Thầy Phan Minh Lực, giáo viên dạy môn Toán của Trường THPT Lê Quý Đôn, quận Hà Đông, Hà Nội đã nhớ về cậu học trò Đỗ Đức Việt với những tình cảm thân thương, cảm phục như thế. Báo CAND trân trọng giới thiệu bài viết của thầy về người học trò cưng của mình vừa dũng cảm hy sinh trong cuộc chiến với giặc lửa, vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của Nhân dân.
Năm học 2013-2014, tôi được phân công dạy lớp 10A1, là lớp có học trò Đỗ Đức Việt. Học kỳ I trôi qua, trò Việt không có gì nổi trội nên tôi cũng không để ý lắm nếu như không có một sự vụ nhỏ xảy ra cuối học kỳ I. Tôi là một thầy giáo nghiêm túc trong công việc, luôn cố gắng thực hiện dạy thật, học thật, kiểm tra đánh giá học trò thật. Khóa học sinh 2013-2016 là khóa học sinh cuối cùng thi tuyển sinh Đại học môn Toán bằng hình thức thi Tự luận, từ các khóa học trò sau trở đi thì môn Toán thi bằng hình thức Trắc nghiệm.
Vì vậy, trong quá trình giảng dạy, tôi yêu cầu học sinh phải học cách trình bày, lập luận chặt chẽ. Tôi nói với các học trò rằng: “Khi đi thi, bài nào làm được phải cố gắng trình bày, lập luận thật chặt chẽ, đừng để bị trừ 0,25 điểm vì chỉ hơn nhau 0,25 điểm mà người được vào trường, người ở nhà”.
Thượng úy Đỗ Đức Việt trò chuyện với em học sinh mẫu giáo không sử dụng, nghịch ngợm các vật dụng dễ cháy nổ trong lớp học hoặc ở nhà.
Ngày đó thi tuyển sinh Đại học khó hơn bây giờ nhiều, bây giờ học sinh tốt nghiệp THPT hầu như vào Đại học hết, nhiều trường còn không cần thi, chỉ xét theo học bạ THPT của học sinh. Chính vì thế mà hồi đó, khi kiểm tra viết, tôi ra hai đề chẵn, lẻ và quy định ngay từ đầu năm học với các trò: “Em nào làm sai đề sẽ nhận điểm kém hơn bạn có điểm thấp nhất của lớp 1 điểm.
Chẳng hạn kết quả bài kiểm tra của bạn có điểm thấp nhất lớp là 5 điểm thì điểm của em làm sai đề là 4 điểm. Ngoài ra, “nghiêng ngó” bài của bạn lần thứ nhất thầy sẽ nhắc nhở, “nghiêng ngó” lần thứ hai sẽ nhận “thẻ vàng” của thầy, đó là phải “chia tay” một nửa số điểm của bài kiểm tra, em nào cố tình “nghiêng ngó” lần thứ ba sẽ nhận “thẻ đỏ” của thầy, điểm bài kiểm tra sẽ là 0 điểm”.
Khi kiểm tra viết học sinh, tôi đều chụp sơ đồ lớp, chấm bài xong, tôi xếp riêng các bài kiểm tra đề chẵn, đề lẻ và đối chiếu với sơ đồ lớp để xem học trò có làm đúng đề hay không rồi mới vào điểm trong Sổ điểm cá nhân. Sau khi chấm xong bài kiểm tra 1 tiết cuối cùng trong học kỳ I của lớp 10A1, tôi phát hiện ra 4 học trò làm sai đề, trong đó có trò Việt.
Tất nhiên cả 4 em này đều phải nhận số điểm mà thầy đã quy định từ đầu năm học, đồng thời tôi yêu cầu mỗi em viết một bản kiểm điểm và xin chữ ký của bố mẹ vào cuối bản kiểm điểm đó rồi nộp cho tôi. Hết học kỳ I, hai bố con em Việt đến gặp tôi tại nhà riêng của tôi, lúc bấy giờ bố em Việt là Phó Trưởng Công an một phường của quận Hà Đông.
Bố em Việt nói: Hôm nay em dẫn cháu đến gặp thầy, trước hết là xin lỗi thầy về khuyết điểm của cháu, sau là trăm sự nhờ thầy giúp đỡ, dạy bảo cháu nên người. Cháu nhà em còn mải chơi lắm, đặc biệt là mê trò chơi điện tử, nguyện vọng của gia đình em là muốn cháu thi được vào trường Trung cấp của Công an. Vào được Trung cấp Công an với sức học của cháu như học kỳ I vừa rồi là quá khó vì đề thi vẫn là đề thi tuyển sinh Đại học, tổng điểm 3 môn phải đạt khoảng 24 điểm, rồi cộng thêm điểm ưu tiên con cán bộ trong ngành Công an mới hy vọng đỗ, cháu học xong đi làm rồi lại học Đại học tiếp thầy ạ.
Quay sang cậu con trai, bố em Việt nói tiếp: Trước mặt thầy và bố, con hãy xin lỗi thầy và hứa học kỳ II sẽ tập trung vào việc học, không chơi trò chơi điện tử khi chưa được bố cho phép, cố gắng phấn đấu đạt kết quả học tập vượt lên hẳn so với học kỳ I.
Sau khi em Việt xin lỗi tôi, hứa với tôi và bố em sẽ cố gắng trong học kỳ II, tôi nói với hai bố con em Việt: Hôm nay tôi cũng xin được nhắc lại những điều đã nói với các trò ở trên lớp ngay từ đầu năm lớp 10, đó là 3 năm học THPT là cực kỳ quan trọng vì nó quyết định nghề nghệp của mỗi người trong tương lai, thế nhưng một số trò còn mải chơi, chưa ý thức được điều đó, khi tỉnh ngộ ra thì đã muộn. Bản thân tôi quyết định chọn nghề dạy học năm tôi 17 tuổi và tôi đã làm nghề này 34 năm qua. Tôi vẫn nói với các trò, một điều hết sức quan trọng mà mỗi người cần có, đó là ý chí và nghị lực, có ý chí, có nghị lực chúng ta mới có thể vượt qua mọi khó khăn, thử thách của cuộc đời. Các cụ nói: “Thất bại là mẹ đẻ của thành công” nhưng theo tôi câu nói đó chỉ đúng với những người có ý chí, có nghị lực.
Quay sang trò Việt: Thầy ghi nhận những điều em đã hứa với bố em và thầy hôm nay, thầy mong muốn nó sẽ trở thành hiện thực trong một tương lai gần. Qua một học kỳ, thầy biết em có khả năng nhận thức tương đối tốt, vì mải chơi nên kết quả học tập chưa cao thôi. Cố gắng lên em nhé, đừng phụ công bố mẹ và thầy cô.
Tôi rất vui vì em đã thực hiện được lời hứa của mình, trong học kỳ II năm lớp 10 kết quả học tập của em Việt tiến bộ rõ rệt, bố em rất mừng mỗi khi trao đổi với tôi trên điện thoại. Tôi gần gũi với em hơn, hai thầy trò thường nói chuyện, trao đổi với nhau ngoài giờ học. Hôm đọc điểm tổng kết môn Toán học kỳ II và cuối năm của lớp 10A1, tôi biểu dương hai học trò có thành tích học tập nổi bật trong học kỳ II so với học kỳ I, trong đó có em Việt. Từ học sinh có điểm tổng kết môn Toán học kỳ I thấp nhất lớp (5,0), điểm tổng kết môn Toán học kỳ II của em Việt trên 8,0. Hồi đó, đối với mỗi lớp, số học sinh đạt điểm tổng kết môn Toán từ 8,0 trở lên của tôi thường khoảng 1/5 đến 1/4 sĩ số lớp, tất nhiên cũng có lớp có khoảng 1/3 số học sinh của lớp đạt 8,0 trở lên, số còn lại là Khá và Trung bình.
Tôi đã từng tâm sự với một số đồng nghiệp: “Chỉ cần nhìn vào cột điểm tổng kết học kỳ, điểm tổng kết năm học về môn Toán của một lớp nào đó, tôi có thể biết giáo viên dạy Toán lớp đó có làm việc nghiêm túc hay không, không có chuyện hầu hết học sinh trong lớp đều Giỏi và điểm sàn sàn như nhau”. Không riêng gì môn Toán mà kết quả các môn học khác của em Việt học kỳ II năm lớp 10 đều tiến bộ trông thấy. Bố em rất mừng và thông báo với tôi là sau khi biết kết quả học tập cuối năm lớp 10 của em Việt, ông nội của em Việt đã mua thưởng cho em một chiếc xe đạp điện trị giá hơn 10 triệu đồng.
Cuối tháng 6 năm 2014, tôi mua xe, tôi thi lấy Giấy phép lái xe hôm 29/04/2014. Tôi được biết bố em Việt trước đây là Cảnh sát Giao thông của Công an thị xã Hà Đông, đã lái xe nhiều. Một chiều thứ Bảy đầu tháng 7 năm 2014, tôi gọi điện cho bố em Việt để hỏi xem bố em có bận gì không, nếu không bận thì tôi muốn nhờ bố em đi cùng tôi để bổ túc thêm cho tôi kinh nghiệm lái xe.
Bố em Việt nói: Em đang chuẩn bị đưa cháu về Bến Đục bằng xe máy thầy ạ.
Tôi cười: Thế thì tốt quá rồi, hôm nay hai bố con chú khỏi phải đi bằng xe máy, tôi sẽ lái xe đến nhà đưa hai bố con chú đi, trên đường chú sẽ bổ túc cho tôi kinh nghiệm lái xe nhé.
Tôi đến nhà em Việt và vào thăm nhà một lúc rồi tất cả lên xe, bố em Việt ngồi bên cạnh tôi, còn em Việt ngồi ghế sau. Tôi hỏi bố em Việt:
- Chú đưa cháu về Bến Đục có việc gì vậy?
- Em đưa cháu về Bến Đục học thêm môn Hóa.
Tôi tròn mắt ngạc nhiên:
- Ở Hà Đông, Hà Nội thiếu gì thầy giỏi sao chú không cho cháu học mà chú phải cất công đưa cháu về tận Bến Đục để học?
- Thầy ấy giỏi lắm thầy ạ. Chiều thứ Bảy hàng tuần em đưa cháu về đó học, kết hợp cho cháu chơi ở nhà bác cháu, chiều Chủ nhật em lại vào đón cháu về nhà.
Tôi cười:
- Chú kỳ công quá đấy, từ nhà chú về tới Bến Đục phải hơn 40km chứ có gần đâu?
Đến nơi, em Việt xuống xe còn tôi và bố em Việt quay xe về Hà Đông luôn. Trên đường đi, bố em Việt góp ý: Thầy mới lái xe nên đi sát về bên phải quá, thầy nên lái xe sao cho bên trái xe của thầy ở gần giữa đường để khi cần tránh còn có chỗ mà tránh, thầy lái xe sát bên phải quá, xe ngược chiều với thầy sẽ lấn phần đường của thầy và khi có chuyện gì xảy ra trên đường, xe họ ép xe thầy thì thầy tránh vào đâu vì còn người đi xe máy, xe đạp bên phải đường của thầy nữa.
Đây thực sự là một kinh nghiệm bổ ích cho những lái mới như tôi ngày đó.
Khi tôi và bố em Việt về tới Hà Đông thì đường phố đã lên đèn.
Năm học 2014-2015 tôi không dạy lớp 11A1 mà chuyển sang dạy lớp 11A8, hôm đầu tiên vào lớp 11A8 tôi rất ngạc nhiên vì thấy trò Việt ngồi bàn gần cuối lớp. Tôi hướng về trò Việt và cười: Em Việt hôm nay vào nhầm lớp phải không?
Trò Việt đứng lên trả lời tôi: Thưa thầy, em mới xin chuyển sang lớp 11A8 để được học Toán của thầy.
Tội lặng người trong giây lát, 34 năm trong nghề dạy học, tôi chưa từng gặp một trò nào mà thầy chuyển lớp dạy, trò cũng chuyển lớp theo để được học thầy. Từ đó tình cảm thầy trò của chúng tôi ngày càng gắn bó hơn. Hai năm lớp 11 và lớp 12, em Việt vẫn giữ được học lực Giỏi về môn Toán, đồng thời đạt danh hiệu Học sinh giỏi cả năm và em đã thi đỗ vào một trường Trung cấp của Công an.
Em và cả gia đình em mừng lắm, bố em nói: May mà gia đình em nắm được tình hình học tập của cháu ngay từ cuối học kỳ I năm lớp 10 và nhờ thầy giúp đỡ, dạy bảo, cháu lại rất nghe lời thầy nên mới có được kết quả như ngày hôm nay. Gia đình em trân trọng cảm ơn thầy rất nhiều.
Hôm Khai giảng năm học 2016-2017, tôi thấy trò Việt về trường súng sính trong bộ quân phục CAND mới tinh. Tôi chúc mừng em đã đạt được ước mơ của mình và thỏa nguyện mong ước của gia đình em. Một chiều sát Tết Nguyên Đán Đinh Dậu 2017, em đến nhà chúc Tết tôi và gia đình.
Lúc ra về, rất hồn nhiên, vô tư, trong sáng, em nói:
- Thầy ơi! Túi quà này em mua biếu thầy bằng tiền của em chứ không phải là tiền của bố mẹ em, vì trước khi về nghỉ Tết em được nhà trường cho một ít tiền thầy ạ.
Tôi rất trân trọng tình cảm của em đối với tôi vì tôi biết số tiền em nhận được từ trường em đang theo học chắc cũng rất khiêm nhường nhưng em vẫn nhớ đến tôi, thầy dạy Toán của em suốt 3 năm THPT. Tôi cảm ơn em và chúc Tết em cùng gia đình.
Những năm sau, thỉnh thoảng tôi vẫn gặp em trở về trường vào ngày Khai giảng hoặc ngày Nhà Giáo Việt Nam 20/11, vẫn bộ quân phục CAND, vẫn nụ cười ấm áp với thầy cô và các em khóa sau.
Em là bạn trên facebook của tôi, có lần em chia sẻ bài tôi đăng với dòng tít giới thiệu: Thầy dạy Toán cấp 3 của tôi đây mọi người ạ, thầy dạy Toán mà sao thầy lãng mạn thế.
Còn dưới bài đăng của tôi, em comment: “Nếu em biết được về thầy nhiều hơn từ ngày xưa có lẽ em cũng xin được học thêm Văn của thầy”.
Sau khi học xong Trung cấp Công an, em thi đỗ vào trường Đại học Cảnh sát PCCC và cũng mới tốt nghiệp. Vài hôm trước khi đi du lịch Đà Lạt, tôi gặp bố em cũng đi thể dục ở Khu đô thị Phú Lương.
Tôi nói: Bây giờ thì cháu Việt đã thực hiện đúng theo tâm nguyện của chú rồi còn gì?
Bố em tâm sự: Em có hai cháu. Con gái em học tốt hơn thằng anh nhiều, cháu thi đỗ 5 trường chuyên và cháu chọn học chuyên Toán ĐHSP, hiện nay đang học lớp 11. Thằng anh ngày ấy không gặp được thầy có lẽ không có được như ngày hôm nay đâu.
Tôi cười: Bây giờ sướng nhất chú rồi đấy, con cái đứa nào cũng ngoan, học hành đến nơi đến chốn. Bậc làm cha, làm mẹ chẳng ai mong ước được hơn thế.
Bố em Việt cười: Nói chung là ổn thầy ạ. Gia đình em luôn nhớ và cảm ơn thầy rất nhiều.
Đi Đà Lạt về, tôi có đăng một số ảnh của chuyến đi và em còn “thả tim”, nhấn “like” vào vài ảnh. Tối qua vào facebook, đọc bài của thầy Nguyễn Xuân Hảo trường tôi mà tôi không khỏi giật mình, tôi không thể tin nổi điều đó là sự thật. Tôi mở báo VnExpress và đọc bài về ba chiến sĩ cảnh sát PCCC hy sinh khi chữa cháy ở phố Quan Hoa, Cầu Giấy chiều hôm qua có tên Đỗ Đức Việt thì tôi lặng người đi. Em mới rời vòng tay thầy cô trường THPT Lê Quý Đôn Hà Đông 6 năm mà em đã ra đi mãi mãi.
Đêm qua tôi mất ngủ khi nhớ lại một số kỷ niệm về em và tôi nghĩ, tôi phải viết một chút về em và cũng muốn giải thích với mọi người là vì sao hôm qua, khi nhận được tin em hy sinh, tôi đã viết em là học trò đặc biệt nhất trong suốt 39 năm dạy học của tôi. Từ một học sinh học lực Trung bình ở học kỳ I năm lớp 10, em đã vươn lên để tự khẳng định mình, thể hiện em là con người có ý chí, có nghị lực và trong cuộc đời dạy học, tôi cũng gặp một số học trò như thế, nhưng điều đặc biệt ở đây là trong 39 năm dạy học của tôi, em là học trò duy nhất mà thầy chuyển lớp dạy thì trò cũng chuyển lớp theo để được học thầy.
Em đã hiến dâng tuổi thanh xuân đẹp nhất của mình cho đất nước khi tuổi đời mới 24, tôi rất thương em và rất tự hào về em. Sự hy sinh của em là mất mát rất to lớn đối với bố mẹ em và gia đình, dòng họ. Em ra đi để lại nỗi tiếc thương trong lòng thầy cô, bạn bè và đồng nghiệp, bản thân tôi cũng cảm thấy như mất đi một người cháu của mình. Hôm nay tôi viết bài này như thắp nén tâm nhang cầu chúc cho em được an nghỉ nơi cõi vĩnh hằng và sớm siêu thoát về miền Tây Phương Cực lạc.
Vĩnh biệt em ĐỖ ĐỨC VIỆT, cậu học trò đặc biệt nhất trong cuộc đời dạy học của thầy!
Hà Đông 02/08/2022