Kỹ sư 9x bỏ việc lương cao, ôm khoản nợ trăm triệu về quê làm lại từ đầu với cây dó bầu

Ngân Hà |

"Ngày tôi quyết định trở về, đâu đó vẫn còn những câu nói của người thân: Sao không ngồi văn phòng, có máy lạnh cho khỏe mà lăn lộn cực khổ; Việc nhẹ lương cao, cớ gì bỏ đi..."

"Cây cao bóng mát không ngồi - Đi ra chỗ nắng trách trời không râm"

Đó là những lời mà Ngô Tấn Quyền, chàng trai trẻ quê Quảng Nam thường nghe bạn bè, người thân "bóng gió" suốt một thời gian sau khi anh quyết định bỏ việc công ty, về quê để "làm lại từ đầu".

Tốt nghiệp trường Đại học Bách Khoa - Đại học Đà Nẵng, Tấn Quyền trở thành kỹ sư của một nhà máy lớn ở Quảng Nam, thu nhập tốt, ổn định giúp anh chàng sống nhàn nhã, nhưng Quyền lại luôn cảm thấy mình đang "sống mòn".

"Tôi từng có những thời điểm mỗi sáng rất sợ đi làm, bước tới công ty mà lòng nặng trĩu. Mỗi ngày cứ đến 3 giờ chiều không thấy đăng ký tăng ca là sếp bảo: "Sao em không tăng mà mà về quê hoài vậy?" (Về hoài là 2 lần/tuần, còn lại hôm nào cũng tăng ca)

Nhìn anh em đồng nghiệp xung quanh, mình bỗng thấy hoang mang, sợ một ngày cũng quen với sự nhàm chán, lặp đi lặp lại như họ, rồi chai sạn cảm xúc lúc nào không hay và không dám bước ra khỏi vùng an toàn nữa" - 9x Quảng Nam nhớ lại.

Kỹ sư 9x bỏ việc lương cao, ôm khoản nợ trăm triệu về quê làm lại từ đầu với cây dó bầu - Ảnh 1.

Từng gắn bó với công việc kỹ sư, thu nhập tốt, nhưng 9x Quảng Nam luôn cảm thấy mình đang "sống mòn".

Năm ấy 24 tuổi, Ngô Tấn Quyền quyết định bỏ nghề kỹ sư với thu nhập nhiều người ao ước, khiến gia đình, bạn bè không khỏi bất ngờ, tiếc nuối thay cho anh. Nghỉ việc, Tấn Quyền hào hứng bắt tay vào làm lại từ đầu. Anh tin rằng với ý chí, khát vọng "dám nghĩ dám làm", thành công rồi sẽ đến.

Quyền bắt đầu miệt mài học thiết kế công trình sân thượng theo phương pháp thủy canh. Khi thấy kiến thức đã vững, anh và hai người bạn hùn vốn khởi nghiệp. Anh tin vườn sân thượng sẽ là xu hướng mới ở các đô thị như Quảng Nam, Đà Nẵng.

Bốn tháng từ khi mở cửa hàng, miền Trung liên tục mưa tầm tã. Công trình nhận được chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hai người bạn của anh chán nản, rút vốn, một mình Quyền phải gồng gánh chi phí vận hành công ty, trả tiền mặt bằng 7 triệu/tháng.

Biết không thể cầm cự một mình, anh trả mặt bằng. Thất bại khi kinh doanh mô hình vườn sân thượng trồng rau sạch, Quyền không bỏ cuộc mà tiếp tục thử sức bán sâm Ngọc Linh, nấm lim xanh, mật ong rừng…

Mỗi công việc đều có những khó khăn riêng, Quyền "vỡ mộng" và nhận ra rằng, ý chí, quyết tâm thôi là không đủ.

Việc thiếu kiến thức, kinh nghiệm, cộng với điều kiện khí hậu miền Trung hai mùa nắng rát và mưa bão khắc nghiệt, đã khiến anh phải bỏ dở giữa chừng nhiều mô hình kinh doanh khác nhau.

Rồi dịch bệnh Covid-19 ập đến, Quyền lúc này muốn ra Hà Nội hay Nam tiến làm việc cũng bị chặn mọi cánh cửa.

Kỹ sư 9x bỏ việc lương cao, ôm khoản nợ trăm triệu về quê làm lại từ đầu với cây dó bầu - Ảnh 2.

Chàng trai trẻ từng nhiều lần hoài nghi về quyết định của mình

Chàng trai trẻ không khỏi hoang mang, hoài nghi về lựa chọn của mình, liệu rằng những lời nhận xét, góp ý của mọi người có chính xác hay không?

"Lúc ấy nhìn về phía trước thấy mơ hồ, chọn dừng lại thì thừa nhận thất bại. Suốt mấy năm khởi nghiệp, tôi không hề mua sắm cái áo, cái quần hay bất kỳ món đồ nào cho bản thân. Thậm chí còn đi vay lãi để có tiền giúp gia đình, tôi ôm khoản nợ 150 triệu đồng với tâm trạng bế tắc" - Tấn Quyền tâm sự.

Khởi nghiệp từ chính loài cây đặc trưng của quê hương

Đang đứng ở lưng chừng, chông chênh sau nhiều thất bại cùng khoản nợ trăm triệu, một lần tình cờ, thông qua người bạn, Quyền bén duyên với trầm hương (dó bầu).

Xứ Quảng quê anh vốn là xứ trầm với những cánh rừng dó bầu bạt ngàn. Tuy vậy, sản lượng trầm tiêu thụ lại không được cao như những nơi khác, một phần vì sự quảng bá thương hiệu chưa được đầu tư đúng mức.

Tấn Quyền từng bị lừa khi bắt đầu khởi nghiệp với trầm hương

"Huyện Tiên Phước, cách nhà tôi khoảng 40 km, được ví như xứ sở trầm hương bởi có hàng nghìn hộ trồng cây dó bầu, loại cây có thể sinh ra trầm, có mùi thơm tự nhiên.

Người dân trong vùng dùng trầm hương làm nhang, làm các sản phẩm như vòng đeo tay, trầm cảnh... Nhận thấy trầm hương là mặt hàng tiềm năng, nguồn nguyên liệu tại chỗ dồi dào, tôi một mình chạy xe đi Tiên Phước tìm hiểu.

Không có vốn nên sau khi đi qua ba cơ sở, tôi chọn mua nguyên liệu nơi có giá rẻ nhất. Mang 5 kg phôi trầm hương giá 2 triệu đồng về nhờ thợ chế tác nhưng khi cầm sản phẩm hoàn thiện trên tay, ngửi vừa hắc vừa khó chịu, tôi biết mình đã chọn sai" - 9x Quảng Nam ngậm ngùi nhớ lại.

Quả thực, hành trình khởi nghiệp luôn đầy chông gai, trái đắng, chẳng hề nhàn hạ như khi đi làm công ăn lương. Vạn sự khởi đầu nan, Tấn Quyền đã được tôi luyện qua nhiều thử thách, quen nếm mùi thất bại nên giờ đây, chàng trai trẻ trở nên kiên định, cần mẫn vô cùng.

Đang lúc không biết chọn đâu cơ sở sản xuất trầm hương uy tín để hợp tác, Quyền được giới thiệu đến anh Lê Minh Quốc, 32 tuổi.

Tuy cơ sở nhỏ, nhưng giá bán ra đắt gấp đôi cơ sở đầu tiên Quyền đến tìm hiểu. "Sản phẩm tự nhiên nên mùi hương cũng khác. Nghe cách anh chia sẻ chân thành, cảm giác tin tưởng được nên tôi muốn hợp tác.

Tôi thú thật với anh Quốc là mình đang "bể nợ", đề nghị lấy hàng bán, khi thu hồi vốn sẽ trả sau. Không ngờ anh Quốc đồng ý."

Quyền lấy hàng từ cơ sở của anh Quốc rồi rao bán hàng trên mạng xã hội. Bạn bè, người quen mua ủng hộ khá nhiều, nhận thấy tiềm năng của sản phẩm, Quyền tự tin nhập bán thêm.

Với khát vọng mang trầm hương quê mình vươn tới khắp mọi miền đất nước, Quyền cùng anh Quốc bắt tay đầu tư xây dựng thương hiệu trầm hương tự nhiên của riêng mình.

"Vạn sự khởi đầu là muôn ngàn thử thách, có những lúc tôi hoài nghi về con đường mình đã lựa chọn.

Tuy thế, tôi vẫn muốn đi tới cuối cùng để mai này khỏi hối hận. Thật may mắn là tình hình kinh doanh khởi sắc hơn rất nhiều, mình làm vòng trầm, nhanh trầm, đồ lưu niệm và nhiều sản phẩm khác nữa.

Cơ sở trầm hương dần khẳng định được thương hiệu và được khách hàng khắp cả nước tìm mua."

Về quê, từ hai bàn tay trắng làm nên... khoản nợ, sau đó lại tiếp tục đứng lên và bước đi, vượt qua những lời nhận xét, trách mắng, thậm chí tiếc nuối, Tấn Quyền thừa nhận đôi lúc anh cảm thấy cô đơn, hoang mang, đó là điều những người trẻ phải đối diện khi chọn khởi nghiệp.

Nhưng đại dịch ập đến khiến anh nhận ra nhiều giá trị, bài học: "Hạnh phúc với mình bây giờ là được hít thở, được khỏe mạnh, được làm việc, được gần cha mẹ.

Mình biết cơm áo gạo tiền không cho phép chúng ta có quá nhiều lựa chọn, sống ở đâu cũng được miễn là tâm hồn mình được bình an.

Về quê phát triển sản phẩm truyền thống, đem lại công ăn việc làm cho bản thân và anh em, bạn bè, xóm giềng, mình thấy hạnh phúc vô cùng. Cảm giác đã cống hiến sức trẻ, làm một điều ý nghĩa cho bản thân và cho cuộc đời này".

Ảnh: NVCC

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại