Kỹ sư thiết kế vi mạch Việt Nam vươn tầm quốc tế

Ban Thời sự |

VTV.vn - Quá trình làm việc tại các tập đoàn đa quốc gia giúp các kỹ sư Việt Nam có nhiều cơ hội thử sức, khẳng định tài năng và bản lĩnh.

Thời gian gần đây, ngày càng nhiều các tập đoàn vi mạch lớn trên thế giới đầu tư vào Việt Nam, trong đó có những tập đoàn hàng đầu của Hoa Kỳ là Intel và Synopsys hay gần đây nhất là tập đoàn Amkor của Hàn Quốc. Quá trình làm việc tại các tập đoàn đa quốc gia này giúp các kỹ sư Việt Nam có nhiều cơ hội thử sức, khẳng định tài năng và bản lĩnh khi tham gia vào các dự án vi mạch tiên tiến nhất của thế giới.

Tại sự kiện Intel Innovation diễn ra vào tháng 9 vừa qua tại Mỹ, CEO của Intel đã gây ấn tượng mạnh khi trình làng mẫu chip 3 nm đầu tiên sử dụng công nghệ kết nối đa khuôn.

Kỹ sư thiết kế vi mạch Việt Nam vươn tầm quốc tế - Ảnh 1.

CEO Intel Pat Gelsinger ra mắt mẫu chip thử nghiệm tại sự kiện Intel Innovation (Nguồn: Intel)

Nếu như trước đây, mỗi chip chỉ có một khuôn silicon, ví như một bộ não, thực hiện các chức năng như tính toán thì công nghệ này cho phép hàng chục khuôn kết nối với nhau trong cùng một con chip. Điều này giúp tăng khả năng và tốc độ của chip lên tới hàng chục lần. Đội ngũ chính tham gia thiết kế và kiểm thử công nghệ này là 150 kỹ sư Việt Nam, hiện làm việc cho tập đoàn Synopsys của Hoa Kỳ.

Ông Nguyễn Bảo Anh - Giám đốc kỹ thuật, Trưởng văn phòng tại Đà Nẵng, Công ty Synopsys (Hoa Kỳ) tại Việt Nam - cho rằng: "Công nghệ này là một công nghệ tối quan trọng trong dự án thiết kế chip, tạo ra một độ phức tạp cũng như tốc độ xử lý, không gian xử lý lớn hơn rất nhiều so với chip truyền thống. Sản phẩm của chúng tôi đưa ra thị trường sớm hơn so với các đối thủ, đều rất là mạnh có đội ngũ hùng hậu trên thế giới. Điều này chứng tỏ là năng lực kỹ sư Việt Nam hoàn toàn không thua kém so với thế giới".

Hiện tại, 75% chip bán dẫn trên thế giới vẫn đang là loại chip kích cỡ 28 nm hoặc to hơn. Chip càng nhỏ thì càng tinh vi và khó thiết kế. Tại văn phòng Hà Nội của công ty Hàn Quốc CoAsia Semi, đội ngũ kỹ sư người Việt đã tham gia vào quy trình thiết kế những con chip sử dụng công nghệ tiên tiến, kích cỡ dưới 10 nm. Các con chip này được dùng cho những tính toán phức tạp, đòi hỏi độ tin cậy cao.

Kỹ sư thiết kế vi mạch Việt Nam vươn tầm quốc tế - Ảnh 2.

Chip có kích thước càng nhỏ thì càng tinh vi và khó thiết kế

Anh Bùi Đức Hòa - Kỹ sư thiết kế và kiểm thử vi mạch tại Công ty CoAsia Semi (Hàn Quốc) tại Việt Nam - cho biết: "Mình cùng team tham gia một dự án cho một khách hàng châu Âu về chip 5 nm cho camera. Nhóm mình tham gia thiết kế và kiểm thử cho con chip đấy, dự án kéo dài 1 năm".

Các kỹ sư như Đức Hòa hay Bảo Anh đều có chung nền tảng tốt nghiệp khối ngành kỹ thuật trong nước và được đào tạo chuyên sâu về thiết kế chip trong quá trình làm việc tại doanh nghiệp nước ngoài.

Ông Nguyễn Thanh Yên - Giám đốc kỹ thuật Công ty CoAsia Semi (Hàn Quốc) tại Việt Nam - cho rằng: "Trước năm 2023, các trường Đại học Việt Nam chưa có một chương trình chuyên sâu đào tạo về thiết kế chip. Các bạn cơ bản học về kỹ thuật điện, điện tử, kỹ thuật máy tính rồi vật lý kỹ thuật. Công ty đã quyết định ngay từ đầu là sẽ tuyển dụng các bạn sinh viên, sau đó đào tạo lên".

"Lực lượng kỹ sư có kinh nghiệm của Việt Nam cũng không được nhiều nên để phát triển lực lượng lâu dài thì vẫn là lực lượng sinh viên. Các bạn được tuyển dụng, đào tạo trong vòng từ 3 tháng đến 6 tháng. Sau khi kết thúc quá trình thực tập các bạn được tuyển vào luôn" - ông Nguyễn Bảo Anh chia sẻ.

Trong năm nay, nhiều trường Đại học bắt đầu mở các chương trình đào tạo lĩnh vực vi mạch bán dẫn như trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học FPT, Trường đại học Công nghệ thông tin (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh). Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu 50.000 nhân lực cho ngành vi mạch bán dẫn Việt Nam trong 10 năm tới, rất cần các chính sách thu hút sự 'vào cuộc' của các doanh nghiệp.

Ông Robert Li - Phó Chủ tịch Công ty Synopsys (Hoa Kỳ) khu vực Đài Loan (Trung Quốc) và Nam Á - khẳng định: "Kỹ sư Việt sở hữu các phẩm chất rất đặc trưng của người làm kỹ thuật như xông xáo, ham học hỏi và làm việc chăm chỉ. Vì vậy, chúng tôi rất sẵn lòng tiếp tục phát triển đội ngũ phát huy hết tiềm năng. Và tôi chắc rằng, hơn 40 công ty còn lại, trong số đó tôi đã gặp một vài nhà lãnh đạo như Renesas, Marvell, Ampere, đều rất mong muốn mở rộng hoạt động tại Việt Nam".

Việt Nam hiện có hơn 50 doanh nghiệp FDI hoạt động trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn. Các chuyên gia nhận định, nâng cao đồng đều cả chất và lượng của đội ngũ kỹ sư trong nước sẽ là chìa khóa giúp Việt Nam tiếp tục thu hút các "ông lớn" của thế giới về vi mạch bán dẫn. Điều này cũng sẽ góp phần thực hiện yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ về chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao cho những ngành, lĩnh vực mới nổi, trong đó đào tạo 50 - 100.000 nhân lực cho ngành sản xuất chip bán dẫn, trong giai đoạn từ năm 2025 đến năm 2030.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại