Kỷ lục ngang trái và màn "leo dốc" đầy rủi ro của U22 Việt Nam

Thừa Phong |

Bắn cung và bóng đá không liên quan nhiều đến nhau. Nhưng câu chuyện về kỷ lục của bắn cung Việt Nam tại SEA Games lại làm liên tưởng ngay đến những bi kịch mà bóng đá từng gặp phải.

Kỷ lục ngang trái

Sau mũi tên cuối cùng, bảng điện tử hiện con số 159/160 điểm. Cặp đôi Nguyễn Tiến Cương - Châu Kiều Oanh của Việt Nam chính thức phá kỷ lục 157 điểm ở nội dung cung 3 dây đôi nam nữ tại SEA Games.

Nhưng. Một lần nữa chữ "nhưng" lại khiến người hâm mộ chìm trong tiếc nuối. Kỷ lục mà Tiến Cương - Kiều Oanh lập được lại diễn ra trong trận tranh hạng ba, nghĩa là chỉ đem về chiếc HCĐ.

Kỷ lục ngang trái và màn leo dốc đầy rủi ro của U22 Việt Nam - Ảnh 1.

Kiều Oanh và Tiến Cương chỉ giành được HCĐ dù phá kỷ lục SEA Games.

Trước đó tại vòng bán kết, cặp đôi này chỉ giành nổi 152 điểm và bị đánh bại bởi 2 VĐV Malaysia. Đáng chú ý, 2 cung thủ nước chủ nhà lên ngôi với điểm số khá khiêm tốn. Trận thăng hoa nhất, họ cũng chỉ bắn được 155 điểm, thua thành tích cao nhất của Thái Lan, Indonesia và Việt Nam.

Sự vững vàng về tâm lý đem đến chiến thắng cho Malaysia. Các cung thủ nước chủ nhà giữ phong độ rất ổn định từ vòng loại cho đến vòng chung kết, trong khi những đối thủ cứ liên tục trồi sụt.

Màn "leo dốc" của U22 Việt Nam

Tại SEA Games 28, bóng đá Việt Nam từng trải qua cảm giác như đội tuyển bắn cung. Công Phượng và đồng đội có chiến thắng hoành tráng 5-0 trước Indonesia ở trận tranh hạng 3. Trước đó, U23 Việt Nam gục ngã dưới chân Myanmar trong 90 phút đầy khó hiểu, khi hàng công bỏ lỡ vô số cơ hội ngon ăn.

U23 Việt Nam 1-2 U23 Myanmar

Đã từng có thời các đội tuyển Việt Nam bị gọi là "vua về nhì" ở các giải khu vực. Song vài năm gần đây, đoàn quân áo đỏ thường gặp khúc mắc trong các chặng "leo dốc" hơn là "về đích". Nghĩa là chúng ta thường khởi đầu rực rỡ trước khi thua đối thủ "cứng" và chẳng thể đến nổi trận chung kết.

4 năm trước, U23 Việt Nam thắng tưng bừng 7-0 Brunei ngày ra quân. Nhưng 2 cú ngã ngựa trước Singapore, Malaysia khiến Văn Quyết và đồng đội rời giải ngay sau vòng bảng.

Trên đất Indonesia năm 2011, đoàn quân áo đỏ đứng đầu bảng B và lọt vào bán kết với tư cách đội ghi nhiều bàn nhất, để lọt lưới ít nhất. Vậy mà hàng công ấy không ghi nổi 1 bàn trước U23 Indonesia. Để rồi U23 Việt Nam thất bại 0-2 và lỡ hẹn với trận chung kết.

Sau 3 trận toàn thắng tại SEA Games 29, một chuyên gia đã bày tỏ lo ngại về lịch thi đấu theo kiểu "tăng dần độ khó" của thầy trò HLV Hữu Thắng. Liên tiếp những trận đấu không quá khó khăn sẽ làm hàng thủ U22 Việt Nam kém tập trung hơn, còn hàng công lại có phần thiếu nắn nót mỗi khi dứt điểm.

Trước mặt đoàn quân áo đỏ bây giờ là U22 Indonesia. Những Công Phượng, Xuân Trường, Văn Toàn hẳn không lạ gì đội bóng đến từ xứ Vạn đảo. Mới chưa đầy một năm trước, ĐT Việt Nam đã bị đánh bại bởi một Indonesia lì lợm, mạnh mẽ nhưng biết cách bùng nổ khi cơ hội đến.

Kỷ lục ngang trái và màn leo dốc đầy rủi ro của U22 Việt Nam - Ảnh 3.

U22 Việt Nam sẽ phải rất cảnh giác trước Indonesia.

Sẽ rất khó để Công Phượng thực hiện một quả solo như đã làm trước Philippines. Bởi những hậu vệ Indonesia chơi vừa nhanh, vừa quái hơn nhiều, sẵn sàng dùng tiểu xảo để ngăn chặn.

Khoảng trống sau lưng 2 hậu vệ biên ưa tấn công Văn Hậu, Văn Thanh chắc chắn là nơi đội bạn muốn khai thác. Xuân Trường, Tuấn Anh cũng sẽ bị phong tỏa, thậm chí có thể "dính đòn" từ Indonesia.

Hơn lúc nào hết, HLV Hữu Thắng cần giúp học trò chuẩn bị tâm lý thật vững vàng trước trận đánh lớn. Chỉ có như vậy, U22 Việt Nam mới vượt qua trở ngại, tiến xa hơn trên con đường chinh phục HCV SEA Games.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại