Kỳ thị kinh nguyệt - Khi một nền tảng của sự sống cũng là điều đáng xấu hổ

thinga |

Chúng ta vốn biết, kinh nguyệt là một chu kỳ sinh học tự nhiên mà bất kỳ bạn gái và mỗi phụ nữ phải trải qua hàng tháng từ tuổi dậy thì đến tuổi mãn kinh. Đây là một hiện tượng quan trọng liên quan đến sự sinh sản và phát triển nòi giống của chúng ta.

Kỳ thị kinh nguyệt - Khi một nền tảng của sự sống cũng là điều đáng xấu hổ - Ảnh 1.

Kinh nguyệt bị coi là một điều cấm kỵ

Nhiều bé gái lần đầu hành kinh hoàn toàn mơ hồ về những gì đang diễn ra trong cơ thể của chính mình và hoang mang không biết có phải bản thân đang mắc căn bệnh hiểm nghèo nào hay không. Những tiết học có đề cập đến kinh nguyệt hay chủ đề sinh sản bị giáo viên ậm ờ cho qua, thẳng thừng lược bỏ hoặc ít nhất, sẽ có các buổi học riêng biệt cho bé trai và bé gái. Những câu nói đùa khiếm nhã, tục tĩu nhắm vào cơ thể người nữ nếu "lỡ" để lộ chuyện mình đang hành kinh. Nhân viên bán hàng sẽ mặc định cho băng vệ sinh vào túi màu đen vì chúng được coi là mặt hàng "nhạy cảm"...

Ngay ở ý nghĩa biểu hiện trong ngôn từ, chúng ta có thể thấy cách mô tả phổ biến đó là "đang bị" (bị hành kinh). Mặc dù, từ "bị" vốn là từ biểu thị chủ thể chịu sự tác động của việc không hay, không may mắn, không có lợi đối với mình?

Dù sự thật về kinh nguyệt đã được khoa học và y học trình bày minh bạch nhưng vẫn còn vô vàn niềm tin cho rằng phụ nữ hành kinh phát ra tử khí, gây nhiễm bẩn hoặc chết chóc cho cả động thực vật lẫn người khác.

Nếu bạn là phụ nữ thì chắc hẳn đã từng nghe đến những cấm đoán rất "huyền thoại" như "Phụ nữ đến tháng không được muối dưa/cà vì dưa/cà sẽ bị khú" "Phụ nữ đến tháng không được tưới cây vì sẽ làm cây bị héo" "Phụ nữ đến tháng không được cúng viếng hay chạm vào các vật linh thiêng vì máu hành kinh thu hút tà ma và điều xúi quẩy"... Chúng ta đang sống trong một thời đại mà phụ nữ đã vươn ra ngoài không gian nhưng vẫn bị cấm tiến tới các chốn linh thiêng khi tới tháng. Ta tự hỏi, liệu những phật bà, thánh mẫu, nữ anh hùng được thờ cúng ở các chốn linh thiêng ấy cũng nhận thấy kinh nguyệt của phụ nữ (đồng nghĩa là của họ) là điều dơ bẩn, đáng xấu hổ?

Những hủ tục và sự kỳ thị kinh nguyệt trên thế giới

Minhag - một phong tục Do thái cũ mà người mẹ sẽ tát con gái của mình khi cô bé lần đầu có kinh nguyệt như một lời cảnh báo không được làm ô nhục gia đình bằng việc mang thai ngoài giá thú. Ngoài ra, mục đích của "tục tát" còn dựa trên niềm tin máu hành kinh là "loại" máu ô uế nên việc tát khiến máu chảy dồn dập trên mặt sẽ giữ cho máu không ra quá nhiều ở dưới âm đạo.

Chhaupadi - một hủ tục của người Hindu cổ yêu cầu người phụ nữ phải tự cách ly bản thân trong kỳ kinh nguyệt bằng việc đến sống trong những túp lều đơn sơ, tách biệt, nhằm tránh gây ô uế trong ngôi nhà của họ. Một nghiên cứu năm 2019 của ĐH Bath (Anh) cho biết có tới 77% phụ nữ và trẻ em gái sống tại trung tây Nepal đang bị buộc phải đến sống trong những "túp lều kinh nguyệt" mỗi lần đến tháng, dù chính phủ Nepal đã ra lệnh cấm thực hiện nó vào năm 2018. Nhiều phụ nữ đã chết trong chính những "túp lều kinh nguyệt" vì ngạt khói độc từ đống lửa được nhóm lên để giữ ấm trong đêm đông giá rét.

Kỳ thị kinh nguyệt - Khi một nền tảng của sự sống cũng là điều đáng xấu hổ - Ảnh 2.

Chhaupadi - một hủ tục của người Hindu cổ yêu cầu người phụ nữ phải tự cách ly bản thân trong kỳ kinh nguyệt bằng việc đến sống trong những túp lều đơn sơ, tách biệt. Nguồn: PHMuseum.

Trong những tháng đầu của đợt bùng phát dịch Covid-19, các nữ nhân viên y tế Trung Quốc từng phàn nàn khi được thông báo rằng sản phẩm vệ sinh phụ nữ không được coi là đồ quan trọng và sẽ không được cấp cho họ. Một tổ chức phi chính phủ cấp địa phương đã phải vận động quyên góp băng vệ sinh và đồ lót gửi cho nhân viên y tế tuyến đầu.

Ở Nhật Bản, dù chính sách ngày nghỉ kinh nguyệt đã chính thức được đưa vào luật lao động từ năm 1947 nhưng tỷ lệ phụ nữ tận dụng những ngày nghỉ phép này đang giảm dần vì chỉ cần nghỉ việc, họ sẽ bị đánh giá năng lực yếu kém, không bằng đàn ông.

Khắp nơi trên thế giới, hàng triệu phụ nữ vẫn phải tắm ở nơi riêng biệt, bị cấm nấu ăn, gặp gỡ bạn bè hay chung giường với chồng mỗi khi đến "ngày đèn đỏ". Tại Malawi, nhiều người thậm chí còn cho rằng kinh nguyệt là nguyên nhân của… bệnh vô sinh.

Đã đến lúc...

Cộng đồng cần lên tiếng để thay đổi thái độ, phá vỡ sự cấm kỵ đối với kinh nguyệt để phụ nữ và trẻ em gái có thể thảo luận về chủ đề này mà không sợ hãi và nhận được thông tin cần thiết về chu kỳ hàng tháng tự nhiên của họ. Chúng ta cần phải nỗ lực nâng cao nhận thức, thúc đẩy phổ cập giáo dục về kỳ kinh không phân biệt đối tượng tiếp nhận là nam hay nữ. Bởi bằng cách vén bức màn im lặng, chúng ta mở ra cánh cửa hành động để có thể thay đổi cuộc sống của không chỉ phụ nữ và trẻ em gái, mà còn đối với bất kỳ nam giới nào được tiếp nhận kiến thức một cách đúng đắn.

Sự thay đổi cần phải bắt đầu ngay từ gia đình với việc các bà mẹ dạy con trai về những giai đoạn của kỳ kinh và các ông bố không ngại mua sản phẩm vệ sinh phụ nữ cho con gái của mình. Bởi, một khi chủ đề cơ thể - giới tính - tình dục chỉ nhận về những cái cười trừ hay cái lắc đầu thì bao nhiêu vấn đề đi cùng với nó sẽ không bao giờ được giải quyết triệt để. Bởi, đối với mỗi cá nhân hay tổ chức, dù bạn là ai, đang ở trên cương vị nào, đã-đang-và-sẽ làm gì thì hãy nhớ một điều rằng: môi trường mà bạn đang tạo dựng hay phá hủy sau cùng cũng chính là nơi con cái của bạn sẽ tồn tại và hơn thế nữa.

Nhà Nhiều Cột là chiến dịch được khởi xướng và thực hiện bởi CARE Quốc tế tại Việt Nam và TUVA Communication, với nguồn tài trợ từ Investing in Women - một sáng kiến của chính phủ Australia, hướng đến mục tiêu xóa bỏ định kiến giới. Nếu quan tâm, bạn có thể theo dõi thêm các nội dung thú vị từ Nhà Nhiều Cột tại fanpage https://www.facebook.com/NhaNhieuCot/

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại