Phần 1: Kỳ quan độc đáo bậc nhất của Việt Nam: Hang động đủ lớn để "nuốt trọn" cả chiếc Boeing 747
David W. Lloyd là một cây viết và nhiếp ảnh gia đã dành nhiều thời gian sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Trong bài viết được đăng tải bởi New York Times, ông đã chia sẻ những trải nghiệm "có một không hai" về chuyến đi tới hang Én của Việt Nam. Dưới đây là phần thứ 3 của bài viết:
Hang Én hiện ra trước mắt
Khi tất cả đã bớt mệt và khát, chúng tôi tiếp tục chuyến đi bộ đường dài dễ chịu hơn, bắt đầu xuyên qua khu rừng rậm theo khúc quanh của sông Rào Thương về phía Hang Én. Bầy bướm bay lượn dọc theo con đường trước mặt chúng tôi và lượn lờ trên mặt nước. Khu vực này được thiên nhiên ưu đãi với vô số loài động thực vật, cả trong và ngoài hang động. Tôi được biết rằng có nhiều loài thú lớn vẫn hay lang thang trong khu rừng.
Trên trời, thỉnh thoảng lại có cáo bay (một loài dơi lớn) lướt qua, bay về phía hoàng hôn. Voọc Hà Tĩnh, một loài linh trưởng quý hiếm, cũng đôi lúc xuất hiện. Chúng chỉ được tìm thấy ở đây và trong khu rừng lân cận của Lào, hiếm khi lọt vào tầm mắt khách du lịch. Nhưng các hướng dẫn viên, với con mắt sành sỏi về động vật hoang dã, cho biết họ thường xuyên nhìn thấy chúng.
Ảnh: David W. Lloyd/The New York Times
Sau một giờ đồng hồ, chúng tôi ra khỏi rừng và tới được bản Bản Đoòng, nơi những ngôi nhà sàn nằm xen kẽ với những thửa ruộng trồng rau quả và được bao quanh bởi những ngọn đồi cao vút trải thảm cây xanh dày. Bản Đoòng khá khó tiếp cận vì cách duy nhất để đến được khu vực này là đi bộ. Đây là nơi sinh sống của khoảng 40 người dân tộc thiểu số Bru-Vân Kiều.
Chúng tôi tiếp tục càng tiếp tục đi, thung lũng lại mở rộng hơn - những ngọn đồi màu xanh lá, hùng vĩ hiện lên xung quanh chúng tôi. Vài km sau, một trong những vòm đá hùng vĩ của hang Én đã xuất hiện trong tầm mắt.
Với độ cao hơn 120m, hang đá này lớn đến mức gần như có thể chứa được Tượng Nữ thần Tự do. Sau khi đã ngắm mãn nhãn, chúng tôi hối hả quay trở lại trại. Những chiếc lều màu cam rực rỡ giờ đang được chiếu sáng bằng đèn khi hoàng hôn buông xuống bên ngoài. Chúng tôi trút bỏ bộ quần áo ướt sũng và ngâm mình trong làn nước ấm của hồ bơi màu ngọc lam khi những đội hỗ trợ chuẩn bị bữa tối.
Những suy nghĩ ngổn ngang
Tắm rửa sạch sẽ, chúng tôi ngồi xuống chiếu và bày biện những xiên thịt lợn nướng chín mềm, thịt bò áp chảo và các đặc sản địa phương khác. Trước khi ăn, mọi người rót đầy ly và nâng ly chúc mừng. Rượu gạo địa phương đã từng được ông Limbert mô tả là "mối nguy hiểm lớn nhất" đối với những người muốn chinh phục hang động, vì đội hỗ trợ vui tính rất giỏi trong việc thuyết phục đối phương "uống thêm 1 chén nữa".
Ảnh: David W. Lloyd/The New York Times
Sau khi đã no nê, chúng tôi quay trở về lều nghỉ ngơi. Sáng hôm sau, sau bữa sáng gồm mì, chả giò và trứng rán, chúng tôi đi ra khỏi hang theo đường cũ và băng qua bãi cỏ dài để trở lại Bản Đoòng. Người trưởng đoàn đã về đến nhà, đem theo một chai mật ong rừng 1,5 lít.
Chiều tối hôm đó, khi trở lại Phong Nha, tôi và những người bạn đồng hành cùng nhau ngẫm nghĩ về chuyến hành trình 2 ngày qua tại một quán ăn ven đường có tên là "Tiệm thịt lợn nướng ngon nhất thế giới... có lẽ thế".
Chúng tôi coi bữa này là món thịt ngon thứ 2 thế giới, xếp sau những xiên thịt lợn được chuẩn bị bên cạnh lửa trại đêm trước ở hang Én. Trong bữa tối, tất cả chúng tôi đều dành nhiều lời khen về chuyến đi bộ tới hang động. Mọi người cho rằng chuyến đi này còn mang lại trải nghiệm hơn hẳn nhiều địa điểm du lịch khác trên thế giới.
Khi thưởng thức món thịt lợn đậm đà này, tôi không thể không nghĩ tới việc sức hấp dẫn của những hang động lớn sẽ làm bùng nổ nhu cầu du lịch ở vùng này của Việt Nam. Gia đình Limbert cũng nghĩ như vậy, và đó là lý do tại sao, cùng với các công ty du lịch, họ đang phát triển các khu vực hang động khác để đảm bảo rằng không có hang động nào bị quá tải khách du lịch.
Các hang động Hang Én và Sơn Đoòng nằm trong Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, một di sản thiên nhiên được Unesco công nhận. Chính vì điều này, khu vực cần nhận được biện pháp bảo vệ xứng đáng.