Ngày 19/02/2009 là ngày đặc biệt của Viettel Cambodia khi lần đầu tiên, 25/25 Tỉnh, Thành phố trên toàn đất nước Campuchia đồng loạt khai trương kinh doanh dịch vụ di động Metfone – thương hiệu di động của Viettel tại xứ Chùa Vàng.
Và ngày 19/02/2019, tại Lễ kỷ niệm 10 năm kinh doanh viễn thông, Phó Thủ tướng Campuchia, ông Tea Bank đã trao tặng Metfone huân chương lao động hạng Nhất của nhà nước, như một bằng chứng cho việc Metfone đã thực hiện xuất sắc sứ mệnh của mình.
Phó Thủ tướng Campuchia trao tặng Metfone huân chương lao động hạng Nhất
Sứ mệnh mới của Metfone: Tiên phong xây dựng kinh tế số và xã hội số tại Campuchia
Viettel Cambodia với mạng di động Metfone là công ty đầu tiên đánh dấu sự vươn ra thế giới của Tập đoàn Viettel. Đó cũng là biểu tượng của tình hữu nghị giữa Việt Nam và Campuchia.
"Met" trong tiếng Khmer là Bạn và Metfone có nghĩa là Mạng viễn thông của những người bạn. Mạng di động này ra đời với sứ mạng góp phần xây dựng đất nước Campuchia phồn vinh.
Sau 10 năm tạo ra sự thay đổi vượt bậc trong thị trường viễn thông Campuchia, Viettel đang làm một cú bứt phá mới.
Ông Lê Đăng Dũng - Chủ tịch Tập đoàn Viettel khẳng định, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang bùng nổ mạnh mẽ trên khắp thế giới và tác động đến tất cả các quốc gia, mang đến cơ hội để các nước như Việt Nam và Campuchia xuất phát ngang hàng với các nước tiên tiến trên thế giới trong cuộc đua số.
Cách mạng công nghiệp 4.0 dựa chủ yếu trên nền tảng viễn thông và công nghệ thông tin. Vì vậy, vai trò của Metfone là tiên phong trong công cuộc xây dựng kinh tế số và xã hội số tại Campuchia.
Viettel cam kết tiếp tục hiện đại hoá Metfone bằng những công nghệ tiên tiến nhất như 5G, Trí tuệ nhân tạo AI, Thực tế ảo VR, Big data,... để Metfone hoàn thành sứ mệnh mới của mình.
Ông Lê Đăng Dũng - Chủ tịch Tập đoàn Viettel
"Để xây dựng nền kinh tế số, rất nhiều những dịch vụ mới sẽ ra đời như: Ngân hàng số, nội dung số, các dự án Chính phủ điện tử,... các dịch vụ này đòi hỏi một hành lang pháp lý mới.
Chúng tôi rất mong Chính phủ ủng hộ, xây dựng hành lang pháp lý và cấp phép cung cấp dịch vụ mới cho Metfone" – ông Lê Đăng Dũng nhấn mạnh – "Sứ mạng đã rõ ràng, nguồn lực đã đầy đủ, chúng ta đều tin tưởng Metfone sẽ phát triển mạnh mẽ, sẽ mãi mãi là biểu tượng hữu nghị của hai dân tộc".
Phó Thủ tướng Campuchia Tea Bank phát biểu: "Tôi xin bày tỏ sự ủng hộ và biểu dương CBNV Metfone đã phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, góp phần hoàn thành chiến lược "Tứ giác phát triển" giai đoạn 4 của Chính phủ Campuchia về lĩnh vực viễn thông, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch về thương mại giữa Việt Nam và Campuchia lên 5 tỷ USD trong năm 2020".
Ông Tea Bank cũng chia sẻ: "Thay mặt Chính phủ, tôi xin cảm ơn sâu sắc tới Metfone vì đã đến đầu tư tại Campuchia".
Sau 10 năm, lợi nhuận chuyển về Việt Nam gấp 6 lần vốn đầu tư ban đầu
Sự xuất hiện của Metfone tại Campuchia đã tạo ra sự bùng nổ về dịch vụ viễn thông. Tuy ra đời sau 5 nhà mạng khác nhưng Metfone nhanh chóng bứt phá để vươn lên chiếm lĩnh thị phần cả về thuê bao và doanh số.
Theo số liệu từ Viettel, trong giai đoạn từ 2009 – 2018, Công ty Viettel Cambodia luôn dẫn đầu trong khối các Công ty con tại thị trường nước ngoài về doanh thu cũng như tốc độ tăng trưởng.
Tỉ trọng đóng góp vào doanh thu chung từ đầu tư nước ngoài của Viettel Cambodia bình quân hàng năm chiếm 25% và tốc độ tăng trưởng bình quân về doanh thu trong giai đoạn từ 2008 đến nay đạt 27%.
Lũy kế từ năm 2009 đến nay, doanh thu của Viettel Cambodia đạt 2.254 tỷ USD, tương đương 47.350 tỷ đồng. Riêng năm 2018, tổng doanh thu đạt 255 triệu USD, tương đương 5.865 tỷ đồng, tương đương 1,2% GDP của Campuchia.
Lũy kế lợi nhuận sau thuế của Viettel Cambodia đạt được từ năm 2009 – 2018 là 345,68 triệu USD, tương đương 7.259 tỷ đồng.
Sau đúng 4 năm kinh doanh, công ty hoàn xong toàn bộ vốn dự án mà Viettel đã đầu tư tại Campuchia. Lũy kế lợi nhuận chuyển về Việt Nam đến hiện tại đạt 259,16 triệu USD, tức gấp 6 lần vốn đầu tư.
Số lợi nhuận chuyển về nước của Viettel Cambodia đã góp phần rất quan trọng để bổ trợ cho hoạt động mở rộng đầu tư sang các thị trường nước ngoài mới tiếp theo của Viettel, đồng thời minh chứng cho chiến lược mở rộng đầu tư quốc tế của Viettel là đúng đắn và ý nghĩa.
Theo đánh giá của một số tạp chí nổi tiếng thế giới về kinh doanh (Forbes, Branch Finance), Metfone hiện nằm trong Top 5 doanh nghiệp có doanh thu lớn nhất tại Campuchia và Top 30 thương hiệu viễn thông giá trị nhất trong khu vực Đông Nam Á, giá trị thương hiệu Metfone khoảng 94 triệu USD.
Góp phần thay đổi diện mạo ngành viễn thông Campuchia
Tính đến thời điểm hiện tại, Viettel Cambodia có 9 triệu thuê bao di động phát sinh cước, 100.000 thuê bao Cố định băng rộng và duy trì vững chắc vị thế số 1 về thị phần tại Campuchia với thị phần di động chiếm 48%, thị phần cố định băng rộng chiếm 60%.
Đặc biệt, về hạ tầng mạng lưới, tính đến thời điểm hiện tại, quy mô hạ tầng của Công ty Viettel Cambodia đã gấp 1,5 lần đối thủ xếp thứ 2 là Smart Axiata với 11.000 trạm phát sóng (2G, 3G, 4G), 24.000 km cáp quang, 3.600 Node GPON; thực hiện phủ sóng đến 100% dân cư, 98% diện tích.
Quan khách đi tham quan các dự án số của Viettel tại Campuchia
Metfone ra đời góp phần làm cho giá cước viễn thông trung bình tại Campuchia giảm từ 2-4 lần, mật độ thâm nhập của các dịch vụ viễn thông tăng lên từ 2-10 lần (di động tăng từ 29% lên 80%, băng rộng cố định tăng từ 2% đến 15%).
Sự ưu tiên đầu tư, phát triển về hạ tầng mạng lưới của Viettel Cambodia đã góp phần làm thay đổi diện mạo ngành viễn thông Campuchia, đưa Campuchia trở thành quốc gia có hạ tầng viễn thông hiện đại với mật độ, độ phủ nằm trong Top cao nhất của khu vực.
Đồng thời, với sự tăng trưởng thần kỳ, Công ty Viettel Campuchia đã mang lại sự thay đổi đáng ghi nhận cho cuộc sống người dân trên đất nước Campuchia. Tất cả mọi người đều có thể sử dụng điện thoại, trong đó có người nghèo, người dân ở vùng núi xa xôi hay biển đảo.
Với những thành tựu đó, Viettel Campuchia đã đóng góp không nhỏ vào việc thiết lập, tạo dựng và cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia của Campuchia.
Hạ tầng viễn thông nói trên đã tạo nền tảng vững chắc cho Chính phủ Campuchia triển khai các công cụ quản lý cấp cao như Chính phủ điện tử, phát triển ứng dụng CNTT- viễn thông trên các lĩnh vực y tế, giáo dục…qua đó góp phần nâng cao trình độ năng lực quản lý, thúc đẩy cải cách hành chính theo hướng hiện đại nhằm phát triển nền kinh tế và cải thiện đời sống xã hội của đất nước.