Kỷ niệm đẹp về cuộc gặp ông Abe trên tàu

Thu Loan |

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, Đại sứ Nguyễn Phú Bình, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, kể rằng, trong một lần đi công tác bằng tàu cao tốc Shinkansen năm 2010, ông vô tình gặp vợ chồng ông Abe Shinzo ngồi cùng nhau, bình dị như dân thường.

Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo (giữa, hàng trước) chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị Cấp cao APEC năm 2006 ở Hà Nội. Ảnh: Reuters

Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo (giữa, hàng trước) chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị Cấp cao APEC năm 2006 ở Hà Nội. Ảnh: Reuters

Đại sứ Nguyễn Phú Bình kể, khi nghe tin cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo qua đời hôm 8/7 vì bị ám sát, ông cảm thấy bàng hoàng. Ông nhớ lại những kỷ niệm sâu đậm với nhà lãnh đạo đã có công lớn trong nâng tầm quan hệ Việt Nam - Nhật Bản.

Ông Abe có hai giai đoạn nắm quyền. Từ năm 2006-2007, Thủ tướng Abe khi đó vừa nhậm chức đã đón Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Nhật Bản. Sau 1 tháng, ông Abe thăm Việt Nam nhân dịp dự Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) vào tháng 11/2006. Trong chuyến thăm quan trọng đó, Việt Nam và Nhật Bản ký Tuyên bố chung Hướng tới quan hệ Đối tác chiến lược. Đó là lần đầu tiên hai bên đề cập khuôn khổ quan hệ ở cấp độ mới. Cũng trong lần ấy, ông Abe cam kết ủng hộ 3 dự án mà Việt Nam đề nghị, gồm đường bộ cao tốc Bắc-Nam, đường sắt cao tốc Bắc-Nam và Khu công nghệ cao Hoà Lạc.

Sau đó, Thủ tướng Abe từ chức vì lý do sức khoẻ. Trong một thời gian dài, từ năm 2007-2012, Nhật Bản trải qua thời kỳ không ổn định về chính trị, khi mỗi chính phủ chỉ tồn tại trung bình 1 năm. Đến năm 2012, ông Abe quay lại chính trường và trúng cử. Từ đó đến khi từ chức vào năm 2020, ông Abe có công ổn định tình hình chính trị Nhật Bản, khắc phục tình trạng trì trệ bằng chính sách kinh tế Abenomics.

Đại sứ Nguyễn Phú Bình cho biết, có 2 sự kiện đối ngoại thể hiện sự coi trọng của Nhật Bản đối với Việt Nam. Khi Nhật Bản đăng cai thượng đỉnh G7 năm 2016, ông Abe mời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi đó sang dự. Năm 2019, khi chủ trì thượng đỉnh G20, ông Abe cũng mời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi đó tham gia. "Hai lần ta được mời dự hội nghị của các nền kinh tế hàng đầu thế giới đều do chính phủ của Thủ tướng Abe mời. Ông Abe đánh giá cao vai trò của Việt Nam, sự đi lên và phát triển của Việt Nam, cũng như tạo cơ hội để Việt Nam có vai trò nổi bật trong các diễn đàn kinh tế thế giới", ông Bình nói.

Ấn tượng không thể quên

Có lần trên tàu Shinkansen đi công tác hồi năm 2010, ông Bình gặp ông Abe và phu nhân ngồi trên tàu cùng nhau (khi đó, ông Abe là nghị sĩ, đã từ chức). "Trông ông bà rất bình dị, dù cũng có một số người tháp tùng. Khi đó, tôi tranh thủ hỏi thăm ông, kể lại chuyện năm 2006 được dự cuộc hội đàm và chứng kiến sự quan tâm của ông ấy đối với Việt Nam, và bày tỏ mong muốn ông ấy trở lại Việt Nam, vì Việt Nam vẫn còn giữ những tình cảm tốt đẹp về ông", vị đại sứ kể.

Ông Bình cho biết nghị sĩ Abe khi đó nói chắc chắn sẽ quay lại Việt Nam. "Tôi không nghĩ sau lời hứa đó, ông ấy còn thăm Việt Nam 3 lần nữa, trong thời gian ông ấy cầm quyền từ năm 2012-2020. Điều đó cho thấy tình cảm rất lớn của ông ấy dành cho Việt Nam, chứ không phải chỉ lời hứa xã giao", ông Bình chia sẻ.

Khi nghe tin ông Abe qua đời sau một vụ tấn công, ông Bình cho biết ông rất "bàng hoàng", vì vụ việc xảy ra ở một đất nước vốn rất yên bình. "Tôi hy vọng đây chỉ là một sự việc đơn lẻ, không phải hiện tượng gì đáng ngại đối với sự ổn định của Nhật Bản", vị Đại sứ nói. Ông nói rằng đây là tổn thất lớn với Việt Nam khi mất đi một người bạn chí cốt. "Sang năm, hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Rất tiếc ông ấy ra đi sớm, chưa kịp tham gia vào lễ kỷ niệm cho giai đoạn mà ông ấy đã có những đóng góp rất to lớn", ông Bình nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại