Phương Tây phải làm quen với việc hàng hoá không còn "rẻ"
Châu Á - công xưởng của thế giới và là nơi cung cấp cho rất nhiều đồ dùng mà người Mỹ sử dụng, đang gặp phải một vấn đề lớn: Lao động trẻ không còn muốn làm việc trong các nhà máy.
Đó là lý do tại sao các nhà máy ở khu vực này đang nỗ lực để cải thiện môi trường làm việc. Hơn nữa, hồi chuông cảnh báo đang vang lên đối với các công ty phương Tây vốn dựa vào lao động chi phí rẻ của châu Á để sản xuất hàng loạt hàng tiêu dùng với mức giá thấp.
Thời kỳ “hoàng hôn” của lao động công xưởng giá rẻ ở châu Á đang xảy ra và trở thành phép thử mới nhất đối với mô hình sản xuất toàn cầu hoá. Mô hình này trong suốt 3 thập kỷ qua đã giúp cung cấp một lượng lớn hàng hoá giá thấp, từ TV màn hình phẳng cho đến đồ may mặc, cho người tiêu dùng khắp thế giới.
Paul Norriss, nhà đồng sáng lập của nhà máy may mặc ở Việt Nam, UnAvailable, cho biết: “Không còn nơi nào trên thế giới có thể cung cấp mọi thứ mà bạn muốn với giá thấp nữa. Người tiêu dùng sẽ phải thay đổi thói quen chi tiêu và cả các thương hiệu cũng vậy.”
Norriss chia sẻ, những công nhân ở độ tuổi 20 thường bỏ ngang chương trình đào tạo của công ty, trong khi những người ở lại thì chỉ làm việc trong vài năm. Ông kỳ vọng rằng, việc nâng cao môi trường làm việc sẽ sớm tạo ra sự khác biệt.
Hãng sản xuất đồ chơi Hasbro cho biết tình trạng thiếu hụt lao động ở Việt Nam và Trung Quốc đang khiến giá cả hàng hoá bị đẩy lên cao. Hãng sản xuất búp bê Barbie - Mattel, có cơ sở sản xuất lớn ở châu Á, cũng đang chật vật khi chi phí lao động tăng cao. Cả 2 công ty đều đã tăng giá sản phẩm.
Trong khi đó, hồi tháng 6, Nike, công ty sản xuất phần lớn giày ở châu Á, cho biết giá thành sản phẩm của họ đã tăng do chi phí lao động leo thang.
Manoj Pradhan, nhà kinh tế tại London, nhận định: “Đối với nhóm người tiêu dùng Mỹ vốn đã quen với việc hàng hoá có mức giá rẻ và tương đối ổn định với thu nhập khả dụng của họ, thì tiêu chuẩn đó sẽ phải điều chỉnh lại.”
Người trẻ tìm thấy những hướng đi khác
Từ những năm 1990, Trung Quốc và sau đó là các trung tâm sản xuất khác của châu Á đã hội nhập sâu vào nền kinh tế toàn cầu. Họ góp phần đưa các quốc gia của những người nông dân nghèo thành những “cường quốc” trong lĩnh vực sản xuất. Nhờ đó, hàng hoá lâu bền như tủ lạnh hay ghế sofa có mức giá rẻ hơn.
Giờ đây, những quốc gia này đang phải đối mặt với vấn đề về thế hệ. Những lao động trẻ tuổi - có học vấn cao hơn thế hệ trước và tiếp xúc với nhiều mạng xã hội, cho rằng sự nghiệp của họ không nên “nằm gọn” bên trong các nhà máy.
Sự thay đổi về nhân khẩu học cũng là một nguyên nhân khác. Người trẻ châu Á sinh ít con hơn so với thế hệ trước và có con muộn hơn. Do đó, họ ít chịu áp lực hơn trong việc kiếm được thu nhập ổn định ở tuổi 20. Lĩnh vực dịch vụ tăng trưởng bùng nổ đã mang đến cho họ những cơ hội công việc tốn ít sức lao động hơn như nhân viên trong trung tâm thương mại hay lễ tân khách sạn.
Vấn đề này đặc biệt căng thẳng ở Trung Quốc, nơi tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên thành thị lên tới 21% trong tháng 6 dù nhiều nhà máy thiếu lao động. Các công ty đa quốc gia đang chuyển hoạt động sản xuất sang các nước lân cận. Nhiều chủ nhà máy ở đại lục cho biết họ cũng đang gặp khó khăn trong việc thu hút lao động trẻ.
Theo dữ liệu từ Tổ chức Lao động Quốc tế của LHQ, mức lương tại nhà máy ở Việt Nam đã tăng hơn gấp đôi kể từ năm 2011 lên 320 USD/tháng, gấp 3 lần tốc độ ở Mỹ. Tại Trung Quốc, con số này là 122% từ năm 2012 đến 2021.
Thực tế mới của thị trường lao động
Trước đây, để giải quyết vấn đề, các nhà sản xuất chỉ cần chuyển địa điểm đến nơi có chi phí lao động thấp hơn. Song, tình hình hiện tại lại không dễ dàng như vậy. Một số quốc gia châu Phi và Nam Á có lực lượng lao động lớn, nhưng nhiều nơi lại không ổn định về chính trị hay thiếu cơ sở hạ tầng tốt và lực lượng lao động có tay nghề.
Các thương hiệu đồ may mặc đã gặp khó khăn khi họ mở rộng sang Myanmar và Ethiopia vì bất ổn chính trị. Bangladesh từng là lựa chọn hàng đầu nhưng lại gặp vấn đề do các chính sách thương mại không cởi mở và cảng tắc nghẽn.
Ấn Độ có số lượng dân rất lớn và nhiều doanh nghiệp đã lựa chọn đây là địa điểm thay thế Trung Quốc. Song, nhiều giám đốc nhà máy đã phàn nàn về khó khăn khi giữ chân lao động trẻ. Nhiều người thích làm nông hơn vì được nhà nước hỗ trợ hoặc lựa chọn các công việc tự do. Trong khi đó, các kỹ sư thì bỏ việc ở nhà máy để làm IT.
Trong bối cảnh đó, các chủ nhà máy ở châu Á đã nỗ lực cải thiện phúc lợi ở nơi làm việc, như trợ cấp việc học mẫu giáo và tài trợ cho các chương trình đào tạo kỹ thuật. Một số đang chuyển nhà máy đến vùng nông thôn, nơi người dân sẵn sàng làm các công việc chân tay hơn.
Hiện tại, thị trường lao động đã đổi khác so với 2 thập kỷ trước, khi việc tìm nhân viên không còn đơn giản chỉ là mở cổng sẽ có hàng dài người kéo đến.
Năm 2001, Nike cho biết hơn 80% công nhân trong nhà máy của họ là người châu Á, chủ yếu là ở tuổi 22, độc thân và gia đình làm nông. Hiện tại, độ tuổi trung bình của công nhân Nike Trung Quốc là 40, ở Việt Nam là 31, một phần do dân số châu Á đang già đi nhanh chóng.
Lovesac, nhà sản xuất đồ nội thất của Mỹ, cho biết lực lượng lao động của họ ở Trung Quốc đang già đi và gặp khó khi tìm nhân sự trẻ tuổi hơn. CEO Shawn Nelson, cho hay, người trẻ sử dụng smartphone và hoà nhập với văn hoá toàn cầu, nên họ không hứng thú với công việc trong nhà máy.
Trong bối cảnh các nhà máy châu Á chuyển sang tự động hoá, nhiều công ty khó tìm được công nhân có khả năng vận hành máy móc hiện đại. Các nhà quản lý cho biết, thanh niên ít quan tâm đến kỹ thuật cơ khí và những người thích lĩnh vực này lại làm ở ngành nghề khác.
Susi Susanti, 29 tuổi đến từ Indonesia, cho biết cô đã thử làm việc tại nhà máy sau khi tốt nghiệp trung học. Cô không thích công việc trong cả nhà máy điện tử và đóng giày. Sau đó, Susi đã học tiếng Trung Quốc và nhận việc chăm sóc một cặp vợ chồng lớn tuổi người Đài Loan.
Hiện tại, thù lao của Susi cao hơn gấp 3 lần so với khi làm trong nhà máy ở Indonesia. Hơn nữa, cô cũng thấy công việc này bớt mệt mỏi hơn.
Tham khảo WSJ