Ký ức ngày 30/4 của một cựu binh tên lửa: "Nước mắt chúng tôi tuôn rơi, nghẹn ngào không nói nên lời"

Nhật Vũ |

(Tổ Quốc) - Khi nghe tin ông Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, tất cả các đơn vị ở trong rừng hò reo: "Hòa bình rồi, giải phóng rồi, chiến thắng rồi".

Giây phút những chiến sĩ nghe tin Sài Gòn đã dược giải phóng

Tôi có hẹn với bác cựu binh Nguyễn Hữu Mão, người lính của Trung đoàn tên lửa 263 tiến vào giải phóng Sài Gòn vào một ngày tháng cuối tháng tư. Người đàn ông có đôi mắt sáng, giọng nói vang và dứt khoát, mái tóc cũng đã bạc theo thời gian.

Dù chiến tranh đã kết thúc 48 năm, nhưng với người cựu binh này, mọi thứ vẫn hằn rõ trong trí óc như mới ngày hôm qua, ngày của máu và hoa…

Những chàng trai xếp bút nghiên ra trận

Ông Mão nhập ngũ vào tháng 8/1970, đó là đợt đầu tiên thực hiện Lệnh Tổng động viên của nhà nước, sinh viên các trường đại học tạm dừng học tập để phục vụ chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Ông bảo những ngày đó háo hức lắm, vì trước đấy đã có những lớp đàn anh là sinh viên cũng đã tình nguyện vào chiến trường như anh Phạm Tiến Duật, Lê Anh Xuân…

Cựu binh Nguyễn Hữu Mão bên cuốn sách của mình

"Có những lớp, có những trường mấy trăm sinh viên đi. Hồi ấy, tôi đang học khoa Văn, trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Rêng khoa tôi đi đến 400 người, lớp tôi đi 3 người".

Ông bảo thế hệ mình những năm tháng ấy, khi đất nước có chiến tranh thì mọi người cũng đã xác định được trách nhiệm của thanh niên. Vì thế, khí thế của thanh niên tuổi đời đôi mươi, mười tám lên đường thời đấy rất hào hùng. Mọi người cũng sẵn sàng ra mặt trận để đánh giặc cứu nước, nước còn giặc thì phải đi đánh giặc.

Ông nhập ngũ rồi được đưa vào sư đoàn 325 bộ binh để huấn luyện. Sau 3 tháng quân trường mồ hôi đổ, tạm chia tay bạn bè mỗi người một đơn vị, ông được về Sư đoàn phòng không Hà Nội bảo vệ Thủ đô, Trung đoàn 263 - Tên lửa SAM-2.

Những bạn bè đồng chí của cựu binh Nguyễn Hữu Mão. Ảnh: nvcc

Trong dòng hồi tưởng lại những tháng ngày "máu và hoa" ấy, ông kể cho tôi không sót bất cứ một chiến công hiển hách nào của đơn vị. Nhưng cũng có lúc nước mắt ông nhòe đi khi nhắc tới những ngày giỗ trận.

Năm 1972, sau những chiến thắng giòn giã ở các trận địa phía bắc, Trung đoàn của ông được đưa vào làm nhiệm vụ ở Quân khu 4, nơi tập kết hàng để chi viện cho chiến trường miền Nam. Đây là trọng điểm đánh phá cực kỳ khốc liệt của địch, như là dốc Truông Bồn, ngã ba Đồng Lộc, Cầu Bến Thủy,...

Rồi ông lạc giọng khi nhắc đến ngày giỗ trận của Trung đoàn là ngày 20/4/1972. Trong cuộc chiến tranh ác liệt đó, đơn vị ông đã bị thiệt hại nhiều nhất. Rất nhiều đồng đội đã hy sinh.

Thần tốc tiến vào giải phóng miền Nam

Sau 2 năm bảo vệ vùng giải phóng Quảng Trị, Trung đoàn của ông được lệnh nhổ trại hành quân thần tốc.

"Vào một ngày đầu tháng 3/1975, chúng tôi được lệnh hành quân bí mật. Tất cả khí tài có thể đem đi được thì đem hành quân vượt đèo Lao Bảo sang Lào, nhưng không biết là đi đâu. Đến thị trấn Savannakhet thì được lệnh hành quân rẽ trái Nam tiến. Trong những ngày chúng tôi hành quân trên đất bạn Lào thì mới nghe tin ở nhà nổ súng đánh Đức Lập, giải phóng Buôn Mê Thuật - Tây Nguyên. Lúc ấy, chúng tôi mới biết rằng mình đi giải phóng Sài Gòn".

Lúc ấy ông cùng anh em trong đơn vị mới được cấp trên phổ biến là đi giải phóng Sài Gòn, nhưng vì phía Đông Trường Sơn chưa giải phóng đường chưa thể đi được, bộ đôi tên lửa phải hành quân sang Lào để đi.

Trung đoàn tên lửa 263 của đơn vị ông đã đi suốt từ đầu tháng 3/1975 đến tận ngày 26/4 mới tập kết ở phía Bắc Sài Gòn để tham gia cùng các đơn vị giải phóng Sài Gòn.

Trung đoàn tên lửa 263 trên đường tiến vào Sài Gòn. Ảnh: NVCC

Trưa ngày 30/4/1975, khi đơn vị đang bảo vệ vành đai Sài Gòn, qua đài tiếng nói Việt Nam và đài của nước ngoài, ông cùng đồng đội nghe được tuyên bố của Tổng thống Dương Văn Minh của chế độ cũ đầu hàng vô điều kiện.

Có lẽ trong cả buổi trò chuyện, lúc này là giọng ông và ánh mắt trở nên rực sáng nhất. Ông bảo: "Cảm giác của anh em chúng tôi vô cùng xúc động. Khi nghe tin Dương Văn Minh đầu hàng, tất cả các đơn vị ở trong rừng, thôi thì súng to súng bé đem ra bắn như đổ đạn lên trời và hò reo: Hòa bình rồi, hết chiến tranh rồi, chiến thắng rồi.

Anh em chúng tôi có cảm giác chắc không phải dùng đến súng nữa, hết chiến tranh rồi. Niềm vui vỡ òa, xúc động, nước mắt nghẹn ngào không tả được. Anh em chúng tôi lúc đấy đi ra ngoài đường và gặp anh em ở ngoài đơn vị khác thì ôm chầm lấy nhau, nhảy hết cả lên và vui mừng chảy nước mắt".

Những ngày không còn tiếng súng

Sau ngày giải phóng, đơn vị ông mới tiến vào Sài Gòn. Ngày 2/5, mũi thì vào Biên Hòa, mũi thì vào Tân Sơn Nhất. Toàn đơn vị được nghỉ ngơi và chuẩn bị rửa xe cộ sạch sẽ, tân trang lại cho đẹp để tham gia cuộc diễu binh chiến thắng ngày 15/5/1975 tại Sài Gòn.

Ông lại chùng xuống khi nhắc đến khoảnh khắc này, khoảnh khắc mà ông và những người may mắn sống sót nhớ thương đồng đội đã hy sinh không đợi được ngày hòa bình.

"Chính trong ngày rửa lại xe cộ, có thời gian yên tĩnh chúng tôi mới có thời gian nhớ, thương tiếc đồng đội của mình. Họ không may mắn nằm trên các ngả đường suốt trong cuộc chiến tranh. Đơn vị chúng tôi còn từ Hà Nội vào đến chiến trường khu 4 thì hy sinh còn ác liệt hơn.

Nghĩ mà thương, mà tiếc cho đồng đội của mình. Cũng chỉ mong sao anh em yên nghỉ, chúng tôi là những người còn sống cố gắng sống làm sao cho xứng đáng các đồng đội của mình đã mất".

Khoảnh khắc Trung đoàn tên lửa 263 diễu binh trên thành phố Sài Gòn ngày 15/5/1975, nhìn cảnh tượng đồng bào hoan hỉ đón chào và trầm trồ khen ngợi vũ khí khí tài của bộ đội miền Bắc, ông cùng đồng đội càng thấy tiếc và càng thương xót các đồng chí của mình. Niềm day dứt đấy vẫn theo ông chắc hết cuộc đời này.

Sau này đất nước hòa bình rồi, những cựu binh của Trung đoàn năm ấy vẫn tổ chức cuộc thăm lại gia đình của các đồng đội nằm ở chiến trường, đến từng nghĩa trang trên dọc Trường Sơn. Đó là trách nhiệm những người lính còn sống như ông cần phải làm với đồng đội đã nằm xuống những tháng ngày hoa đỏ.

Ông Mão cùng vợ xem lại những bức ảnh ông và bà chụp cùng nhau

Sau 1 năm trực chiến tại Sài Gòn, đến năm 1976 ông được nghỉ phép ra Bắc gặp lại gia đình. Quà mang trên vai những người chiến sĩ như ông là con búp bê, là cái khung xe đạp.

Riêng ông cảm xúc còn hồi hộp hơn là được gặp lại người yêu mình, người đã chờ ông trong những năm tháng ròng rã bặt tin nhau. Ông nhờ người mua hộ mình tấm vải màu hồng để may áo dài cho người yêu, vì ông biết, khi ra Bắc, hai gia đình sẽ tổ chức cho họ về chung một nhà...

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại