Ra đi vì tình yêu
Năm 2005, tốt nghiệp đại học kiến trúc Hà Nội chuyên ngành kỹ sư xây dựng, Phạm Vũ Lâm sôi sục tìm mọi cách lên đường sang Úc theo tiếng gọi của tình yêu. Bạn gái Lâm đang du học tại nước Úc xa xôi, theo ngành kiến trúc.
Vốn là dân chuyên tiếng Pháp, từng học trường chuyên Nguyễn Huệ, Hà Đông, Lâm lao vào học tiếng Anh quyết chí kiếm học bổng sang Úc để được gần người yêu. Và thế là cuối năm 2006 đầu 2007, Lâm xách vali lên đường với một học bổng nho nhỏ học tiếng Anh tại Úc, trong túi chỉ có vẻn vẹn 500 đô la Úc phòng thân.
Sang đến nơi, Lâm nộp tiền thuê nhà hết 350 đô, còn lại 150 đô đưa nốt cho cô bạn gái sắm đồ dùng học tập cho kỳ làm luận văn tốt nghiệp đang cận kề.Trong tay không có một đồng xu, Lâm lao ra đường kiếm việc.
“Cả mấy tuần sau đó, anh ấy biến mất từ sáng sớm tới đêm khuya mới về. Hỏi ra mới biết anh đi rửa bát thuê để kiếm tiền ăn học”, Chi, cô bạn gái thời đó và bây giờ là vợ Lâm xúc động kể lại.
Phạm Vũ Lâm (hàng thứ 2 ngoài cùng bên phải) chụp ảnh lưu niệm cùng Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhân chuyến thăm của bà tới Australia hồi 12/2017.
Quyết tâm lập nghiệp nơi xứ người, thời gian đầu vừa học vừa làm, Lâm đi rửa bát thuê với giá 9 đô Úc mỗi giờ.
Sau đó chừng vài tháng, anh may mắn kiếm được một công việc đúng với nghề nghiệp kỹ sư xây dựng từng học tại Việt Nam, đó là tính toán kết cấu vẽ bản vẽ thi công cho một công ty chuyên về thiết kế xây dựng của Úc có trụ sở ở Sydney với giá 20 đô Úc một giờ.
Chăm chỉ lại sáng dạ, chàng kỹ sư xây dựng đến từ Việt Nam luôn hoàn thành xuất sắc mọi bản vẽ được giao, được đồng nghiệp và cả ông chủ người Úc rất nể trọng.
Làm một việc chưa đủ tiền cho mình và “bao” cả người yêu ăn học, Lâm thỏa thuận với ông chủ khối lượng công việc trong một tuần anh sẽ hoàn thành trong 3 ngày để giữ nguyên lương, những ngày còn lại anh lại lao vào bếp làm thuê cho người Việt, đủ việc từ rửa bát tới làm bún phở… để kiếm thêm.
Một ngày làm việc của Lâm bắt đầu từ 6h sáng và kết thúc vào lúc 12h đêm nơi xứ người.
Khởi nghiệp bằng đam mê
Một câu hỏi lóe lên trong đầu, tại sao mình không tự kiếm việc rồi chuyển về cho bạn bè ở Việt Nam làm (outsourcing)?
Suốt 3 năm âm thầm đi làm thuê để tích lũy kinh nghiệm, đi học tại một ĐH danh tiếng của Úc để trang bị thêm cho mình tấm bằng thạc sĩ về xây dựng, năm 2010 Lâm quyết định mở công ty L&C Building Design tại Sydney giữa lúc đang là sinh viên với visa du học.
Với thủ tục nhanh chóng và thuận tiện ở Úc, chỉ sau 1 tuần anh có trong tay mã số thuế và đầy đủ giấy phép liên quan.
Ban đầu, Lâm kể, anh chỉ cộng tác với một người bạn cũng là kỹ sư xây dựng ở Việt Nam để chuyển công việc thiết kế từ Úc về.
Dịch vụ tốt, giá cả hợp lý, nhiều công trình anh tâm huyết và say mê thực sự nhưng chỉ lấy công làm lãi, dần dà uy tín công ty mỗi ngày một tăng, nhiều chủ đầu tư các công trình lớn ở Úc tìm tới anh để đặt hàng.
Gia đình hạnh phúc của Phạm Vũ Lâm.
Để có được giấy phép xây dựng một công trình tại Úc không hề đơn giản, quá trình này thường phải mất 1 năm kể từ ngày đệ đơn, thường chính quyền cấp quận sẽ là nơi cấp phép.
Dù đất rộng, người thưa, song nước Úc có quy hoạch xây dựng tới từng thửa đất đối với đất được phép xây dựng. Lâm kể, làm thiết kế kiến trúc và xây dựng, anh phải nắm chắc quy hoạch và tuân thủ một cách tuyệt đối, từ chiều cao công trình tới diện tích được phép xây dựng.
Một công trình đang xây dựng tại Sydney do Cty L&C Building Design thiết kế.
Kể đến đây, tôi tò mò hỏi Lâm, hành nghề xây dựng bên đó, liệu đã lần nào anh chứng kiến việc “đi đêm” chồng lấn thêm tầng hay “cắt ngọn” tòa nhà như thường thấy ở ta không ? Lâm cười và khẳng định “không bao giờ có chuyện đó!”.
Bởi tại xứ sở chuột túi, từ lâu đã hình thành nên một cơ chế khiến không ai dám làm sai.Việc giám sát sự tuân thủ giấy phép xây dựng trong quá trình thi công và cấp chứng nhận được phép sử dụng sau khi hoàn thành(occupation certificate), chính quyền thường ủy quyền cho các công ty tư nhân chuyên nghiệp thực hiện.
Các công ty này làm sai sẽ bị mất việc ngay lập tức. Ngoài ra, một bên thứ ba có sức mạnh vô hình khiến không bên nào dám làm sai, đó là các hãng bảo hiểm.
Luật của Úc quy định, bất cứ cái gì hoạt động có cấp phép đều phải mua bảo hiểm.Và một khi công ty nào có “phốt”, làm sai làm ẩu, lần sau sẽ rất khó mua bảo hiểm bởi sẽ bị hầu hết các hãng từ chối bán. Không mua được bảo hiểm, không hành nghề được, khác nào tự giải nghệ?
Cách mạng 4.0, thời của kết nối và chia sẻ
Tôi chợt nhớ có chuyên gia đã tổng kết rằng, đặc trưng của thời Cách mạng công nghiệp 4.0 là “kết nối và chia sẻ”. Đúng như vậy, một kỹ sư xây dựng thế hệ 8X sang Úc định cư, không những tạo công ăn việc làm cho người Úc ở Sydney mà còn tạo cả việc làm cho cả người Việt ở Hà Nội.
Sản phẩm của Phạm Vũ Lâm có trọng lượng bằng zero, được đóng gói và chuyển qua email miễn phí, ngay tắp lự giữa Sydney và Hà Nội, dù cách xa cả vạn dặm nhưng thời gian vận chuyển lại bằng không.
Khâu lên ý tưởng, thiết kế kiến trúc, giao dịch khách hàng, xin giấy phép xây dựng của chính quyền sở tại đều do công ty bên Sydney đảm trách, còn lại toàn bộ hậu trường như bản vẽ thiết kế, kỹ thuật, tính toán kết cấu đều do các kỹ sư ngồi tại Hà Nội đảm nhiệm.
Người Việt mình xa xứ, phần đông vẫn chỉ làm được những nghề giản đơn truyền thống, như buôn bán nhỏ, mở tiệm ăn hay làm nail…
Tôi cũng chỉ thấy người Việt mình làm gia công (outsourcing) cho người nước ngoài là nhiều, chứ người Việt làm gia công cho chính người Việt xuyên lục địa như thế này xem ra vẫn còn hiếm.
Ước mong sao, cái thứ sản phẩm không trọng lượng, không thời gian vận chuyển tương tự như những bản thiết kế kia, xuất khẩu từ nước Nam ta mỗi ngày một nhiều.
"Làm thuê một thời gian chợt nhận ra, các bạn bè và đồng nghiệp của mình ở Việt Nam không hề thua kém gì các kỹ sư xây dựng người Úc. Có khác chăng chỉ là trình độ tổ chức công việc và môi trường làm việc mà thôi".
Phạm vũ Lâm
Đến nay, ngoài công ty tại Úc, Lâm có thêm một công ty ở Việt Nam với 20 nhân viên chuyên thiết kế các công trình xây dựng từ bên Úc gửi về.