Tuy bị mất đôi tay từ khi lọt lòng, thế nhưng Nguyễn Đình Nhẫn (SN1998, trú tại xóm 10, xã Nghi Kim, TP. Vinh, Nghệ An) đã vươn lên trong cuộc sống bằng chính nghị lực phi thường. Suốt 12 năm học THPT, Nhẫn luôn đạt danh hiệu học sinh tiên tiến, được thầy cô và các bạn yêu quý và nể phục.
“Gia đình tôi có 6 người con, Nhẫn là đứa con thứ 5, cha Nhẫn mất lúc khi Nhẫn mới 8 tuổi. Gia đình rất khó khăn, tôi phải làm rất nhiều nghề để đủ tiền nuôi các con ăn học, tôi vừa làm cha, vừa phải làm mẹ để nuôi dạy các con, nhiều lúc thấy rất mệt nhưng vẫn cố gắng để dạy bảo các con tôi nên người”- bà Nguyễn Thị Vinh (mẹ Nhẫn) tâm sự.
Mỗi sáng, mẹ Nhẫn phải dậy sớm để lo cơm nước cho gia đình, sau đó phải tranh thủ chở Nhẫn đến trường trước khi đi làm, đến trưa thì phải kết thúc sớm công việc để đến đón con. Cơm trưa vừa xong, chưa kịp nghỉ ngơi, bà lại chở Nhẫn đi học, rồi lại chở về ở buổi chiều. Cứ thế, hằng ngày, bà mẹ này phải chạy 4 vòng để đưa con tới trường. Những lúc mẹ mệt, Nhẫn phải tự đi học bằng xe buýt, nhưng điểm dừng của xe buýt cách trường hơn 1km nên khi tới trường, người cậu ướt đẫm mồ hôi vì phải đi bộ.
Do cúi nhiều để tập viết bằng chân nên giờ đây, lưng Nhẫn bị cong vẹo, vai nhô ra tạo thành U lớn trên lưng, gây không ít khó khăn trong sinh hoạt. Tuy nhiên, Nhẫn vẫn có thể chơi bóng đá.
Nhẫn kể: “Trước đây, tập viết bằng chân đối với tôi không phải là chuyện đơn giản, tôi thường lấy gạch và cành cây để tập viết dưới nền nhà, nhưng do chưa quen nên điều khiển chân theo ý muốn rất khó, chữ viết ra thì xấu không đọc được. Ngón chân thì bị đau, bị trầy xước do viết chưa quen. Tập viết mãi mà không được, nhiều lúc có định nghỉ học, nhưng nghĩ đến mẹ đã hy sinh vì mình rất nhiều nên tôi lại tiếp tục cố gắng”.
Thương mẹ một mình vất vả sớm hôm lo cho 6 anh em ăn học nên từ nhỏ Nhẫn đã tự tập làm những công việc cá nhân như: Mặc quần áo, đánh răng, rửa mặt … để tự lo cho bản thân. Sau đó, cậu tập làm những công việc trong gia đình để giúp mẹ có thời gian nghỉ ngơi khi đi làm về mệt.
Nhẫn may mắn được Trường Đại học Công nghiệp Vinh tuyển thẳng vào khoa Công nghệ thông tin và miễn học phí, cũng đã phần nào giảm bớt gánh nặng kinh tế cho gia đình và giúp cậu tiến gần hơn với ước mơ trở thành một Kỹ sư Công nghệ thông tin.