá bóng ma. Thầy hay vào đá ma cùng, mà bọn em thì cứ rình rình để xỏ háng thầy. Mỗi lần như thế là thầy Park lại ôm đầu rồi nằm vật ra sân, buồn cười lắm. Trò chơi đó cũng giúp bọn em thoải mái và gần gũi hơn với thầy.
Mà tính ra tính HLV Park Hang-seo còn thoải mái và hiền hơn so với trợ lý Lee Young-jin. Thầy Lee chuyên lo về phòng ngự, còn thầy Park lo phần tấn công. Có lẽ cũng vì thế mà thầy Lee rất nghiêm khắc, không muốn cầu thủ mắc sai lầm. Thầy Lee cũng không muốn mình nổi bật quá mà cứ âm thầm làm việc thế thôi.
HLV thể lực thì tùy người, mỗi người một bài. Có người cho khởi động hết sức, người thì đến lúc toàn đội tập xong mới yêu cầu tập cơ bụng "chết" luôn, hoặc có lúc đến tối lại yêu cầu toàn đội tập tiếp các bài bổ trợ cơ. Mỗi HLV một phong cách. Bóng đá mà, làm gì cũng phải cố gắng từng bước, từng bước một thì mới lên được.
HLV Park Hang-seo và trợ lý Lee Young-jin.
Như chuyện HLV Park Hang-seo từng nói phần thân trên của cầu thủ Việt Nam yếu chẳng hạn. Mỗi nhóm cơ trên cơ thể lại có một vai trò khác nhau. Ví dụ cơ vai giúp cho va chạm, cơ lưng bổ trợ bật nhảy đánh đầu. Về cơ bản việc tập luyện phải duy trì mỗi ngày thì các nhóm cơ mới tốt được, chứ tuần tập được 2, 3 buổi, thậm chí 1 tháng tập 3 tuần rồi nghỉ 1 tuần thì đâu lại về đấy thôi, chẳng ích gì.
Ngay như khi lên tuyển, mọi người thấy bọn em tập mấy bài khởi động với dây chun kéo và nói là bổ trợ cho cơ thì cũng không hẳn đúng đâu. Bài tập đó chỉ có tác dụng làm nóng cơ là chính. Nhìn bọn em tập bài đấy vất vả vì cái dây nó cứng thôi, còn muốn cho lên cơ thì cần nhiều bài khác của HLV nữa. Nhìn chung việc lên tuyển cũng giúp mình vỡ vạc ra nhiều, học hỏi được những điều hay để về CLB mình tốt lên.
Tuy nhiên cũng có một chuyện ảnh hưởng thế này. Có một đợt trên tuyển cho tập cường độ cao, đến gần ngày đá V.League thì bọn em mới được về lại CLB. Đang tập nặng nên người mình cảm giác bị ì ạch, về đá cũng không có được phong độ tốt lắm. Em còn nhớ HLV Huỳnh Đức cũng phàn nàn chuyện này, kiểu đang đá V.League mà lên tuyển lại cho cầu thủ test yoyo thì về CLB sao họ đá tốt được.
Hay như đợt U22 Việt Nam sang Trung Quốc giao hữu, lúc về phải bay 2 chuyến mới tới nơi, hôm sau em tập cùng CLB được 1 buổi rồi đến ngày tiếp theo đá chính ngay. Thực sự là mệt bở hơi tai luôn. Em chỉ đá được hơn 1 hiệp đấu là HLV cho ra nghỉ. Mình vừa di chuyển xa, cơ thể lại chưa về lại được trạng thái tốt nhất, đá như vậy dễ chấn thương lắm.
Nhưng em nghĩ chuyện đó có thể chủ động điều chỉnh thôi. Cầu thủ bọn em thì cứ cố gắng hết sức với cơ hội của mình, chẳng nề hà điều gì.
NHỮNG LỜI CHÂN TÌNH TỪ BAN HUẤN LUYỆN KHI CHIA TAY
Đến trước ngày đi vào TP.HCM (cuối tháng 11), ban huấn luyện tiến hành chốt danh sách U22 Việt Nam dự SEA Games 30. Ai bị loại sẽ được HLV Kim Han-yoon gọi xuống gặp riêng.
Lúc ấy em là người thứ 4 được thầy gọi. Thầy Kim nói chuyện rất chân tình, bảo không phải em thể hiện không tốt, tuy nhiên danh sách chỉ có hạn, trong đội lại có những cầu thủ quen với phong cách làm việc của thầy hơn, đó là những điều khó. Hi vọng chúng ta sẽ gặp lại nhau ở một ngày gần nhất, em về hãy cứ cố gắng thể hiện thật tốt, mọi thứ vẫn còn ở tương lai phía trước.
Nói thật cái cảm giác chờ xem mình có được đi SEA Games hay không nó hồi hộp lắm. Bọn em cứ ngồi ở phòng riêng thấp thỏm chờ xem ai bị loại, ai ở lại. Nhưng mà lúc được thầy gọi xuống gặp riêng thì em cũng cảm giác biết biết rồi, vì trước đó đã có 3 anh em xuống trước. Đội tập trung nhiều đợt, cứ loại dần theo mỗi đợt, đến đợt cuối đó thì loại tiếp 8, 9 người.
Trước khi lên tuyển, thầy Dũng, thầy Sỹ cũng dặn trước em rồi. Cứ thoải mái thôi, làm hết mình còn đội tuyển cũng có những đặc thù riêng, kết quả ra sao thì ban huấn luyện U22 Việt Nam sẽ đánh giá. Được đi SEA Games thì vui, còn không về chúng ta cùng nhau làm lại.
Nam Định có 4 người được gọi, 3 anh em kia bị loại trước, chỉ còn em trụ đến đợt cuối. Nhưng cũng phải công nhận rằng ở SEA Games 30 nhờ có hai anh lớn Trọng Hoàng và Hùng Dũng đốc thúc mà U22 Việt Nam chơi rất hay. Em nghĩ đó chính là giá trị của kinh nghiệm trận mạc.
Trọng Hoàng và Hùng Dũng đóng góp lớn cho thành công ở SEA Games 30 của U22 Việt Nam.
EM KHÔNG MUỐN TRUYỀN THÔNG NHẮC ĐẾN MÌNH QUÁ NHIỀU
Thời gian này mọi người nhắc đến em nhiều hơn, nhất là sau bàn thắng vào lưới HAGL. Nhưng em thấy cầu thủ nổi lên và đi xuống có khi nhanh như một nốt nhạc. Có danh tiếng thì tiền bạc cũng đến theo. Nhưng nếu đã chơi bời, có là cầu thủ trẻ như bọn em hay siêu sao nổi tiếng thì bao nhiêu tiền cũng không đủ được. Hôm nay chơi, hôm sau không đi chơi lại khó chịu, dần dần thành thói quen thôi. Nên quan trọng nhất vẫn phải là tư tưởng của mình. Em không muốn sau này nhìn lại sự nghiệp của mình phải nói ra một câu: Giá như…
Giờ thu nhập của em ở Nam Định có lẽ ở khoảng nhóm giữa thôi. Nhưng đó cũng là một cái để mình cố gắng hơn. Mình cứ đá tốt thì thu nhập mình sẽ lên thôi. Cái gì cũng có giá của nó cả, không gì tự dưng đến hết.
Mà nói thật không biết người khác thế nào, chứ em thấy mình vẫn còn là một cầu thủ trẻ, không muốn truyền thông nhắc đến mình quá nhiều đâu vì đôi khi nó tạo cho bản thân cảm giác căng cứng tâm lý. Có người được truyền thông đẩy lên cao quá, không để đôi chân vững trên mặt đất. Em thấy như thế nguy hiểm lắm.
CĐV Nam Định họ cũng sợ em như người này người kia, lên tuyển về rồi không làm chủ được bản thân. Mà nói thế cũng chưa rõ, em ví dụ thế này cho dễ hiểu.
Như giờ em đang đá theo đúng bản năng của em, nhưng lên tuyển về lại muốn thể hiện này kia với mọi người chẳng hạn. Rõ ràng em muốn cống hiến nhiều hơn cho đội, nhưng làm thế chẳng khác nào đang giết chết chính mình. Càng muốn thể hiện thì càng dễ xử lý hỏng, mà làm hỏng một quả rồi thì quả sau mình càng rén chân hơn, ảnh hưởng tâm lý mà. Lúc nào đầu óc mình thoải mái thì làm cái gì cũng tốt mà, chứ cứ nặng nề, gò bó thì làm gì cũng khó.
Câu chuyện không đơn giản đâu, chứ mọi người đừng nghĩ bọn em lên tuyển là sướng, kiểu "không bổ dọc cũng bổ ngang" thì cũng đúng, nhưng sau đó còn nhiều vấn đề lắm. Quan trọng nhất vẫn là làm chủ được bản thân mình trước mọi hoàn cảnh.
Cái gì quá cũng không tốt mà. Các thầy cũng không muốn bọn em tiếp xúc truyền thông quá nhiều, chỉ nên ở mức vừa phải thôi để còn tập trung tập luyện thi đấu nữa. Trên sân cũng đừng nghĩ mình là ai mà phải thể hiện này kia. Cứ là mình và mọi người sẽ có đánh giá đúng nhất về bọn em. Chứ càng để ý dư luận quá lại càng không đá được.
Năm nay em 21 tuổi, tuổi nghề cầu thủ cũng chẳng phải lâu, thoáng cái hơn chục năm nữa là đã khác bây giờ nhiều rồi, sẽ phải tính không đá bóng nữa thì mình làm cái gì. Nghe 10 năm thì thấy dài, chứ nhớ lại hồi em mới vào đội U13 thì cũng chỉ như mới đây thôi, vậy mà thoáng cái đã 7, 8 năm rồi.
Em chưa biết sau này mình có theo nghề HLV không, nhưng làm cầu thủ hay cầm sa bàn thì cũng đều phải chịu nhiều áp lực lắm. Đội đá không tốt thì dễ bị chỉ trích. Như ở Nam Định thì CĐV họ còn thông cảm và hiểu, như ở nơi khác có khi còn khắc nghiệt hơn nhiều.
Nhưng trước mắt, em mong là mình sẽ có cơ hội được dự SEA Games 31. Hơn nữa có thể môn bóng đá nam sẽ được tổ chức ở Nam Định. Khi đó Thiên Trường của em lại được mở hội rồi.