Là một trong những thị trường nóng nhờ tiềm năng sẵn có, Đà Nẵng được rất nhiều nhà đầu tư quan tâm và lựa chọn xuống tiền. Thị trường bất động sản Đà Nẵng thực tế đã bắt đầu sôi động trong giai đoạn 2007-2009, đặc biệt sau giai đoạn cuộc khủng hoảng 2011-2013, giá đất nơi đây tăng đột biến.
Theo chia sẻ của các nhà đầu tư, tùy vào từng thời điểm, từng mốc thời gian và khu vực, giá đất bất động sản Đà Nẵng có biến động mạnh khác nhau.
Theo ông Trần Lập, một nhà đầu tư đến từ Đà Nẵng, tháng 4/2014, một lô đất trên đường Nguyễn Tri Phương có giá 340 triệu đồng.
Đến năm 2019, giá lô đất này tăng lên tới 3,5 tỷ, tăng đến 10 lần chỉ trong vòng 6 năm. Trong khi đó, một lô đất khác trên đường Võ Nguyên Giáp từng bán với giá 19,5 triệu đồng/m2 năm 2010 thì đến năm 2018, mức giá lên tới 400 triệu đồng/m2.
Theo chia sẻ của nhiều nhà đầu tư khác đến từ Đà Nẵng, giá đất ở một số khu vực khác cũng tăng mạnh. Điển hình là lô đất FPT khu V5, năm 2017 mở bán giá 800 triệu đồng. Đến quý 3/2018, giá lô đất này tăng tới 3,8 tỷ đồng. Tuy nhiên đến nay, mức giá của lô đất này được ghi nhận ở mức 2,8-2,9 tỷ đồng.
Giá đất trên đường Đông Kinh Nghĩa Thục năm 2013 dao động khoảng 800 triệu đồng, đến năm 2019 lên tới 14 tỷ đồng, tức gấp 17,5 lần. Tại đường Ông Ích Khiêm, giá đất năm 2015 là 9 triệu đồng/m2, đến năm 2020 tăng lên tới 35 triệu đồng/m2.
Đất nền khu dân cư Đại Địa Bảo, quận Sơn Trà năm 2007 từng được bán phiếu với giá 15 triệu/ lô chính đường 5,5m, cho nợ 100% trong thời hạn 10 năm. Tính tổng chi phí, giá lô đất này khoảng 30 triệu đồng cho 100m2. Đến hiện tại, giá đất tại đây lên tới 4,5 tỷ đồng.
Đặc biệt, theo các nhà đầu tư, những lô đất ven biển tại Đà Nẵng có mức tăng giá "khủng" nhất. Theo tính toán của một số nhà đầu tư, mức giá đất biển tăng lên tới 50-60 lần trong vòng khoảng 10 năm. Năm 2007, lô đất ven biển có mức giá 4 triệu đồng/m2, đến năm 2019, giá lên tới 240 triệu đồng/m2.
Có thể thấy, giá bất động sản Đà Nẵng có tốc độ tăng chóng mặt trong thời gian 10 năm trở lại đây, đặc biệt giai đoạn 2014-2018. Tuy nhiên, một số khu vực trong năm 2019-2020 đã rớt giá mạnh, tới 10-20%.
Theo một nhà đầu tư chia sẻ, thời điểm trước dịch, nhà đầu tư này mua 2 lô đất Ngọc Dương với giá 3 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ 5 tháng sau, mức giá rớt xuống còn 1,5 tỷ/ lô và hiện tại mức giá vẫn ở ngưỡng thấp.
Báo cáo mới đây của DKRA Việt Nam ghi nhận, hoạt động giao dịch trên thị trường thứ cấp tại Đà Nẵng đang kém sôi động, tính thanh khoản khá thấp. Giá thứ cấp ghi nhận mức giảm trung bình khoảng 5 - 10% so với năm 2020.
Đặc biệt, phân khúc biệt thự có sức mua rất thấp do ảnh hưởng bởi dịch bệnh kéo dài cùng sự khan hiếm nguồn cung kể từ cuối năm 2019. Theo DKRA Việt Nam, thị trường biệt thự biển Đà Nẵng rơi vào trạng thái trầm lắng, sức cầu thị trường rất thấp. Đây là năm thứ 2 liên tiếp Đà Nẵng ghi nhận phân khúc biệt thự biển không có nguồn cung mới.
Theo dự báo từ DKRA Vietnam, trong giai đoạn cuối năm 2021, đa phần các phân khúc tại Đà Nẵng sẽ tiếp tục xu hướng giảm nguồn cung từ đầu năm 2021. Sức cầu thị trường có thể sẽ phục hồi nhẹ tùy vào tình hình kiểm soát dịch bệnh Covid-19 trong những tháng cuối năm.
Ở phân khúc đất nền, DKRA Vietnam dự báo, nguồn cung đất nền giảm ở cả 2 thị trường Đà Nẵng và Quảng Nam so với đầu năm 2021 và cùng kỳ năm 2020. Sức tiêu thụ có thể sẽ phục hồi nhẹ vào cuối năm nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt. Những dự án có pháp lý hoàn thiện và hạ tầng xây dựng đồng bộ, tiến độ rõ ràng tiếp tục thu hút sự quan tâm của khách hàng.
Đối với các phân khúc nhà phố và biệt thự, mặt bằng giá bán thứ cấp không biến động nhiều, nhưng nếu dịch bệnh kéo dài có thể giá thứ cấp sẽ giảm. Tuy nhiên, thị trường không xảy ra tình trạng bán tháo.